Đây là sự khẳng định nhất quán tư tưởng lấy dân làm gốc, người dân là chủ thể, là mục đích, là trung tâm của mọi quá trình phát triển. Thế nhưng trên một số trang mạng, thế lực thù địch và những kẻ phản động cố tình xuyên tạc rằng, phương châm “dân thụ hưởng”, hay “lấy dân làm gốc” mà Đảng, Nhà nước ta đặt ra là không thực chất, chỉ là mị dân. Nhưng cho dù kẻ xấu có xuyên tạc thế nào thì cũng không thể phủ nhận thực tế rằng, người dân Việt Nam đã và đang thực sự thụ hưởng thành quả cách mạng...
Cố tình xuyên tạc với mưu đồ xấu
Có thể nói phương châm “dân thụ hưởng” đã được thể hiện rõ trong mục tiêu, đồng thời cũng đã được triển khai thực hiện trong suốt quá trình cách mạng XHCN tại Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rất rõ: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Rõ ràng hưởng thụ đầy đủ lợi ích cả về vật chất, tinh thần là khát vọng của người dân, là mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của cách mạng XHCN và đang được hiện thực hóa trên đất nước ta. Từ sự cùng khổ của người dân một nước thuộc địa, bị đặt dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, trải qua chiến tranh đau thương, mất mát, đến nay người dân Việt Nam đã thực sự sống trong tự do, hòa bình, độc lập, thống nhất, đời sống ngày càng đi lên.
Thế nhưng trong suốt những năm qua, các thế lực thù địch, phản động luôn cố tình phủ nhận những thành quả ấy. Lợi dụng tình hình công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực khiến một số cán bộ cấp cao vướng vào tham nhũng, tiêu cực nên bị kỷ luật, buộc phải từ chức hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự, lực lượng thù địch đã rêu rao rằng chỉ có “quan cộng sản” mới có nhà lầu, xe hơi, cuộc sống sung sướng, được hưởng thụ và cho rằng “dân thụ hưởng chỉ là ru ngủ dân...".
Ảnh minh họa / Chinhphu.vn
Ở đây, chúng ta phải khẳng định rằng những kẻ cơ hội chính trị và lực lượng thù địch không phải là không biết, không nhìn thấy những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà người dân Việt Nam ngày ngày được thụ hưởng. Tuy nhiên, chúng cố tình xuyên tạc sự thật; thấy cây mục cho rằng cả cánh rừng phải chặt bỏ; lấy hiện tượng quy chụp bản chất; lấy sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên để suy diễn về phẩm chất đạo đức của toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên...
Sự thật không thể phủ nhận
Có thể nói, việc “dân thụ hưởng” thành quả cách mạng tại Việt Nam là sự thật không thể phủ nhận. Sự hưởng thụ của người dân Việt Nam toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chủ trương gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; gắn kết giữa chính sách phát triển kinh tế với chính sách phát triển xã hội; dân chủ ngày càng được mở rộng, mỗi người dân luôn được tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Người dân thực sự là người chủ đất nước, bao nhiêu lợi ích, bao nhiêu quyền hành đều ở nhân dân. Chính người dân là người làm chủ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng XHCN, đồng thời người dân cũng trực tiếp thụ hưởng giá trị to lớn của quá trình đó.
Chúng ta thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công dân. Đảng ta luôn đặt quyền lợi của nhân dân vào trung tâm các quyết sách, đường lối, với mục đích tối thượng là người dân được thụ hưởng mọi thành quả của sự phát triển đất nước. Điều đó được thể hiện qua hàng loạt con số biết nói: Năm 2021, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,703, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Báo cáo hạnh phúc thế giới (World Happiness Report-WHR) năm 2023 công bố ngày 20-3-2023 cho thấy chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 trong năm 2023. Hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của con người. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công nhận mục tiêu này và kêu gọi cách tiếp cận toàn diện, công bằng và cân bằng hơn đối với tăng trưởng kinh tế nhằm thúc đẩy hạnh phúc và phúc lợi của tất cả mọi người. Các tiêu chí được đánh giá gồm: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng.
Cùng với đó, Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Chỉ số bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vào năm 2021, đạt 0,296, xếp hạng 71 trong số 170 quốc gia. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên áp dụng chuẩn nghèo đa chiều và hoàn thành trước 10 năm mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo. Mức sống tăng lên, sức khỏe của người dân được cải thiện nên tuổi thọ tăng qua các năm, chỉ số sức khỏe cả nước tăng từ 0,822 (năm 2016) lên 0,826 (năm 2020). Chỉ số giáo dục của Việt Nam là 0,618 vào năm 2016 và 0,640 vào năm 2020. Chỉ số thu nhập là 0,624 vào năm 2016 và 0,664 vào năm 2020. Như vậy có thể thấy, mặc dù là nước đang phát triển có xuất phát điểm rất thấp, nhưng các chỉ số cơ bản cho quyền lợi và sự thụ hưởng của người dân tại Việt Nam đều tăng dần qua từng năm, cho thấy đời sống của người dân Việt Nam đang đi lên một cách bền vững.
Theo tạp chí thương mại hàng đầu thế giới CEOWORLD (Mỹ), chất lượng sống của Việt Nam được cải thiện đáng kể. CEOWORLD đánh giá, Việt Nam có tổng số điểm là 78,49 và xếp hạng 62/165 quốc gia vào năm 2021. Thứ hạng chỉ số chất lượng sống được CEOWORLD dựa trên nhiều tiêu chí như: Chi phí sống; sự ổn định kinh tế-chính trị; môi trường làm việc; bình đẳng thu nhập; hệ thống giáo dục; hệ thống y tế...
Động lực để dân tin Đảng
Có thể thấy, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng phát triển kinh tế vì mục tiêu con người, thực hiện nhất quán quan điểm gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế vì con người, xây dựng thiết chế chính trị, hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền XHCN, quản lý đất nước, xã hội, mang lại những điều tốt đẹp cho con người. Vì vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Mỗi một người dân Việt Nam đang hằng ngày, hằng giờ được thụ hưởng môi trường hòa bình, ổn định, yên tâm lao động sản xuất và thừa hưởng chính thành quả đó. Trong xu thế đi lên của đất nước, ai cũng được tạo cơ hội phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. Người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai khiến đời sống còn khó khăn thì Đảng, Nhà nước có chính sách an sinh xã hội, toàn xã hội đều chung tay giúp đỡ. Mục đích cuối cùng là để mỗi người dân Việt Nam đều được bình đẳng tận hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” đúng như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Như thế, “dân thụ hưởng” không dừng lại trên lý thuyết, trong nghị quyết, giấy tờ hay khẩu hiệu suông để hô hào mà được thể hiện sinh động, thuyết phục trong hiện thực đời sống mỗi người dân Việt Nam. Dù những phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch có cố tình bóp méo, xuyên tạc thế nào thì cũng không thể phủ nhận được sự thật rằng đời sống của người dân Việt Nam đang ngày càng đi lên. Đó chính là động lực để người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; nỗ lực lao động, cống hiến để đất nước ngày càng phát triển thì những giá trị mà mỗi người được thụ hưởng sẽ ngày càng lớn hơn.
Thượng tá, TS PHÙNG MẠNH CƯỜNG, Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Kinh tế Chính trị học Mác-Lênin (Học viện Chính trị)
Gửi phản hồi
In bài viết