Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc về cách mạng Tháng Mười Nga

- Cùng với nhân loại tiến bộ trên thế giới và nhân dân Việt Nam, bà con các dân tộc tỉnh Tuyên Quang của chúng ta đang chuẩn bị chào mừng sự kiện kỷ niệm 105 năm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công  (7-11-1917 - 7-11-2022).

Lãnh tụ V.I.Lênin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết ngày 7-11-1917.

105 năm trước, dưới ánh sáng của “Luận cương tháng Tư” và sự chỉ đạo của V.I.Lenin, những người Bolshevik xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất cho toàn Đảng lúc đó ở nước Nga là phải lôi cuốn đông đảo giai cấp công nhân và nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập đội quân chính trị đông đảo đủ sức mạnh đánh bại lực lượng phản cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị và chủ động đối phó với sự thay đổi của tình hình. Cách mạng đã lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, của lực lượng chuyên chế phong kiến Nga Hoàng, xóa bỏ tình cảnh nô lệ của quần chúng công - nông, đem lại cho họ quyền tự do, dân chủ và địa vị làm chủ xã hội. 

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga cùng với sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới được xem là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực và có sức mạnh vô cùng to lớn, mở đường cho các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do.

Thế nhưng, trong nhiều năm qua, đã có không ít kẻ cơ hội chính trị vẫn luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười. Thậm chí, có người còn cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga là “sai lầm lịch sử” nên cần phải xóa bỏ mọi sản phẩm ra đời từ “sai lầm” đó, bao gồm tư tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nhà nước Liên Xô, Đảng Cộng sản Liên Xô, hệ thống xã hội chủ nghĩa...  Đặc biệt từ khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu do mắc các sai lầm và sụp đổ (năm 1991), họ đã  “kết luận” rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga kéo nước Nga theo con đường xã hội chủ nghĩa là trái với quá trình “lịch sử - tự nhiên”.

Có lẽ những kẻ cơ hội chính trị nói trên không biết hoặc cố tình không nuốn biết rằng, ngay sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lenin và Đảng Bolshevik Nga đã tập trung củng cố chính quyền Xô viết, xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho quần chúng nhân dân. “Sắc lệnh hòa bình” và “Sắc lệnh ruộng đất” được ban hành ngay sau khi cách mạng thành công đáp ứng được ý nguyện của quần chúng nhân dân lao động Nga về một cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc.

Nhờ sức mạnh công nghiệp hùng hậu, nhờ sức động viên của chế độ xã hội mới, nhờ sự quên mình của nhân dân, tài tổ chức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, một đảng được tôi luyện trong ngọn lửa Tháng Mười, Liên Xô đã trở thành lực lượng quyết định nhất tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít, cứu loài người khỏi thảm họa hủy  diệt. Chỉ trong vòng 20 năm sau chiến tranh, Liên Xô đã đạt những thành tựu vĩ đại làm cả thế giới khâm phục: nước đầu tiên khai phá con đường chinh phục vũ trụ, cũng là nước đầu tiên đưa năng lượng hạt nhân vào phục vụ đời sống hòa bình của con người.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng ở hàng loạt quốc gia. Với người lao động ở vị trí làm chủ xã hội, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã phát triển kinh tế rất mạnh mẽ, vượt qua chủ nghĩa tư bản về tốc độ tăng trưởng trong nhiều thập kỷ, công nghiệp hóa thành công, nhanh chóng xóa bỏ tình trạng nghèo nàn ở nhiều quốc gia, trở thành một lực lượng kinh tế - vật chất hùng hậu trên thế giới.

Phát triển xã hội với nhiều ưu việt về văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở, thể thao, bình đẳng giới, phúc lợi xã hội và quyền của nhân dân lao động nói chung. Phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ với tốc độ và thành tựu bước ngoặt, dẫn đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực, điển hình là khoa học vũ trụ, kỹ thuật quân sự... Thực hành nền đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển, gắn hòa bình với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết, bình đẳng trong sinh hoạt quốc tế; tạo ra một kiểu quan hệ quốc tế mới giữa các quốc gia dân tộc; giương cao ngọn cờ chủ nghĩa quốc tế vô sản...

Thực tế là như vậy, nhưng một số người lại xuyên tạc lịch sử, họ lợi dụng sự sai lầm của một số đảng cộng sản dẫn đến Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã để phản bác Chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng, “Chủ nghĩa xã hội là không tưởng”, là “sai lầm của lịch sử”... 

Năm 2005, trong thông điệp trước Quốc hội Liên bang Nga, Tổng thống Nga, ông V. Putin đã mô tả sự sụp đổ của Liên Xô như thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ trước.

Hiện nay, chủ nghĩa xã hội hiện thực mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng xu thế phát triển tất yếu của thời đại từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội vẫn luôn tỏ rõ trong thực tế. Chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn tồn tại ở một số nước và khẳng định sức sống mãnh liệt, triển vọng phát triển. Sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua, nhất là trong năm 2022 này là một ví dụ sinh động.

Thực tế đã chứng tỏ, nếu không có cuộc cách mạng Tháng Mười ở nước Nga, sẽ không có cuộc cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam. Và khi đó, tỉnh Tuyên Quang của chúng ta chắc chắn vẫn chìm đắm trong đói nghèo và lạc hậu.

105 năm qua, thế giới đã có quá nhiều đổi thay, các thế lực thù địch tung ra rất nhiều chiêu trò xuyên tạc,  nhưng tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn giữ nguyên giá trị. Mọi người cần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc về Cách mạng Tháng Mười Nga.

Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ
(Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)

Tin cùng dòng sự kiện