Sự chủ động được hiểu là nắm chắc công việc mà tập thể và cá nhân được giao phụ trách. Cụ thể là phải nắm chắc thực lực, tiềm lực và những điều kiện tác động, ảnh hưởng bên trong, bên ngoài để có thể nắm bắt cơ hội, đưa ra quyết sách, quyết định làm lợi cho tập thể. Những cán bộ chủ động thường là những người xông xáo, biết nhìn xa trông rộng; luôn lắng nghe, chắt lọc thông tin; đồng thời có khả năng tổ chức chuẩn bị con người, phương tiện, kinh phí và điều kiện khác để tập trung giải quyết công việc, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Trong thực tế, số cán bộ hội tụ phương pháp làm việc như trên rất quý. Ngược lại, do nhiều nguyên nhân, bộ máy quản lý các cấp còn có những cán bộ lấy phương pháp làm việc mệnh lệnh hành chính là chủ đạo, trông chờ vào chỉ đạo của trên và báo cáo của cấp dưới, xa rời thực tế cuộc sống. Phương pháp làm việc này được duy trì lâu ngày khiến họ dần dần mắc bệnh quan liêu.
Có thể dẫn chứng một số ví dụ, như tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trái phép trên đất rừng, đất nông nghiệp nhưng chính quyền, cơ quan chức năng không nắm được. Đơn cử, vào tháng 5-2023, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, điều tra, làm rõ những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án Khu dân cư Tân Thịnh (tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Theo đó, dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và giấy phép xây dựng nhưng Công ty cổ phần LDG đã tổ chức thi công 680 căn nhà ở. Quy mô công trình không nhỏ, sai phạm rất lớn nhưng cơ quan chức năng các cấp, chính quyền địa phương không hề có động thái chấn chỉnh, khiến cho “con voi chui lọt lỗ kim”.
Bên cạnh bệnh quan liêu thì bệnh hình thức cũng còn tồn tại, thể hiện qua hiện tượng thanh tra, kiểm tra cốt cho xong kế hoạch, chỉ ra những hạn chế, yếu kém chung chung, thiếu biện pháp chỉ đạo cụ thể để khắc phục hạn chế, yếu kém, giúp tổ chức, đơn vị, cá nhân sửa chữa.
Hậu quả của cách làm việc này không chỉ làm giảm vai trò của tổ chức mà còn sinh ra hiện tượng cán bộ không trung thực với cấp trên, tổ chức để bao biện cho yếu kém, khuyết điểm, tránh bị phê bình, kiểm điểm. Hoặc họ tìm cách lờ đi, coi như “không biết, không nghe, không thấy” sai phạm xảy ra ở lĩnh vực theo dõi, quản lý. Cá biệt, một số nơi thực hiện “phạt cho tồn tại” để được tiếng là nghiêm khắc, làm hết trách nhiệm, trấn an dư luận nhưng những sai phạm không được xử lý triệt để...
Để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân thì mấu chốt là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với thử thách để đưa ra quyết sách, quyết định đúng đắn, chính xác, kịp thời. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cần thường xuyên nêu cao trách nhiệm, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ theo đúng tinh thần Kết luận số 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Mặt khác, cấp ủy Đảng các cấp cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm những đề xuất đổi mới, sáng tạo để có biện pháp nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả; chủ động phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, xử lý vi phạm; xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, cần đấu tranh mạnh mẽ với biểu hiện cán bộ quan liêu, ưa mệnh lệnh hành chính, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên.
Tháng 8-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Phải xem trọng ý kiến nhân dân” đăng trên Báo Nhân Dân. Ở bài viết này, Người chỉ rõ: “Bệnh quan liêu chỉ đưa đến một kết quả là: Hỏng việc”. Người dạy, cán bộ muốn làm được việc, muốn phát triển đất nước thì “phải kiên quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh” và thực hành theo các nguyên tắc: Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng; tin vào dân chúng; luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng. Người cũng cảnh báo cán bộ, đảng viên tuyệt đối không nên "theo đuôi" quần chúng mà phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa thành đường lối để lãnh đạo quần chúng.
Những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy luôn là kim chỉ nam để cán bộ các cấp nâng cao bản lĩnh, rèn luyện đạo đức và tác phong công tác theo hướng khoa học, từ đó hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đạt hiệu quả công tác một cách thiết thực chính là góp phần vào sự phát triển của đất nước, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Gửi phản hồi
In bài viết