Cơ hội từ chuyển đổi số

- Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, mở ra nhiều cơ hội đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải có sự quyết tâm triển khai thực hiện một cách đồng bộ, bài bản.

Chiến lược của tỉnh về chuyển đổi số

Nghị quyết 48-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây cũng là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, CCHC, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền. Trong quá trình chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước, tương tác với cơ quan Nhà nước để tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cũng tạo ra giá trị cho xã hội.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số trước hết là phải tạo nền móng bằng việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số; xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh các sản phẩm công nghệ số, dịch vụ số; khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt; phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Cùng với đó thực hiện các giải pháp nhằm phát triển dựa trên 3 trụ cột chính đó là: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; đồng thời xây dựng Kế hoạch nâng cao chỉ số đánh giá, cải thiện vị trí xếp hạng chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang năm 2022. Đây là những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chỉ số đánh giá, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp tìm hiểu tiềm năng của tỉnh thông qua dữ liệu về du lịch số hóa tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư.

Quyết tâm vào cuộc

Để quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số trên địa bàn, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai ngay các giải pháp thực hiện chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số theo từng giai đoạn và tình hình thực tế của mỗi ngành, mỗi địa phương.

Đồng chí Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xác định chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn phải được làm bài bản, đồng bộ trên 5 lĩnh vực: chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện hạ tầng số, dữ liệu số; Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số; phát triển kinh tế số nông nghiệp, phát triển nông dân số, nông thôn số. Để triển khai thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai các ứng dụng, phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý ngành nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh CCHC, tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC... Sở xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số, trong đó tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản... đảm bảo cung cấp thông tin, phục vụ việc tra cứu đến doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ các doanh nghiệp HTX, hộ nông dân tối ưu hóa chuỗi liên kết giá trị, phấn đấu đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử...

Trung tâm Xúc tiến đầu tư là một trong những đơn vị tích cực chủ động triển khai chuyển đổi số nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, du lịch. Thời gian qua, Trung tâm đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và trực tiếp quản lý 4 trang thông tin điện tử là: “Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang”, “Lễ hội Thành Tuyên”, “Du lịch Tuyên Quang”, “Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang”. Qua đó tích hợp, cập nhật dữ liệu và số hóa các thông tin về các TTHC, lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, cơ chế chính sách thu hút đầu tư để phục vụ các doanh nghiệp, tổ chức và người dân có thể tra cứu thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi. Trong đó, Sàn giao dịch thương mại điện tử hiện có 883 doanh nghiệp đăng ký, 2.441 sản phẩm (trong đó có 128 sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang) với trên 1,2 triệu lượt truy cập.

Phát triển công dân số

Đẩy mạnh chuyển đổi số giúp người dân, nhất là đồng bào các dân tộc ở địa bàn vùng cao rút ngắn khoảng cách địa lý, nâng cao dân trí, tối ưu quy trình sản xuất, hàng hóa tham gia tiếp cận các thị trường lớn... Hiện trên địa bàn tỉnh, người dân cũng đang tham gia mạnh mẽ vào thương mại số thông qua việc bán hàng, mua sắm online trên các trang mạng xã hội zalo, facebook...

Toàn tỉnh hiện đã thành lập 1.871 Tổ công nghệ số cộng đồng (cấp xã: 138, cấp thôn: 1.733) với trên 10.000 thành viên, tỷ lệ Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100%. Hiện nay các địa phương đã tích cực triển khai các lớp tập huấn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về sử dụng hệ thống Một cửa liên thông, đăng ký  thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn biết tải, sử dụng mua, bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử như postmart.vn; mở tài khoản thanh toán điện tử, thiết lập các nhóm mạng xã hội của Việt Nam miễn phí và thông dụng như: Zalo, Mocha, Gapo để trao đổi, liên lạc… Từ đó, tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân, khiến người dân thay đổi thói quen, nhận thức đúng về chuyển đổi số, kinh tế số đem lại những lợi ích thiết thực phục vụ cho chính đời sống của người dân.  


Ông Nguyễn Thành Hưng
Giám đốc Sở Y tế

Để triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số. Triển khai phát triển Chính phủ số, Ngành đang khai thác hiệu quả phần mềm dịch vụ công trực tuyến. 100% các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã triển khai sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, giảm thiểu việc sử dụng văn giấy. Toàn ngành đã thực hiện ký số điện tử và số hóa 100% văn bản điện tử đúng quy định; thực hiện gửi, nhận văn bản, công việc qua môi trường mạng, hệ thống mail công vụ đảm bảo nhanh, kịp thời, chính xác. Hiện nay, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh không dùng tiền mặt để phòng tránh lây lan dịch bệnh; khuyến khích người dân khi đi khám bệnh thực hiện giao dịch bằng căn cước công dân; phối hợp các đơn vị công nghệ áp dụng việc quản lý cấp giấy khám sức khỏe cho đối tượng học lái xe.


Ông Tô Viết Hiệp
Chủ tịch UBND huyện Na Hang

Trong thời gian qua, huyện Na Hang đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tại địa phương, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn; đẩy mạnh thực hiện  “xã hội số” để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến một cách thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Đồng thời, huyện cũng tập trung các nguồn lực phát triển hạ tầng số. Huyện phấn đấu năm 2022 đầu tư hạ tầng mạng băng thông rộng, cáp quang phủ tới 100% đơn vị hành chính cấp xã, 70% số thôn, bản; thuê bao di động trên dân số toàn huyện chiếm tỷ lệ cao trên 80%; dân số dùng mạng xã hội chiếm trên 60%. Cùng với đó, phấn đấu trên 50% dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện có đủ điều kiện đạt mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đặc biệt là trên các thiết bị di động, trên 50% hồ sơ công việc tại cấp huyện và hơn 35% công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng...



Ông Vi Thế Mạnh, 
Giám đốc Công ty TNHH Linh Lực

Công ty TNHH Linh Lực hiện có 10 cửa hàng tại 3 tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang với trên 150 lao động. Trước đây, chi phí quản trị doanh nghiệp theo truyền thống tốn kém cả về thời gian, công sức nhưng lại không chặt chẽ. Từ khi ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hóa đơn điện tử, chữ ký số, hồ sơ điện tử, công việc quản trị doanh nghiệp giảm 1/2 thời gian, chi phí vận hành doanh nghiệp cũng giảm 50%. Đồng thời, còn giúp doanh nghiệp quản lý khách hàng tốt hơn nhờ thông tin được lưu đầy đủ, từ đó doanh nghiệp cũng thực hiện dịch vụ chăm sóc sau bán hàng chu đáo nhờ có thể kiểm soát được thời gian bảo hành, bảo dưỡng, nhắc khách hàng đến bảo dưỡng bằng hệ thống tin nhắn tự động. Hiện doanh nghiệp thực hiện thành công “văn phòng không giấy”. Kết quả này chính là thành công của quá trình chuyển đổi số.



Bà Trần Thị Yêu
Thôn Khuôn Nhòa, xã Trung Hà (Chiêm hóa)

Gia đình tôi trồng 5 ha cam, bình quân mỗi năm gia đình xuất bán trên 100 tấn quả. Trước đây, mỗi khi đến thời vụ, tôi phải gọi điện thoại cho thương lái tới vườn xem. Sau đó, hai bên mới trao đổi mua bán. Như vậy, rất mất thời gian của cả người mua lẫn người bán. Nhưng bây giờ thì khác, tôi chỉ cần chụp hình hoặc quay Video sản phẩm, trao đổi với thương lái, người mua trực tiếp qua zalo hoặc Facebook, việc mua bán rất tiện lợi và nhanh chóng. Đặc biệt, qua mạng xã hội, giúp tôi dễ dàng quảng bá cam của gia đình đến nhiều người hơn, từ đó, việc tiêu thụ sản phẩm cũng nhanh hơn, hàng hóa cũng bán được giá hơn. 

 Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng dòng sự kiện