Tối 2-9, trục đường Bình Thuận thực sự "thất thủ" (nói theo người dân và du khách), hàng loạt những mô hình lớn, nhỏ đổ về diễn diễu với muôn vàn sắc màu cùng những vũ công đường phố không chuyên sẵn sàng cháy hết mình với các bản nhạc sôi động.
Khu vực ngã 8, phường Tân Quang luôn thất thủ những ngày vừa qua khi nhiều mô hình diễn diễu dừng đỗ và người người tập trung để chiêm ngưỡng.
Chị Đào Thị Hồng Mai, phường Hàng Bún (TP Hà Nội) hào hứng cho biết, thực sự ấn tượng với quy mô, sức sáng tạo của những nghệ nhân xứ Tuyên, tham gia lễ hội như trẻ ra vài tuổi. Theo lời chị Mai, dù rất vui, rất ấn tượng, mãn nhãn với các mô hình nhưng chị cũng có những băn khoăn, khi rất nhiều hàng quán bán nước dọc theo trục đường Bình Thuận cho khách ngồi ra hết vỉa hè, thậm chí là tràn xuống cả lòng đường, thêm vào đó là xe máy của khách đi xem lễ hội cũng đậu đỗ không theo trật tự nào, khiến cho những du khách tỉnh xa như chị mặc dù đã đi bộ nhưng rất khó khăn để luồn, lách.
Thay vì chiều con trải nghiệm mô hình “khủng nhất” lễ hội, anh Vũ Hồng Sơn, phường Lương Ngọc Quyến (TP Thái Nguyên) lại chọn mô hình vừa tầm. Anh Sơn trải lòng, trải nghiệm mô hình hoành tráng cũng có cái hay, vui hơn, đẳng cấp hơn nhưng anh lo ngại mô hình cao, dài quá diễn diễu trong điều kiện đường phố chật hẹp, đông người sẽ tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn từ lưới điện.
Phản ánh từ người tham gia lễ hội, trong những ngày vừa qua, không chỉ tình trạng các mô hình diễn diễu không theo quy luật, các hàng quán bán nước bày bán xuống cả lòng đường, khiến giao thông trên trục đường chính Bình Thuận trở nên hỗn loạn, hoạt động trông giữ xe cũng phát sinh nhiều vấn đề. Một số điểm trông giữ xe tự phát không thu theo đúng mức quy định của Nhà nước gây bức xúc cho nhân dân và du khách.
Biển người xem, tham gia diễn diễu mô hình khiến giao thông trên trục đường Bình Thuận bị tê liệt.
Ông Trương Đức Tiến, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin thành phố Tuyên Quang, Phó trưởng Ban tổ chức Lễ hội Thành Tuyên cho biết, từ sự phản ánh của người dân, du khách, phòng đã có văn bản đề nghị các phường, xã tăng cường hơn nữa trong công tác chỉ đạo tổ chức các hoạt động tham gia lễ hội. Đồng thời triển khai thể lệ cuộc thi mô hình đèn Trung thu thành phố Tuyên Quang năm 2023.
Phòng yêu cầu các phường, xã đăng ký mô hình tham gia, diễn diễu đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình làm mô hình của các xóm, tổ dân phố theo đúng tiêu chuẩn, quy cách. Theo đó, phường Tân Quang 12 mô hình, Phan Thiết 8 mô hình, Minh Xuân 8 mô hình, các xã phường còn lại chia 4 cụm thi.
Mô hình đèn Trung thu phải có ý tưởng sáng tạo, phản ánh được những giá trị mang tính chất giáo dục như: Truyền thống lịch sử, các câu chuyện dân gian, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, ác di tích lịch sử cách mạng, đời sống văn hoá, lao động, sản xuất và bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật quý hiếm... Đặc biệt, kích thước vừa phải, phù hợp với địa hình, giao thông của thành phố, chiều cao tính từ mặt đất không vượt quá 4 m, chiều rộng không vượt quá 3 m, chiều dài không vượt quá 15 m, bảo đảm yêu cầu an toàn về điện, an toàn phòng, chống cháy nổ...
Ông Trương Đức Tiến khẳng định, Phòng sẽ cho rà soát lại một lần nữa tất cả các mô hình đã làm, nếu vượt quá các chỉ số quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn sẽ yêu cầu chủ sở hữu cắt, dỡ theo đúng chuẩn. Nếu không điều chỉnh, Ban tổ chức kiên quyết không cho tham gia diễn diễu trong lễ hội.
Mới đây nhất, ngày 28-8, trong phiên họp thường kỳ của UBND thành phố Tuyên Quang, Chủ tịch UBND thành phố Tô Hoàng Linh cũng yêu cầu các phường trong nội thành rà soát chặt chẽ các hàng quán tự phát, tổ chức cho các hộ, tổ chức, cá nhân có nhu cầu bán hàng trong những ngày lễ hội diễn ra phải đăng ký và cam kết không lấn chiếm lòng đường làm nơi bán hàng, giữ gìn vệ sinh chung và thực hiện đúng các yêu cầu của thành phố để đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự đô thị.
UBND thành phố Tuyên Quang cũng yêu cầu các phường Tân Quang, Minh Xuân, Hưng Thành, Phan Thiết kiểm tra hoạt động trông giữ xe, đề nghị các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trông giữ ký cam kết, niêm yết giá trông giữ theo đúng quy định của Nhà nước.
Theo lãnh đạo Công an thành phố Tuyên Quang, đơn vị cũng đã có kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự trong những ngày lễ hội diễn ra. Thiếu tá, Vũ Hoàng Anh Tuấn, Đội trưởng đội Giao thông, Trật tự, Công an thành phố Tuyên Quang khẳng định, đội đã lên lịch phân công các tổ phối hợp với lực lượng công an các phường, xã trực, chốt, phân luồng, điều tiết giao thông trên các trục đường lớn, đặc biệt là trục đường Bình Thuận và 1 phần của trục đường 17/8, Chiến thắng sông Lô.
Mô hình Lễ hội Thành Tuyên “khủng” sẽ bị hạn chế khi di chuyển trong điều kiện đường phố chật chội đông người.
Từ nay đến ngày chính lễ, lượng người đổ về thành phố tham dự, không ngừng gia tăng, Thiếu tá Vũ Hoàng Anh Tuấn mong muốn, người dân, du khách, tổ, xóm diễn diễu mô hình tuân thủ nghiêm túc các quy định của thành phố, di chuyển đúng luồng đường, không đi xe ô tô vào các giờ cao điểm (từ 20h-22h) trên trục đường Bình Thuận để hạn chế ách tắc, ảnh hưởng đến hoạt động của lễ hội.
Theo báo cáo của Ban tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, năm nay Lễ hội sẽ được tổ chức với quy mô cấp quốc gia, có sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc và địa phương 2 nước có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Tuyên Quang là Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Trải qua gần 20 năm được nhân dân sáng tạo và duy trì, phát triển, Lễ hội Thành Tuyên đã 3 lần được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam: “Đêm hội Trung thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam", “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, "Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam".
Nối tiếp thành công sự kiện Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang 2023, Lễ hội Thành Tuyên năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 20 đến 27-9. Để Lễ hội thực sự đẹp, an toàn, văn minh mang tầm quốc gia, vươn tầm quốc tế thì cùng với sự nỗ lực của tỉnh, thành phố, lực lượng chức năng rất cần sự vào cuộc của những chủ nhân mô hình tham gia lễ hội, người dân, du khách.
Gửi phản hồi
In bài viết