Đoàn Chủ tịch điều hành thảo luận.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí cao với các văn kiện trình Đại hội, cho rằng các văn kiện đã được tiến hành rất công phu, chu đáo, bài bản, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp. Đồng thời, tập trung thảo luận các giải pháp đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện đại, lấy người dân làm trung tâm.
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh tiến vào hội trường.
Cán bộ, công chức là tinh hoa
Tham luận của đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh về vai trò của cải cách hành chính, coi đây là yếu tố nền tảng để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được xác định trong văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà cho biết, công tác cải cách hành chính đã được các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần đổi mới sáng tạo, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Hết năm 2020 cả nước đã có 2.700 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 19 bộ, ngành, 63 tỉnh thành tích hợp dịch vụ công với Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong 2 năm, Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động tiết kiệm được 8 nghìn tỷ, tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội, tạo niềm tin sâu sắc của doanh, người dân. Sự ra đời của Cổng dịch vụ công quốc gia đã nhận diên rõ đất nước ta bước vào thời kỳ mới của công nghệ số, tạo ra nền tảng mới cho quá trình đổi mới đất nước.
Tuy nhiên, sự chồng chéo, thiếu sự liên thông còn khá phổ biến, việc phân quyền giữ Trung ương, địa phương còn một số lĩnh vực chưa khoa học… Do đó, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, phục vụ người dân là nhiệm vụ quan trọng được xác định trong văn kiện. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách hành chính, gắn cải cách hành chính với xây dựng chỉnh đốn Đảng, ban hành Nghị quyết của Trung ương Đảng về cải cách hành chính để xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm; tạo lập đồng bộ thể chế kinh tế hành chính phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước. Đồng thời, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình mới; khơi dậy tinh thần vì đất nước, vì nhân dân của đội ngũ công chức, viên chức; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu Cuộc cách mạnh 4.0 để cán bộ, công chức trở thành tinh hoa của đất nước trong hành trình phát triển.
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh trao đổi với các đại biểu dự Đại hội.
Huy động các nguồn lực để phát triển
Tham luận của các đại biểu tại Đại hội sáng nay đều cho rằng cần huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước một cách hiệu quả và bền vững.
Đại biểu Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, trong giai đoạn mới cần phải quan tâm phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ số và đẩy mạnh ứng dụng logistics. Đây là yếu tố nền tảng để bảo đảm hài hòa giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường. Đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.
Phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tham luận nhất. Đại biểu Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ tham luận nhấn mạnh, khuyến khích người nông dân thay đổi hình thức canh tác, ứng dụng khoa công nghệ vào sản xuất, tạo cho họ tính linh hoạt trên thửa đất của mình là yêu cầu quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp 4.0. Đồng thời, mở rộng các sàn giao dịch để kết nối sản phẩm cho người nông dân; phát triển hệ sinh thái công nghệ cho sản xuất nông nghiệp là nền tảng cho sự phát triển bền vững, tạo ra nguồn lực lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại biểu Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng phát triển nông nghiệp nhưng lại thiếu tầm nhìn. Do đó, để đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững, yêu cầu đặt ra là xây dựng tính gắn kết vùng, mở rộng kết nối giao thông, lấy tri thức khoa học công nghệ làm nền tảng để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa..
Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương với các đại biểu tỉnh ta.
Tại Đại hội, các đại biểu cũng tập trung tham luận các giải pháp giảm nghèo bền vững, trong đó trọng tâm là tạo sinh kế cho người nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy mạnh giảm nghèo. Đại biểu Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tham luận tại Đại hội cho rằng, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng, các đồng chí cấp ủy; thường xuyên quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, gắn mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu; giải phóng tư tưởng để người nghèo có khát vọng, có tự trọng để vươn lên thoát nghèo; xây dựng kế hoạch giảm nghèo trên cơ sở đánh giá thấu đáo những nguyên nhân; chương trình giảm nghèo gắn với nông thôn mới, giúp người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội…
Các đại biểu cũng tập trung tập thảo luận giải pháp phát triển dịch vụ, du lịch; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng; phát triển tổ chức Đoàn và nâng cao hiệu quả các phong trào thanh niên; công nghệ số, chuyển đổi kinh tế số, xã hội số để tạo động lực cho sự phát triển mới…
Gửi phản hồi
In bài viết