Dự báo chiến lược thiên tài và đường hướng lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Dù Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ diễn ra gần hai tháng nhưng vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện sâu đậm là “linh hồn” và người chỉ huy cao nhất của chiến dịch.

Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và tìm ra cách thức xoay chuyển tương quan lực lượng để tiến tới tổng phản công

Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì đàm phán với Pháp, thậm chí chấp nhận nhân nhượng cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế và văn hóa để đẩy lùi chiến tranh. Tuy nhiên, những cố gắng của Người cho đến những giây phút cuối cùng đã không ngăn chặn được bàn tay tội ác của kẻ thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn sự lựa chọn nào khác ngoài con đường lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc. Quy luật của chiến tranh vốn rất nghiệt ngã, “mạnh được, yếu thua”. Trong bối cảnh “ngoài 25 triệu người dân giàu lòng yêu nước, cùng 2,4-2,7 triệu tấn thóc mỗi năm, Việt Nam không có gì để so sánh với bên đối chiến về lực lượng vật chất và kỹ thuật chiến tranh”, ý chí “dám đánh” và làm cho cả dân tộc “quyết đánh” với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” là công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Buộc phải “chiến đấu trong vòng vây”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Trung ương Đảng đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” và làm cho đường lối ấy thấm sâu vào suy nghĩ, hành động của toàn thể nhân dân. Người đã chứng minh chân lý của C.Mác: “Lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”. Song song với việc động viên toàn dân kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang. Người kêu gọi ở họ tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Trong suốt tiến trình lãnh đạo cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Trung ương Đảng đề ra các chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao sức mạnh mọi mặt của ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chỉ đạo cao nhất mọi đường hướng của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trước hết ở việc Người đã bẻ gãy mọi âm mưu, toan tính của đối phương bằng các kế hoạch tác chiến linh hoạt, phù hợp. Chiến tranh không chỉ là đấu lực mà còn là sự đấu trí giữa các thống soái chỉ huy. Nắm được Kế hoạch Navarre, vào cuối tháng 9-1953, tại Tỉn Keo (Định Hóa, Thái Nguyên), Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị để bàn về kế hoạch đối phó. Chủ tịch Hồ Chí Minh bình tĩnh phân tích: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó sẽ không còn”.

Trước kế hoạch tấn công của Navarre, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không bị động phòng ngự mà đề ra chủ trương chủ động tấn công. Người diễn đạt kế hoạch tấn công một cách độc đáo, sinh động, dễ hiểu bằng cách mở rộng bàn tay để mỗi ngón tay chỉ về một hướng và nhấn mạnh việc lấy Tây Bắc làm hướng chính. Theo đó, ngày 19-11-1953, Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc. Quân ta cũng tiến đánh ở Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào để xé lẻ binh lực của Navarre. Phát hiện quân chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, ngày 20-11-1953, Navarre đã cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đó một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Mục đích của Navarre khi xây dựng tập đoàn cứ điểm này là khống chế vùng Tây Bắc, bảo vệ Thượng Lào và biến Điện Biên Phủ thành “cái bẫy” kìm chân, “nghiền nát” quân chủ lực Việt Minh, qua đó, tạo thế cân bằng trên toàn chiến trường Đông Dương.

Trước “nước cờ” mới của địch, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp và quyết định mở chiến dịch tấn công Điện Biên Phủ với mật danh “Trần Đình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Với sự thận trọng của nhà quân sự thấu hiểu thực lực đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán trong việc thực hiện phương châm tác chiến “đánh chắc thắng”. Từ đầu năm 1953, Người đã dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, bại thì hết vốn”. Đầu tháng 1-1954, khi tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra Mặt trận, Người lại nhấn mạnh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Người còn tỏ rõ tài năng trong việc lựa chọn cán bộ chỉ huy cao nhất của chiến dịch. Đường lối tác chiến đúng chỉ có thể phát huy giá trị khi được thực hiện bởi những nhà chỉ huy lỗi lạc. Tại cuộc họp ngày 6-12-1953, cùng với việc thông qua quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã quyết định cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Điện Biên Phủ. Tất cả đã nói lên sự tin cậy đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Võ Nguyên Giáp. Tài năng, bản lĩnh chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được lịch sử và thế giới tôn vinh, nhưng sâu xa ở đó là khả năng dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời động viên các binh sĩ tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ để họ vượt qua muôn vàn khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Với đội quân cách mạng non trẻ, có sự thiếu hụt rất lớn về vũ khí, trình độ binh nghiệp và kinh nghiệm chiến đấu thì yếu tố tinh thần càng quan trọng. Vì thế, khi nói với cán bộ chỉ huy Quân đội, Người nhấn mạnh: “Trung ương và các chú quyết tâm cũng chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọi người chiến sĩ... Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong việc huy động sức mạnh của toàn dân để chi viện cho Điện Biên Phủ. Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác hậu cần, chi viện. Từ tháng 7-1953, Hội đồng Chính phủ do Người đứng đầu đã quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp Mặt trận do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Tháng 12-1953, tức là trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư “Gửi cán bộ cung cấp và đồng bào dân công”. Khi ta lựa chọn phương án “đánh chắc, tiến chắc”, để khắc phục khó khăn, bảo đảm sự cung cấp cho tiền tuyến, ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị dưới sự chỉ đạo của Hồ Chủ tịch đã ra nghị quyết: “Toàn dân, toàn Đảng, và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự cảm chính xác về thắng lợi ở Điện Biên Phủ và về cuộc chiến đấu mới, những Điện Biên Phủ mới sẽ diễn ra ở Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà dự báo chiến lược thiên tài. Không phải một lần “xuất thần” mà năng lực dự báo của Người đã thể hiện trong suốt cuộc đời. Người đã có dự cảm rất sớm về thắng lợi của ta trong trận đánh cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 4-1954, khi ở chiến trường đang có sự giằng co ác liệt giữa ta và địch, trong cuộc trò chuyện với nhà báo người Australia W.Burchett, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mô tả thế trận ở Điện Biên Phủ một cách độc đáo: Người lật ngửa chiếc mũ cát trên chiếc bàn tre, đưa mấy ngón tay vòng quanh mũ, giải thích: "Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi". Rồi người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: "Còn đây là quân Pháp. Họ không thoát khỏi chỗ này được”. 

Được tôi luyện trong bao thăng trầm của cách mạng Việt Nam và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn “Thắng không kiêu, bại không nản”; ung dung, điềm tĩnh là phong cách của Người. Người luôn cẩn trọng và không bao giờ để lộ một niềm vui bồng bột hay một sự lo âu quá mức. Vì thế, trong thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc ngày 8-5-1954, Người đã căn dặn: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch”. Con đường đi đến độc lập, tự do của một dân tộc nhỏ không phải là con đường thẳng tắp.

Người nói với cán bộ, nhân dân: “Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”. Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa II (tháng 7-1954), Người nói rõ hơn: “Đế quốc Mỹ thì đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp, mũi nhọn của ta phải chĩa vào đế quốc Mỹ”. Phải nhấn mạnh rằng, lúc này, đế quốc Mỹ vừa bị tổn thất nặng nề trong chiến tranh Triều Tiên; ít ai nghĩ rằng Mỹ lại tiến hành ngay chiến tranh xâm lược Việt Nam. Song, lịch sử đã diễn ra như Người dự báo.

70 năm trôi qua, nhưng tinh thần Điện Biên Phủ vẫn ngời sáng, làm thức dậy trong mỗi con người Việt Nam lòng tự hào, niềm tin và trách nhiệm với vận mệnh Tổ quốc. Vì thế, đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và nhân loại không dừng ở những kỳ tích mà Người đã tạo lập trong thế kỷ 20 mà còn ở sức sống, khả năng soi chiếu, dẫn dắt để Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới đi đến mục tiêu hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như mong ước của Người.

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân

Tin cùng dòng sự kiện