Chuyện ở các chốt kiểm dịch

 

Là nơi đầu tiên kiểm soát các luồng phương tiện, người dân ra vào địa bàn tỉnh, các chốt kiểm soát có nhiệm vụ như tuyến đầu phòng dịch tại các địa phương chưa có thêm ca nhiễm Covid-19 như Tuyên Quang.

Việc kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào tỉnh là rất cần thiết thời điểm này.

 

 

Các bộ phận trực chốt chia làm từ 3 - 4 ca mỗi ngày bao gồm các bộ phận chuyên môn riêng: Công an, thanh tra giao thông, y tế, quân đội và đoàn viên, thanh niên. Đối với các chốt có lưu lượng người qua lại đông như chốt kiểm dịch tại Sơn Nam thì trong một ca trực 8 tiếng lại chia làm các kíp nhỏ để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ với tần suất 1.200 - 1.500 lượt người ra vào địa bàn mỗi ngày.

Các lực lượng tham gia trực chốt tại chốt kiểm dịch Sơn Nam (Sơn Dương).

Chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại xã Ninh Lai (Sơn Dương) thường ngày không có quá nhiều xe đi lại. Cả ngày có khi chỉ 9 - 10 xe, chủ yếu là xe chở hàng, người dân đổ buôn giữa địa phận huyện Sơn Dương và tỉnh Vĩnh Phúc. 

 

Một vài người dân chưa có giấy xét nghiệm PCR vẫn đang “tá túc” nhờ lán của chốt kiểm dịch chốt kiểm dịch Ninh Lai (Sơn Dương).

Một chiếc lều bằng vải bạt, 2 - 3 chiếc bàn, vài chiếc ghế, một cái bàn nấu ăn thành một chốt kiểm soát, phía sau nương nhà dân. Mọi sinh hoạt cứ thế diễn ra đều đặn để đảm bảo chốt trực 24/24. 

Các cán bộ được điều động đều trong tâm thế sẵn sàng, chủ động với công việc mới tại chốt kiểm dịch Ninh Lai (Sơn Dương).

Tại chốt kiểm dịch tại xã Đội Bình (Yên Sơn), từ ngày 25/7 đến nay trung bình có khoảng 1.500 đến 1.600 phương tiện qua lại, tập trung vào giờ cao điểm. Ngày cao nhất lên đến 1887 lượt phương tiện qua lại.

Những hàng xe nối dài đông đúc tại chốt kiểm dịch Đội Bình (Yên Sơn).

“Nắng vất đường nắng, mưa vất đường mưa nhưng thôi mưa cũng mát mẻ hơn chút”, đồng chí Nguyễn Trung Thành, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Yên Sơn bộc bạch. Khi hỏi anh có thấy vất vả không, anh bảo do tính chất công việc nên anh cũng cảm thấy quen, nói xong anh lại nhanh chóng điều phối các phương tiện. Ấn tượng nhất có lẽ là làn da rám nắng của chàng cảnh sát giao thông trẻ, đôi mắt nhanh nhẹn luôn nhìn về phía trước để đảm bảo các xe vào luồng đúng hướng, không ùn tắc, không có trường hợp “né chốt” đi thẳng.

Các cán bộ công an làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch Đội Bình (Yên Sơn).

Điểm chung của hầu hết cán bộ đang được điều động đến các chốt kiểm dịch chính là chung môi trường. Họ đều làm việc bất kể thời tiết khắc nghiệt ra sao. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, cán bộ y tế, tổ phó chốt kiểm soát dịch Ninh Lai bảo, nắng cũng sợ nhưng bão thì chị sợ nhất. Chốt này nằm đối diện cánh đồng rộng lớn, đêm hôm 31/7, cả chốt chống chọi với trận bão lớn. Thứ duy nhất chị Mai ôm khư khư là tập giấy khai báo y tế, mặc người giữ cột, người ôm chăn, chị bảo “không cần gì chỉ cần giấy”. Cả đội kiên trì giữ lều, bám các góc trụ, nhanh chóng chuyển các đồ dùng thiết yếu lên giường, vào giữa để tránh ướt, hỏng hóc. Đó là lúc tinh thần đồng đội ở mức cao nhất, là kỷ niệm khó quên với mỗi người tham gia khi đó.

Cơn bão lớn khiến anh chị em chốt kiểm dịch Ninh Lai (Sơn Dương) vô cùng vất vả.

 

 

Giữa cái nắng oi ả, không một gợn gió, một người phụ nữ đội chiếc nón cầm túi nước giải khát dúi vào tay người cán bộ tại chốt. Hỏi ra mới biết chị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xã Ninh Lai, chị Bùi Thị Trung, thương anh em vất vả nên tặng chút nước để anh em có sức mà làm. 

Món quà nhỏ nhưng nghĩa tình lớn của chị Bùi Thị Trung mang tặng anh em chốt kiểm dịch Ninh Lai (Sơn Dương).

Theo lời chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, thỉnh thoảng cũng có cô giáo mầm non ra đánh máy hộ cán bộ y tế, anh công an ra dọn dẹp lều hay các cô trong xóm nấu cho bữa cơm đầy đặn. Nhờ vậy mà những khó khăn, mỏi mệt giường như được xua tan bớt phần nào.

Mỗi người phụ giúp một tay giúp đỡ các cán bộ tại chốt kiểm dịch Ninh Lai (Sơn Dương).

“Xúc động nhất là bà con xung quanh xóm ủng hộ, có người mấy cân gạo, người cho nhãn vườn nhà. Vật chất tuy nhỏ nhưng tình cảm lớn!”, một cán bộ tại chốt Sơn Nam chia sẻ.

Tại chốt kiểm dịch của hai xã Bằng Cốc và Nhân Mục (Hàm Yên), các cán bộ phải làm việc 24/7 với điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn trong những căn lán tạm bợ, xung quanh nhiều muỗi, vắt. Thấu hiểu những sự vất vả ấy đã có những cá nhân chủ động đến thăm hỏi, động viên tinh thần và trao tặng các cán bộ những nhu yếu phẩm cần thiết giúp họ có thêm động lức, vững vàng hoàn thành tốt nhiệm vụ "chống dịch như chống giặc".

 

Cán bộ tại chốt kiểm dịch xã Bằng Cốc (ảnh trên) và xã Nhân Mục (ảnh dưới), huyện Hàm Yên phải làm việc trong điều kiện khó khăn. Ảnh: Tố Mai, Hà Linh

Anh Nguyễn Hồng Thế, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma tuý Công an huyện Yên Sơn hiện đang là trưởng chốt kiểm soát dịch tại Đội Bình (Yên Sơn) cho biết người dân qua đây khá đông và liên tục đi lại, chủ yếu là người lao động. Đa phần đều đã hiểu các thủ tục và nghiêm túc chấp hành quy định.

Công việc nào cũng có quy định, kỷ luật nghiêm nhưng sau những thủ tục bắt buộc vẫn có những câu chuyện cảm động tại các chốt. Tình hình dịch bệnh tại một số tỉnh diễn biến phức tạp khiến cho nhiều công nhân phải bỏ việc, tìm cách trở về quê hương. Anh Hoàng Văn Nghiệp ở Thượng Ấm (Sơn Dương), công nhân từ Đắk Lắk sau hành trình dài nương nhờ để về đến địa phận xã Đội Bình (Yên Sơn), anh chỉ đủ tiền làm xét nghiệm PCR, trong tay không còn gì. Tại đây anh đã được hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm cần thiết và 500.000đ làm lộ phí trở về nhà. Tại chốt kiểm dịch Sơn Nam, các cán bộ chứng kiến nhiều hơn những cảnh đời éo le, họ là những công nhân mất việc trở về địa phương. Về đến chốt có người mệt, đói lả vì không có tiền lại được cán bộ nấu cho bát mì, ủng hộ tiền làm lộ phí.

Khó khăn nhiều không kể xiết nhưng chủ yếu vẫn nằm ở ý thức của người dân. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến hết sức khó lường nhưng vẫn có người làm giả giấy xét nghiệm, mượn mã QR của người khác nhằm mục đích “thông chốt”, trốn khai báo y tế và xét nghiệm. Hầu hết những trường hợp này đều đã bị xử lý nghiêm. Các cán bộ tại các chốt kiểm dịch cũng đã giải thích, giúp đỡ nhiều trường hợp chưa hiểu rõ quy định khi ra vào tỉnh, từ đó các trường hợp sai phạm đã có dấu hiệu giảm đáng kể. Tuyên Quang đang trong vùng an toàn nhưng vẫn có thể bị tổn thương nếu lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh và cần hơn hết chính là ý thức tự bảo vệ chính mình của mỗi cá nhân bằng việc tuân thủ nghiêm quy định 5K trong thời điểm nhạy cảm này.

Tin cùng dòng sự kiện