Đất đai là một loại tài sản đặc biệt, là tài nguyên quốc gia, là tư liệu sản xuất chủ yếu, thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, giao quyền sử dụng đất cho các đối tượng theo quy định của pháp luật. Trong những trường hợp cụ thể, đất đai được Nhà nước giao cho các cơ quan chức năng thực hiện những nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Điều 4 của Luật Đất đai (năm 2003) nêu rõ: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người dân sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Đây là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền, nghĩa vụ hợp pháp cho người sử dụng. Điều này cũng bảo đảm tôn chỉ “đất đai là tài sản quốc gia” luôn là nguyên tắc trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai.
Với quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hàng năm số lượng đất đai phải thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đạt được sự đồng thuận của nhân dân nên phần lớn các dự án có liên quan đến sử dụng đất đều đảm bảo quyền, lợi ích của nhân dân trong quá trình thu hồi, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, cũng có nơi vẫn để xảy ra tình trạng mâu thuẫn giữa người dân đang sử dụng đất với các cơ quan, doanh nghiệp. Thậm chí có nơi do công tác quản lý yếu kém đã để xảy ra tình trạng tự ý lấn chiếm, sử dụng đất công.
Khi Nhà nước thực hiện chủ trương thu hồi đất thực hiện các dự án lớn, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc để người dân hiểu sai, mục đích của chúng là kích động, gây tâm lý ức chế, từ đó có các hành vi chống đối trong quần chúng nhân dân. Đẩy người dân xung đột với chính quyền, phá hoại mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, hòng chia rẽ, kích động tư tưởng đối đầu, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để nâng cao hiệu quả giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai, kịp thời ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, không làm nảy sinh những khiếu kiện phức tạp. Các cấp ủy, chính quyền phải nắm chắc tình hình, phải làm tốt việc đối thoại, làm tốt công tác tiếp công dân; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật về đất đai. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ và nhân dân; tăng cường vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật về đất đai.
Đất đai là vấn đề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến lợi ích của chủ thể được Nhà nước trao quyền sử dụng, liên quan trực tiếp đến các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đất đai là tôn trọng luật pháp, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động tự nghiên cứu, học tập, nắm chắc các quy định pháp luật về đất đai, vừa gương mẫu thực hiện nghiêm túc, vừa trực tiếp tuyên truyền, để nhân dân hiểu và thực hiện đúng chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai, không để các đối tượng thù địch, phản động lợi dụng.
Gửi phản hồi
In bài viết