Đòn bẩy phát triển

- Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh quan tâm đầu tư, triển khai đồng bộ các hạng mục kết cấu hạ tầng, qua đó tạo đòn bẩy phát triển cho vùng ĐBDTTS.

Tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu

Không còn phải lo lắng sử dụng nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, giờ bà Triệu Thị Nguyệt, thôn Đồng Giang, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) có thể yên tâm về nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh. Bà Nguyệt cho biết, trước đây dụng cụ trữ nước chỉ là bể xi-măng, không được vệ sinh thường xuyên.

Cùng với đó, gia đình lấy nước lần từ trên núi, mỗi khi trời mưa, nước từ đầu nguồn bị đục, bẩn nên việc sử dụng nước sạch của cả gia đình bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Năm 2023, gia đình bà được hỗ trợ téc nước để chứa nước sạch. Từ khi có téc chứa nước bằng inox của nhà nước hỗ trợ, hàng ngày gia đình bà đều có nước sạch để sử dụng.  

Năm 2023, xã Hợp Hòa nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới nên việc ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng cơ sở của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN được chú trọng. Thực hiện nội dung 4, Dự án 1, xã được đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung tại thôn Thanh Sơn với bể chứa 100m3 nước, trị giá đầu tư trên 3 tỷ đồng. Trên 200 hộ dân thuộc các thôn Thanh Sơn, Thanh Bình,  Đồng Chùa, Ninh Hòa được hưởng lợi.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN đã hỗ trợ làm đường giao thông cho người dân xã Thổ Bình (Lâm Bình).

Bên cạnh được đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung, xã Hợp Hòa là địa phương có số hộ dân được thụ hưởng hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán nhiều nhất của huyện Sơn Dương. Trong 2 năm 2022, 2023, toàn xã có 304 hộ được hưởng lợi, trị giá trên 910 triệu đồng. 

Thổ Bình là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lâm Bình. Những năm qua, từ nguồn lực các CTMTQG, xã tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng nông thôn. Hiện các tuyến đường liên xã, liên thôn cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa. Tuyến đường hư hỏng, xuống cấp được kịp thời tu sửa. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục trong các trường học cũng được chú trọng đầu tư.

Trạm y tế xã được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Cuộc sống người dân từng bước được cải thiện. 10/10 nhà văn hóa của các thôn phát huy hiệu quả là nơi sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, có  nhà văn hóa thôn Nà Vài được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn CTMTQG phát triển KT - XH vùng ĐBDTTS&MN. Hiện người dân trong xã được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh.

Tạo đòn bẩy 

Không chỉ ở Hợp Hòa, Thổ Bình, thời gian qua, các địa phương đã sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các CTMTQG, qua đó phát triển hạ tầng cơ sở, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn, miền núi. CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN triển khai trên địa bàn tỉnh với 10 dự án và 13 tiểu dự án. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh được giao nguồn vốn thực hiện CTMTQG phát triển KT - XH vùng ĐBDTTS&MN trên 2.203 tỷ đồng.

Tính đến tháng 5-2024 đã thực hiện giải ngân ngân sách nhà nước trên 1.132 tỷ đồng, đạt 51%. Từ nguồn vốn được giao, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 570 công trình hạ tầng phục vụ cho sản xuất, trao đổi hàng hóa, sinh hoạt của nhân dân. Trong đó, đầu tư 178 công trình đường giao thông, 27 công trình thủy lợi, 9 công trình trường, lớp học, 3 công trình điện nông thôn, 12 công trình nước sinh hoạt, 15 công trình cầu, 30 công trình phụ trợ, cải tạo, xây dựng mới 10 công trình chợ, 70 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng.

Người dân xã Hợp Hòa (Sơn Dương) được hỗ trợ téc nước trữ nước sạch theo Dự án 1.

Với phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất, bên cạnh đầu tư hạ tầng cơ sở,  từ nguồn vốn chương trình đã hỗ trợ nhà ở cho 1.276 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.978 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 3.517 hộ; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ 5.900 lượt ha; trợ cấp gạo trồng rừng cho hộ nghèo tham gia trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, rừng phòng hộ 403 tấn; hỗ trợ 13 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; 4 dự án phát triển sản xuất cho cộng đồng.

Hiện nay, 100% xã vùng ĐBDTTS có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác đạt trên 99,9%. Đã có 9 xã khu vực III, 8 xã khu vực II hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trở thành xã khu vực I. Từ khi triển khai CTMTQG, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 4%/năm.

Nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là vùng ĐBDTTS, khó khăn. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đã đem lại hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; chất lượng giáo dục, y tế, công tác khám chữa bệnh được nâng lên; đời sống văn hóa tinh thần của người dân được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng dòng sự kiện