Tập trung nguồn lực
Là xã còn nhiều khó khăn với trên 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, xác định công tác giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền xã đã phối hợp ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác giảm nghèo với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, vốn vay ưu đãi...
Ruộng dưa chuột của người dân bước vào giai đoạn thu hoạch.
Thôn Phú Thị là một trong những thôn còn nhiều khó khăn trên địa bàn xã. Để làm tốt công tác giảm nghèo, ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ dành cho hộ nghèo, các ban trong thôn luôn sát cánh, quan tâm tới đời sống bà con trong thôn từ công tác xây dựng đường xá, cầu cống, vận động bà con nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, nhất là đối với những hộ nghèo và cận nghèo. Anh Trịnh Công Mạnh, Trưởng thôn Phú Thị cho biết: “Thôn có 108 hộ dân với gần 500 nhân khẩu. Để công tác giảm nghèo trên địa bàn xã phát huy hiệu quả, ngoài gieo trồng trên 21 ha ngô, lúa, các ruộng rau, cây ăn quả đạt 5 ha, dưa chuột gần 4,5 ha...phong trào sản xuất chăn nuôi được bà con chú trọng, nhiều hộ gia đình phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua đó đời sống bà con ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm”.
Từ đầu năm đến nay, xã đã triển khai đồng bộ các chương trình MTQG, hỗ trợ nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế, giảm nghèo thông qua các dự án phát triển sản xuất, chuỗi mô hình liên kết chăn nuôi bò, dê; tiếp cận các guồn vay vốn chính sách và các nguồn vốn khác; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo…“Ngay từ những ngày đầu triển khai chúng tôi luôn tập trung đặc biệt với công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo qua các năm” – Đồng chí Bùi Xuân Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Chi Thiết cho biết.
Mô hình trồng bưởi đem lại hiểu quả kinh tế cho người dân.
Nâng cao chất lượng đời sống
Theo báo cáo của UBND xã, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2024 đạt 42 triệu đồng/người/năm. Tổng giá trị sản xuất năm sau luôn cao hơn năm trước, giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp đạt trên 2.400 tấn, duy trì 340 ha mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô, ứng dụng công nghệ khoa học kĩ thuật vào trong trồng trọt. Các mô hình chăn nuôi, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn được quan tâm thành lập mới và duy trì hoạt động đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn.
Anh Dương Văn Nam, thôn Cây Vặc nhờ chịu khó tìm tòi đã học hỏi được nhiều kĩ thuật trong chăn nuôi dê ngoại và trở thành người tiên phong phát triển mô hình nuôi dê ở địa phương. Anh chia sẻ: “Đây là giải pháp hiệu quả để thoát nghèo. Nhờ nuôi dê mà gia đình tôi có thu nhập ổn định, qua đó cũng nhân rộng mô hình giúp người dân phát triển chăn nuôi bền vững”.
Người dân trong thôn hỗ trợ xây dựng nhà mới cho hộ nghèo trên địa bàn thôn Phú Thị.
Anh Trịnh Văn Thắng, thôn Phú Thị cho biết: “Được tiếp cận hỗ trợ về giống, cách gieo trồng, hướng dẫn khâu chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên ruộng dưa chuột hơn 4 sào của gia đình phát triển tốt, cho năng suất, sản lượng cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại, ngoài được hỗ trợ, gia đình cũng chủ động mua phân bón hữu cơ và mở rộng mô hình trồng trọt. Bình quân chúng tôi thu hoạch trên 6 tấn dưa chuột, trừ chi phí, gia đình thu từ 40 - 50 triệu đồng”.
Trong quá trình thực hiện tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng NTM, xã Chi Thiết chú trọng vận động và hỗ trợ Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, xóa nhà ở tạm, nhà dột nát. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể phối hợp tích cực, phát động các phong trào thi đua để giúp hội viên tham gia giúp nhau làm kinh tế, giúp nhau thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm từ 873 hộ còn 104 hộ chiếm 11,9%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 8/873 hộ, chiếm 0,91%. Địa bàn toàn xã không còn nhà tạm dột nát, bên cạnh đó xây dựng mới được 37 căn nhà cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Cùng với tập trung phát triển sản xuất, xã luôn quan tâm công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, liên kết giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp đào tạo nghề gắn mỗi năm thực hiện giải quyết việc làm cho gần 100 lao động.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân nên đến nay, xã Chi Thiết đã từng bước hoàn thành mục tiêu trong công tác giảm nghèo. Qua đó, khơi dậy tính tự lực, tự cường của người dân trong phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Gửi phản hồi
In bài viết