Ảnh minh họa: tuyengiao.vn
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động và thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua
Tham nhũng, tiêu cực gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lực công, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước ta luôn có quyết tâm chính trị cao và kiên quyết phòng, chống khắc phục tham nhũng, tiêu cực, coi đó là “giặc nội xâm” cần phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã và đang đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, thông qua những chiêu trò xảo quyệt, nham hiểm nhằm phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần kiên quyết đấu tranh, bác bỏ.
Những năm gần đây, các thế lực thù địch tăng cường sử dụng các diễn đàn, trang blog, fanpage, facebook, Youtube, TikTok…; các trang phản động như Việt Tân, Chân Trời Mới Media, RFA Viet Nam, BBC News Tiếng Việt… để chống phá công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước ta là các nhóm phản động người Việt Nam ở nước ngoài và những cá nhân người Việt ở trong nước bị các thế lực cực hữu nước ngoài mua chuộc. Tham gia vào lực lượng này còn có những người theo các trào lưu tư tưởng và đường lối chính trị trái ngược với giá trị của chủ nghĩa xã hội tại các nước phương Tây; những người cơ hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng, chính trị tại Việt Nam. Ở trong nước, họ cổ súy, khích lệ số đối tượng bất đồng chính kiến, bất mãn với chế độ, hoạt động quyết liệt, tích cực với nhiều chiêu trò. Đây là âm mưu, thủ đoạn và luận điệu hết sức thâm độc nhằm chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước; giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; gieo rắc tâm lý hoài nghi, dao động về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhằm gây mất đoàn kết, hòng làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII đánh giá: “Chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng dần được hoàn thiện, trong đó lần đầu tiên đã mở rộng việc phòng, chống tham nhũng sang cả khu vực tư nhân. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, các tổ chức quốc tế ghi nhận”(2). Theo Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, đã xử lý kỷ luật 131.000 đảng viên, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng. Khởi tố, điều tra truy tố xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra là 455 vụ/1.054 bị can). Đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 08 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, như Đảng ta thẳng thắn đánh giá: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một số cơ quan, đơn vị khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(3).
Quan điểm, chủ trương của Đảng ta về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ nhất, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa khó khăn, phức tạp; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; với những cách làm vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”, bảo đảm để “không cần tham nhũng” và liêm chính để “không muốn tham nhũng”. Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(4). Cụ thể hóa và phát triển Nghị quyết Đại hội XIII, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực.
Theo tinh thần này, công tác phòng, chống tham nhũng được đưa lên tầm cao hơn, thực sự là nhiệm vụ của toàn Đảng, bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể nhân dân, thể hiện qua ba vấn đề: kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(5). Vì vậy, công tác tuyên truyền phải làm rõ hơn, sâu sắc hơn quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; làm cho mọi người thấy rõ việc chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển, mà ngược lại, càng làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng ta nhấn mạnh: “Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế – xã hội, về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(6), do đó phải xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Đặc biệt, cần có cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Rà soát, bổ sung quy chế làm việc, cơ chế lãnh đạo của các cấp, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý, lãnh đạo, điều hành và chấp hành. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải: “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí”(7) để kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm; tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường giám sát của tổ chức đảng từ trên xuống, giám sát từ dưới lên, phát huy vai trò giám sát lẫn nhau trong cùng cấp, tăng cường quản lý, giám sát thường ngày đối với đảng viên và cán bộ lãnh đạo. Xử lý nghiêm theo kỷ luật của Đảng và kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và trách nhiệm pháp lý.
Kiểm tra toàn diện công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; có nhiều dư luận phản ánh, tố cáo tham nhũng, tiêu cực; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên phải thiết lập cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng về kinh tế, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ. Có cơ chế phù hợp để khuyến khích và kịp thời xử lý thông tin do người dân phát hiện, phản ánh, tố cáo. Tích cực xác minh, kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Thứ sáu, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cấp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, những người làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nói riêng phải thật sự liêm chính, trong sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương và thực hiện tốt chế độ đãi ngộ, nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào.
Giải pháp tiếp tục đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta
Một là, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; nhận diện đúng, chủ động đấu tranh, phản bác có hiệu quả luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động.
Đây là giải pháp cơ bản, quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong triển khai công tác đấu tranh, phòng, chống làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch. Nhận diện rõ âm mưu, mục đích, lực lượng, phương tiện và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động sử dụng để xuyên tạc quan điểm và thành quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ giúp cho cả hệ thống chính trị có giải pháp kịp thời và hiệu quả để đập tan âm mưu, thủ đoạn của họ, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Đó cũng cách làm có hiệu quả để nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước về công tác cán bộ, để “không thể, không dám, không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực”.
Công tác lý luận, tư tưởng phải đi trước, đón đầu, không tạo “khoảng trống thông tin” để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá. Cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng phải xây dựng kế hoạch chiến lược, sách lược, tổ chức lực lượng một cách bài bản, khoa học trong đấu tranh, phản bác; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả. Do đó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; trong đó, đi đầu là đội ngũ cán bộ, đảng viên, với lực lượng nòng cốt là Ban Chỉ đạo 35 các cấp… tạo mạng lưới đấu tranh ngày càng đông đảo và hiệu quả để phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao lập trường tư tưởng, có bản lĩnh chính trị vững vàng để nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm, sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chống phá; không bị kích động, lôi kéo vào các hoạt động biểu tình, khiếu kiện đông người hoặc vô tình bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan truyền thông, báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, thường xuyên tuyên truyền các quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.
Ba là, đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức, biện pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động.
Đổi mới, bổ sung nội dung đấu tranh trên cơ sở giữ vững quan điểm và nguyên tắc của Đảng và Nhà nước; mềm dẻo, linh hoạt, nhân văn trong phương pháp; công khai, minh bạch đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những kết quả về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần tạo dư luận xã hội lành mạnh, đồng thuận. Sử dụng các kênh truyền thông chính thống và mạng xã hội để tiếp cận đông đảo quần chúng nhân dân, vừa tuyên truyền, vừa bóc trần những xuyên tạc vô căn cứ của các thế lực thù địch. Nâng cao ý thức cảnh giác, tăng cường ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đa dạng hóa các hoạt động đấu tranh, thiết lập và sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn một cách có hiệu quả. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật Đảng và Nhà nước, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Bốn là, tổ chức, xây dựng lực lượng tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Cần xây dựng lực lượng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận cao, có hiểu biết sâu sắc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; có khả năng diễn đạt, luận chiến thuyết phục, có nhiệt huyết, dũng khí, quyết tâm đấu tranh để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; là lực lượng nòng cốt, xung kích trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thường xuyên rà soát, nắm và quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nhất là về chính trị tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung đấu tranh; dự báo kịp thời tình hình; phát huy vai trò của các lực lượng, đội ngũ cán bộ đầu ngành, các nhà khoa học, đội ngũ nhà báo và đông đảo các cộng tác viên nhiệt huyết và bản lĩnh cùng tham gia đấu tranh. Thường xuyên đánh giá quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những tư tưởng lệch lạc, sai trái, không để các thế lực thù địch, phản động móc nối, lôi kéo, lợi dụng.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay. Do đó, phải tiến hành đồng bộ, theo phương châm đã được Đảng ta chỉ rõ: “Nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng”(8). Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ./.
————
Ghi chú:
(1),(4),(5),(6),(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.25, tr.193, tr.194, tr.194, tr.195.
(2),(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.54, tr.192-193.
(8) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XIII.
Gửi phản hồi
In bài viết