Đồng lòng chống dịch - Bài 3: Những bài học giữ “vùng xanh”

- Dịch Covid-19 đến thời điểm này vẫn diễn biến phức tạp. Tuyên Quang sau nhiều nỗ lực, đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để có thể chung sống an toàn với dịch bệnh.

>> Bài 1: Không sợ hãi

>> Bài 2: Những ngày không quên

Tăng cường kiểm soát

Người dân trong tỉnh đang trở lại cuộc sống “bình thường mới”. Để có được phút giây này, hẳn không ai có thể quên hình ảnh của những lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, trong đó có lực lượng ở các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là nơi đầu tiên kiểm soát các luồng phương tiện, người dân ra vào địa bàn tỉnh, các chốt kiểm soát có nhiệm vụ như tuyến đầu phòng dịch. Trải qua những đợt dịch kéo dài suốt cả năm 2021, lực lượng tại các chốt kiểm soát cũng đã trải qua 4 mùa mưa gió thất thường.

Nhìn dòng phương tiện đang nườm nượp lưu thông trên đường, anh Nguyễn Văn Long, cán bộ Trạm y tế thị trấn Sơn Dương, Phó chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 Quốc lộ 2C xã Sơn Nam bồi hồi nhớ lại: “Trưa hôm đó, đang trong ca trực của mình, nhận được cuộc điện thoại của vợ đang mang bầu 2 tháng đau bụng, ra huyết. Do tính chất công việc không về được, mình phải gọi điện nhờ đồng nghiệp đến nhà khám, đưa vợ đi bệnh viện giúp”. Hai vợ chồng anh Long đều công tác trong ngành y tế và đây là lần thứ 2 anh xung phong “đi chốt”. Anh Long chia sẻ, công việc của 2 vợ chồng anh bận rộn, con đầu của anh mới 5 tuổi, những ngày anh đi công tác phải gửi con cho ông bà nội chăm. May mắn khi gia đình, người thân luôn cảm thông và động viên anh thực hiện nhiệm vụ.

6 giờ sáng, tại chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 Km 18 xã Đội Bình (Yên Sơn), những cơn gió đông rét căm căm rít qua từng kẽ lá. Trên những khuôn mặt những cán bộ, chiến sỹ trực chốt, những bờ môi tái nhợt vì rét. Trung tá Lê Tuấn Quang, Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, anh em bám trụ tại chốt thực hiện nhiệm vụ từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ/ngày. Ngày nào cũng vậy, chốt phải thực hiện kiểm soát trên 1.500 phương tiện, đo thân nhiệt và khai báo y tế cho hàng nghìn người.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương tặng quà y, bác sỹ lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh.   
Ảnh: Minh Hoa

Thời gian thực hiện nhiệm vụ dài, lại dưới thời tiết khắc nghiệt mùa hè, hơi nóng từ nhựa đường bốc lên khó chịu, mùa đông thì rét mướt. Việc tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ lây nhiễm cao nên anh em phải linh hoạt trong điều hành, kiểm soát để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Đã có nhiều tình huống xảy ra như: lái xe không chấp hành mệnh lệnh của lực lượng kiểm soát, có hành vi cãi cọ. Thay vì quay đầu xe khi không đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định thì họ lại dừng đỗ xe bên đường, làm cản trở giao thông. Có người sử dụng điện thoại để quay clip, có lời lẽ khiêu khích lực lượng xử lý, rồi đưa lên mạng xã hội... Song, các bộ phận kiểm soát luôn làm việc đúng nguyên tắc, đồng thời giải quyết hài hòa các kiến nghị của chủ phương tiện.

Không chỉ chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 Km 18 xã Đội Bình (Yên Sơn), tại những chốt khác cũng đều thấy sự trách nhiệm, nỗ lực của cán bộ, chiến sỹ lực lượng chống dịch trong thực hiện nhiệm vụ. Thời điểm nhiều nhất toàn tỉnh có 80 chốt, trong đó 5 chốt của tỉnh, 15 chốt huyện, còn là chốt do xã thành lập. Tổng số người tham gia chốt là gần 600 người. Cứ thế, các cán bộ, chiến sỹ tham gia chốt kiểm soát vẫn bám trụ, tạm gác chuyện gia đình, ngày đêm thầm lặng canh cửa ngõ, góp phần ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và lan rộng trên địa bàn tỉnh.

Chủ động, quyết liệt

Ngay sau khi xuất hiện các ca mắc Covid-19 tại cộng đồng, hệ thống chính trị từ tỉnh, đến cơ sở đã nhanh chóng vào cuộc. Chủ động là yếu tố đầu tiên nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Hàng chục văn bản chỉ đạo được ban hành, hàng chục cuộc họp được tổ chức từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành cùng hàng loạt biện pháp mạnh mẽ được triển khai.

Điển hình như tại huyện Lâm Bình, ngay sau khi xuất hiện các ca mắc đầu tiên trên địa bàn, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có cuộc làm việc tại huyện và chỉ đạo phải sớm kiểm soát được tình hình dịch trên địa bàn. Đồng chí yêu cầu huyện Lâm Bình phối hợp với các ngành chức năng “thần tốc” việc lấy mẫu xét nghiệm cho toàn thể cán bộ, nhân dân và người lao động trên địa bàn huyện để truy vết F0 tách khỏi cộng đồng. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng vắc xin đảm bảo tiêm hết tất cả các đối tượng; tăng cường lực lượng chuyển mẫu, làm xét nghiệm để kịp thời có kết quả trong thời gian sớm nhất. Các lực lượng chức năng cần quản lý chặt các trường hợp F1 không để tiếp xúc với cộng đồng...

Na Hang là một trong những địa phương dập dịch “thần tốc”, hiệu quả. Ngay sau khi địa phương phát hiện 2 ca mắc tại cộng đồng đầu tiên của huyện, cả hệ thống chính trị từ tỉnh, đến cơ sở đã vào cuộc. Chỉ trong vòng 6 ngày, dịch trên địa bàn đã được khống chế, không có ca phát sinh. Đồng chí Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết: Để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương, thần tốc khoanh vùng, truy vết, cách ly, xét nghiệm đối với các trường hợp F1, F2, F3 trên địa bàn liên quan đến các ca bệnh theo đúng quy định, để nhanh chóng bóc tách F0 và các ca có nguy cơ lây nhiễm cao ra khỏi cộng đồng. Với sự hỗ trợ của các lực lượng, trong đó phần lớn là lực lượng y tế vào cuộc nhanh chóng truy vết, lấy mẫu và tiêm phòng vắc xin trên diện rộng, các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh khẩn trương được đưa vào khu cách ly để theo dõi. Ngoài ra những khu cách ly tập trung cũng được thành lập “thần tốc” để phân loại các đối tượng, nơi ở và nơi đến của các bệnh nhân cũng được phong tỏa để kiểm soát dịch.

Các lực lượng tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 Đèo Khế (Sơn Dương) làm việc dưới trời mưa.   Ảnh: Cao Lâm

Bác sỹ Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, để dập d?ch hiệu quả phải thực hiện đồng thời “cách ly tuyệt đối”, “xét nghiệm triệt để” và “truy vết thần tốc”. Chỉ cần một trong những khâu trên thực hiện không nghiêm là dịch sẽ bùng phát, lây lan nhanh và khó kiểm soát”. Vì vậy mà ngay sau khi phát hiện các ca mắc Covid-19, ngành cử các đoàn lên đường để rà soát và truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh để khoanh vùng, ngăn chặn không để dịch lây lan ra cộng đồng và tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ các khu vực liên quan đến ca bệnh.

Những thành công ban đầu trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh được coi như một đợt “sát hạch” cho cấp ủy, chính quyền trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành, trước khi được cấp “bằng kinh nghiệm” trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh...
Sức mạnh đoàn kết

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc của đội ngũ y bác sỹ, sự quên mình của lực lượng tại các chốt kiểm dịch, thì nghĩa tình đồng bào trong san sẻ, sẵn sàng vì việc chung cũng là một trong những bài học quý báu và hiếm đất nước nào có được.

Xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) phát hiện ca mắc đầu tiên đúng thời điểm thu hoạch nông sản. Người thực hiện cách ly vẫn cách ly, khu vực phong tỏa vẫn phong tỏa, nhưng nông sản không vì thế mà để lại ngoài đồng. Xã huy động máy gặt, huy động các lực lượng đến thu hoạch nông sản. Sản phẩm làm ra được Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh kêu gọi cộng đồng cùng tiêu thụ. Hơn 20 tấn nông sản của bà con 2 thôn phong tỏa được “thu hoạch nhanh, tiêu thụ gọn” nhờ chính cộng đồng.

Sau nông sản Yên Nguyên, những phong trào kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nhãn Thái Bình, dưa lưới Sơn Dương, cam Hàm Yên... đã trở thành khởi nguồn để UBND tỉnh phát động cuộc vận động Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang.
Tinh thần này không chỉ thể hiện ở trong tỉnh. Tuyên Quang đã có 220 lượt thầy thuốc, hàng trăm tấn hàng lên đường hỗ trợ các tỉnh miền Nam, Bắc Giang, Hà Nội khi dịch bệnh bùng phát.

Khi Lâm Bình, Na Hang “không được khỏe”, tinh thần ấy lại càng được phát huy cao độ, sẵn sàng tiếp lửa để đồng bào đủ sức đương đầu với dịch. Khu cách ly trên địa bàn huyện Na Hang có đến hàng nghìn người, Ban Chỉ huy Quân sự huyện huy động 
tối đa lực lượng chống dịch. 

Các xã gần khu cách ly đã cùng tham gia nấu các bữa ăn cho nhân dân tại đó, hỗ trợ công tác hậu cần san sẻ trách nhiệm với Ban Chỉ huy Quân sự huyện và các cán bộ nơi tuyến đầu chống dịch. Đồng chí Phan Văn Toàn, Bí thư Chi đoàn thôn Bắc Gianh, xã Thanh Tương chia sẻ: Thôn nằm cách xa thị trấn Na Hang chừng 15 km, toàn thôn hiện có 18 đoàn viên, khi nhận nhiệm vụ nấu cơm phục vụ nhân dân trong khu cách ly, việc đầu tiên sẽ phải dậy sớm di chuyển qua trung tâm huyện, lúc đầu cũng nghĩ khó khăn nhưng sau khi được tuyên truyền thì đoàn viên trong xã đã tự giác tham gia với tỷ lệ 100%, cứ 4h sáng lại vang lên tiếng hò nhau đi nấu cơm, một không khí vui vẻ bao trùm dưới cái lạnh vùng cao, càng thấy rõ dòng máu nóng của lớp trẻ. Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ hàng tỷ đồng, bao gồm tiền mặt và các hiện vật, nhu yếu phẩm hỗ trợ các địa phương  này chiến thắng dịch bệnh. 

Càng trong khó khăn, thì tình người lại càng được thể hiện rõ nét. Ở Tuyên Quang, những ngày Covid-19 hoành hành trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, đã phát sinh nhiều mô hình tốt, cách làm hay trong hỗ trợ các địa phương chống dịch. Từ phong trào gói bánh, phong trào ủng hộ rau củ quả, nhu yếu phẩm đến các vật dụng cần thiết như màn, chiếu, chăn và quần áo ấm... 

Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an tỉnh bàn giao các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
cho Công an huyện Lâm Bình.  Ảnh: Lý Thịnh

Những ngày cuối năm, dịch bệnh bắt đầu lan ở nhiều địa phương, như thành phố Tuyên Quang, Sơn Dương, Yên Sơn. Cấp độ dịch của nhiều địa phương cũng thay đổi từng ngày. Phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) giờ đang căng mình chống dịch. Toàn bộ người dân trên địa bàn phường đã được lấy mẫu để kiểm tra. Số lượng các hộ dân thực hiện cách ly cũng không ngừng tăng. Đồng chí Đào Quang Hậu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hưng Thành cho biết, ngay sau khi phát hiện các ca F0 trên địa bàn, phường đã khẩn trương khoanh vùng, cách ly, hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Đối với các hộ dân nằm trong khu vực cách ly phong tỏa, phường giao cho Hội LHPN làm đầu mối, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể lập các nhóm zalo chung đến từng hộ gia đình, để vừa tư vấn, nắm bắt tâm tư, tình cảm, vừa tổ chức “đi chợ hộ”. Đồng chí Đào Quang Hậu chia sẻ, trong 2 ngày cao điểm vừa rồi (ngày 21, 22-12), Hưng Thành đã tiếp nhận hàng trăm kilogam rau, củ, quả và hàng trăm suất quà của các tổ chức, cá nhân ủng hộ bà con trong khu vực phong tỏa. Phường đã chủ động tiếp nhận và điều tiết, phân bổ đến từng hộ gia đình, đảm bảo không để ai bị bỏ quên trong cuộc chiến còn lâu dài này. 

Với truyền thống quê hương cách mạng “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô Kháng chiến”, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đồng lòng, thống nhất trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Với tinh thần kỷ luật, quyết liệt, nghiêm túc, linh hoạt, đồng lòng, sẻ chia..., những tổ Covid-19 cộng đồng, tổ xung kích tình nguyện tham gia các chốt kiểm dịch, các tổ thiện nguyện đang phát huy vai trò hiệu quả.

Trong Lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Tuyên Quang đã và đang phát huy những bài học về phòng chống dịch bệnh để thích ứng linh hoạt, an toàn và phát triển.

Nguyễn Đạt - Minh Hoa - Cao Huy

Tin cùng dòng sự kiện