Chính phủ đang có rất nhiều giải pháp cụ thể để biến chủ trương chống dịch “5K + vắc xin + công nghệ” thành thực tế. Trong đó, tiêm vắc xin phòng Covid là giải pháp căn cơ, là biện pháp bền vững trong phòng, chống dịch. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung chỉ đạo, triển khai chiến lược vắc xin. Đây được coi là chìa khoá để chúng ta vượt qua đại dịch.
Đây cũng là một nội dung các thế lực thù địch đang tập trung chĩa mũi nhọn để chống phá, với các luận điệu xuyên tạc như “chống dịch bằng khẩu hiệu, bằng điện thoại, bằng công cụ trực tuyến với lãnh đạo các quốc gia tư bản giãy chết Mỹ, Úc, EU…để xin vắc xin…”. Như chúng ta đã biết, chiến lược vắc xin gồm 3 nội dung lớn: Tiếp cận mua vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất; đẩy mạnh tiếp cận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vắc xin tại Việt Nam; thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Trong khi nguồn cung vắc xin trên thế giới khan hiếm nghiêm trọng, nhất là trong năm 2021 sẽ là vấn đề cấp bách trên toàn cầu. Từ đầu năm 2021 đến nay, thế giới mới sản xuất được khoảng 4,5 tỷ liều số với 10 tỷ liều cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng. Tiến trình thực hiện cam kết và bàn giao vắc xin cũng triển khai khá chậm. Tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin cũng làm gia tăng sự khan hiếm vắc xin đối với nhiều quốc gia đang phát triển, chậm phát triển.
Trong hoàn cảnh này thì ngoại giao vắc xin được xác định là mũi nhọn, là giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài, nhằm đảm bảo nguồn vắc xin để tiêm phòng cho 75 triệu người. Ngoại giao vắc xin là việc tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương thông qua các tổ chức quốc tế để tăng cường tiếp cận vắc xin cho người dân. Chúng ta đã triển khai chiến lược ngoại giao vắc xin hết sức khẩn trương, toàn diện, quyết liệt. Do vậy, chiến lược ngoại giao vắc xin đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu. Đến cuối tháng 8-2021, chúng ta đã tiếp nhận 21 triệu liều vắc xin. Dự kiến tháng 9 có khoảng 20 triệu liều và quý IV có khoảng 20-50 triệu liều/tháng. Chúng ta đã ký kết được hợp đồng chuyển giao công nghệ với Mỹ, Nhật Bản và chuẩn bị ký với một số nước khác.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ đầu năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vắc xin toàn diện trên các lĩnh vực: mua, nhập khẩu, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước và tổ chức tiêm vắc xin. Nghị quyết số 21 của Chính phủ và quyết định số 3355, ngày 8-7-2021 của Bộ Y tế đã quy định rất rõ ràng, minh bạch, công khai việc phân bổ và sử dụng vắc xin. Các địa phương, đơn vị đã thực hiện việc tiêm chủng theo các đối tượng ưu tiên đã được Chính phủ quy định và đến nay đã tiêm được 18 triệu liều.
Trong bối cảnh khan hiếm vắc xin, nhân dân ta hiểu và đồng tình với Chính phủ trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên tiêm vắc xin, không như các đối tượng thù địch dựng chuyện vu khống, cho rằng đó là sự bất lực của Chính phủ trong việc phân phối vắc xin. Trên thực tế việc tiếp nhận, phân phối, sử dụng vắc xin được công khai minh bạch và thực hiện theo quy định, quy trình nghiêm ngặt, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ ở tất cả các khâu. Vắc xin được phân phối ngay, chọn các địa phương, đơn vị theo từng đợt nhận về.
Người dân tin theo khuyến cáo của Chính phủ và các chuyên gia “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất”. Các đợt tiêm, chính quyền địa phương và ngành y tế đều công bố trước tiêm loại vắc xin nào để nhân dân biết và quyết định việc tham gia. Không hề có chuyện Nhà nước bắt ép người dân tiêm loại vắc xin này hay loại vắc xin kia. Việc tiêm chủng cũng được thực hiện miễn phí. Nhà nước chưa cho phép tiêm vắc xin dịch vụ. Không có chuyện Nhà nước đi xin viện trợ rồi tiêm vắc xin thu tiền như các đối tượng phản động rêu rao.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp, có nơi rất nghiêm trọng. Đảng và Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả nước đang làm hết sức mình với nhiều giải pháp quyết liệt để sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, lúc này người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác với thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch. Mỗi người cần trang bị cho mình “bộ lọc” thông minh để tự mình loại bỏ và phản bác lại những thông tin độc hại, sàng lọc được những thông tin hữu ích; tỉnh táo, cảnh giác với những thông tin chưa được kiểm chứng và trở thành “người đọc thông thái” thực hiện trách nhiệm công dân trong việc đưa tin, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết