Chấn chỉnh công bộc “ngồi tót sỗ sàng”...

- Hơn hai thế kỷ trước, trong “Truyện Kiều”, cụ Nguyễn Du đã phác thảo chân dung một kiểu người gian manh, trịch thượng, bất nhân... đó là Mã Giám Sinh. Đặc điểm nhận dạng kiểu người này là “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao...”, nhưng văn hóa ứng xử thì “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng...”.

Nhân vật này đã trở thành một điển tích, được người đời sau ẩn dụ nhằm ám chỉ những hành vi kẻ cả, trịch thượng, khả ố... Những biểu hiện phản cảm ấy vẫn đang tồn tại trong văn hóa ứng xử của một bộ phận công bộc, cần phải chấn chỉnh, đấu tranh thẳng thắn để loại bỏ...

Cái “tôi” trịch thượng, xa dân

Một độc giả quen thuộc của Báo Quân đội nhân dân phản ánh với tòa soạn về thái độ tiếp dân của một bộ phận cán bộ ở cơ sở khiến ông và nhiều người rất bức xúc. Chuyện là, ông dẫn đứa cháu đang học trung học cơ sở ra trạm y tế phường xin giấy chứng nhận hết thời gian cách ly để cháu trở lại trường học theo quy định. Cán bộ trực hôm ấy là một người còn trẻ.

“Anh ta chỉ đáng tuổi con tôi. Thế mà khi tôi dẫn cháu vào, anh ta cứ dán mắt vào màn hình điện thoại, chả thèm nhìn tôi, ngả người trên ghế kiểu nửa ngồi nửa nằm, phưỡn cái bụng ra, phẩy tay trả lời cộc lốc rằng, thứ bảy cơ quan không làm việc, muốn xin giấy tờ gì thì thứ hai quay lại. Cán bộ ở cơ sở là bộ phận gần dân, thường xuyên tiếp xúc, làm việc với dân mà phong cách trịch thượng, “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” kiểu ấy thì không thể chấp nhận được”, ông nói đầy bức xúc!

Những ví dụ như trên xảy ra không hiếm trong môi trường công sở hiện nay. Sự tác động, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế về thái độ, phong cách làm việc, tinh thần trách nhiệm... của một bộ phận cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị các cấp.

Sự bàng quan, thiếu trách nhiệm, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ khiến nhiều cán bộ phải chịu kỷ luật, một số phải điều chuyển công tác. Một bộ phận khác, do hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, có thái độ hách dịch, trịch thượng, kẻ cả... khi giải quyết công việc, giao tiếp với dân, được truyền thông phản ánh, đã cho thấy những mảng tối trong văn hóa công chức, văn hóa công sở.

Đáng tiếc là trong số đó, có cả những người có học hàm, học vị cao, giữ cương vị chủ chốt ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh những hành vi phản cảm, kém văn hóa thể hiện khi tiếp xúc với dân, sự trịch thượng, kẻ cả, sỗ sàng... còn biểu hiện cả trong phong cách, phương pháp làm việc ở cơ quan, đơn vị. Một số người khi chưa được bổ nhiệm thì tỏ ra gần gũi, chan hòa với anh em đồng nghiệp để tranh thủ, tận dụng sự ủng hộ nhằm đạt được mục đích cá nhân.

Vậy nhưng khi đã có “ghế trên” rồi thì vội vã “quay xe”, tỏ thái độ “ngồi tót sỗ sàng” với ngay cả những đồng nghiệp đã từng giúp đỡ, nâng đỡ mình. Phong cách này là tác nhân gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa Đảng, văn hóa công chức, công sở...

Kiểu công bộc này thường tự trang điểm cho chân dung bản thân bằng hình ảnh “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”, cố chứng tỏ mình là người đạo mạo, trí tuệ, hơn người. Thực ra, thứ phong cách, hình ảnh họ cố tạo ra là một kiểu “ngụy quân tử”, “ngụy hàn lâm”, sản phẩm của thói hãnh tiến, cửa quyền...

Văn hóa Đảng là một bộ phận tinh hoa của văn hóa dân tộc. Văn hóa Đảng được cấu thành từ chất văn hóa, hành vi văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng và hệ thống chính trị các cấp. Những biểu hiện như trên, dù chỉ diễn ra ở phạm vi hẹp, là trường hợp cá thể, cá biệt của tổ chức đảng và hệ thống chính trị, nhưng mối nguy hại của nó thì khôn lường. Kiểu cán bộ “ngồi tót sỗ sàng” là hiện thân của lối làm việc quan liêu, cửa quyền, xa dân, là của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi đây là biểu hiện của loại người “lươn, chạch”. Nó là tác nhân của suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, làm lệch chuẩn văn hóa trong tổ chức đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở...; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân...

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường... Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng...

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi...

Ảnh minh họa/vtv.vn. 

Tuyệt đối không buông lỏng vũ khí đấu tranh...

Đảng ta đã nhận rõ tác hại, nguy cơ của những hạn chế, bất cập nêu trên nên trong tất cả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế... liên quan đến công tác cán bộ, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều được đề cập, nhấn mạnh, bổ sung, ngày càng hoàn thiện các mục tiêu, giải pháp nhằm khắc phục, chấn chỉnh.

Đại hội XIII của Đảng xác định rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ 2021-2026 là: “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...”.

Với phương châm lấy xây để chống, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, bên cạnh chăm lo công tác bồi dưỡng, giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, các cấp ủy đảng phải đặc biệt coi trọng công tác đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong nội bộ, mà kiểu công bộc “ngồi tót sỗ sàng” là một biểu hiện.

Hành vi cửa quyền, hách dịch, trịch thượng, ngụy hàn lâm... của cán bộ, công chức có thể đó là cái “tôi” của kiểu người “lươn, chạch”, nhưng cũng có thể đó là biểu hiện nhất thời của người đã và đang có sự ngộ nhận, muốn chứng tỏ bản thân.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề mang tính quy luật. Đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, yếu kém nêu trên, vì thế cũng là cuộc đấu tranh mang tính quy luật.

Chính vì vậy, việc đấu tranh bài trừ, loại bỏ những biểu hiện phản văn hóa trong Đảng đòi hỏi phải kiên trì, kiên quyết, khôn khéo, linh hoạt, đặc biệt là phải bám sát các nội dung trong các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận, quy chế... Đảng đã ban hành. Nó là cuộc đấu tranh lâu dài giữa cái tốt với cái xấu, cái tích cực với tiêu cực, giữa văn hóa với phản văn hóa... Cuộc đấu tranh ấy diễn ra thường xuyên, liên tục như rửa mặt hằng ngày, diễn ra ở mọi cấp ủy, tổ chức đảng và diễn ra ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...”.

Như vậy, với quy trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ qua các bước theo quy định hiện hành và vai trò giám sát của nhân dân, tổ chức đảng, cơ quan chức năng các cấp có đủ điều kiện, căn cứ để sàng lọc, lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực vào bộ máy lãnh đạo, quản lý, loại bỏ những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi quy trình.

Vũ khí đấu tranh đã có sẵn. Quan trọng là những người cầm cân nảy mực và mỗi nhân tố, lá phiếu trong quy trình ấy phải luôn nắm chắc vũ khí đấu tranh, không được buông lỏng, xa rời. Đối với việc đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực ở ngay trong bản thân cán bộ, đảng viên vì sự ngộ nhận, chủ quan, duy ý chí..., chúng ta phải tiếp tục mài sắc vũ khí đấu tranh phê bình, tự phê bình, soi chiếu trong các quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được nói và làm...

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nêu rõ: “Hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; các cấp ủy, tổ chức đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình...”.

Có thể nói, chưa bao giờ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lại được Đảng ta coi trọng, triển khai thực hiện quyết liệt và đạt hiệu quả cao như hiện nay. Có được kết quả đó, một phần quan trọng chính là nhờ Đảng đã trang bị đồng bộ vũ khí đấu tranh bằng hệ thống các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế... và sử dụng thứ vũ khí ấy theo phong cách nêu gương, từ trên xuống dưới, đặc biệt là từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay.

Trong hệ thống các văn bản đó, những điều, mục, nội dung quy định đều rất rõ ràng, vừa bao quát, vừa cụ thể, thể hiện rõ tính hiệu lực, hiệu quả. Tốc độ, hiệu quả của công cuộc chuyển đổi số áp dụng trong quản lý, điều hành, giúp hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị các cấp ngày càng được giám sát chặt chẽ bằng công nghệ thông minh.

Đó chính là tiền đề quan trọng về kỹ thuật, giúp cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, quá trình rèn luyện, trau dồi văn hóa Đảng của cán bộ, đảng viên nói riêng ngày càng thuận lợi. Các cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, tuyệt đối không lơ là, buông lỏng vũ khí đấu tranh, dù ở bất kỳ cương vị nào, hoàn cảnh nào...

PHAN TÙNG SƠN

Theo Quân Đội Nhân Dân Điện tử

Tin cùng dòng sự kiện