Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 27-4-1954, cuộc hành binh Condor của địch bị thất bại

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 27-4-1954, quân ta truy kích địch về tận Mường Sài và Luang Prabang. Cuộc hành binh Condor của địch đã hoàn toàn bị thất bại.

Về phía địch: Tính riêng trong tháng 4, số quân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu tại Điện Biên Phủ là 3.071 người. Lực lượng nhảy dù tăng viện trong tháng có hai tiểu đoàn và 650 lính. Tuy nhiên, số lính tăng viện này không thể bù đắp được những tổn thất nặng nề trong thời gian qua.

Về vũ khí, trong số 10 chiến xa chỉ còn một chiếc hoạt động, 4 khẩu pháo 155mm chỉ còn một khẩu bắn được, 24 khẩu pháo 105mm chỉ còn lại 14 khẩu. Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương tính cách tự cứu lấy mình bằng việc triển khai cuộc hành binh Condor nhằm giải vây cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 27-4-1954. 

Bộ đội ta chia thành nhiều mũi, thọc sâu tiêu diệt các cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Ngày 27-4-1954, Thủ tướng Anh Churchill tuyên bố ở Hạ nghị viện Anh: "Chính phủ Hoàng gia Anh không chuẩn bị lời hứa nào về hành động quân sự ở Đông Dương khi chưa biết kết quả của Hội nghị Geneva". Lời tuyên bố được Hạ nghị viện Anh hoan hô nhiệt liệt.

Cùng ngày, Đại sứ Pháp Massigli xin gặp Thủ tướng Churchill, tiếp tục nài nỉ nước Anh hãy nghĩ tới số phận của đoàn quân đồn trú ở Điện Biên Phủ. Churchill nói với Đại sứ Pháp: "Tôi đã phải chịu đựng ở Singapore, Hồng Công, Tobruk. Người Anh không thể vì số phận một đoàn quân Pháp đã được định đoạt mà bỏ lỡ cơ may giải quyết những vấn đề quan trọng của mình với những cường quốc cộng sản tại Geneva".

Về phía ta: Ngày 27-4-1954, được tin có cánh quân địch từ Lào sang giải vây cho Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định sử dụng Trung đoàn 148 và đại đội trinh sát ở Nam Hồng Cúm tiến về phía Mường Khoa ngăn chặn địch. Ta phục kích gần Mường Khoa nằm ở phía Tây-Nam Điện Biên Phủ, tiêu diệt 4 đại đội quân ngụy Lào. Địch tháo chạy, quân ta truy kích địch về tận Mường Sài và Luang Prabang (Lào). Cuộc hành binh Condor của địch hoàn toàn bị thất bại.

Cùng ngày, Đảng ủy Mặt trận triệu tập Hội nghị Bí thư Đảng ủy các đại đoàn để phê phán các hiện tượng "hữu khuynh tiêu cực". Các chiến dịch trước đó, từng đơn vị chỉ đánh vài trận, những trận đánh thường diễn ra không quá một đêm. Sau mỗi trận, bộ đội ta rút ngay về vị trí an toàn phía sau nghỉ ngơi, củng cố chuẩn bị cho trận khác. Đến chiến dịch này, cuộc chiến đấu đã kéo dài nhiều tháng ròng.

Những trận truy kích đường dài, công đồn, phòng ngự, đánh phản kích quyết liệt diễn ra liên tiếp. Ngay sau đó lại bắt tay luôn vào xây dựng trận địa, bản thân công việc này cũng là chiến đấu. Bộ đội ta ăn, ngủ ngay tại công sự trên trận địa đối mặt với quân địch. Cường độ chiến đấu đã vượt quá sức chịu đựng của con người.

Bộ chỉ huy Chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Ảnh tư liệu: TTXVN. 

Cơ quan chính trị đi nắm tình hình tư tưởng các đơn vị nhận xét: Qua đợt chiến đấu vừa rồi nổi lên những gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, nhưng cũng nảy sinh một số biểu hiện tiêu cực, như: Ngại hy sinh, gian khổ, chấp hành mệnh lệnh không nghiêm, cá biệt có cán bộ đã bỏ nhiệm vụ giữa trận đánh.

Đảng ủy Mặt trận nhận thấy không thể bỏ qua những hiện tượng mới này, quyết định triệu tập hội nghị các bí thư đại đoàn, các đồng chí phụ trách tổng cục... để tiến hành kiểm điểm tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trước khi bước vào đợt chiến đấu quyết định.

Chỉ huy giới thiệu với hội nghị về nghị quyết mới của Bộ Chính trị và trình bày bản báo cáo của Đảng ủy Mặt trận: "Kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, xây dựng tinh thần tích cực cách mạng, tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh bảo đảm toàn thắng cho chiến dịch".

Hội nghị thảo luận, nhất trí về tình hình sau khi phân tích kỹ những khó khăn, thuận lợi của ta và địch. Mọi người đều nghiêm khắc kiểm điểm những thiếu sót. Hội nghị Geneva sắp họp, ai nấy đều thấy mình đang đứng trước những nhiệm vụ to lớn, không chỉ giành thắng lợi trong chặng đua nước rút, mà còn phải về tới đích đúng thời gian. Không được phép xao nhãng trách nhiệm giành thắng lợi với tổn thất ít nhất về xương máu.

Ngày hôm sau, phần lớn cán bộ cơ quan chính trị chia nhau xuống giúp đỡ các đơn vị triển khai một đợt giáo dục cấp tốc cho toàn thể bộ đội, từ cấp ủy đến đảng viên, từ cán bộ đến chiến sĩ, để mọi người nhận thức rõ tình hình, nâng cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Một khí thế mới dâng lên khắp nơi. Đây là một thành công lớn trong công tác chính trị trên mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của Quân đội ta.

THÀNH VINH (lược trích)

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.

2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

3. Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.

4. Điện Biên Phủ-nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.

5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.

Theo QĐND

Tin cùng dòng sự kiện