Nhận thức đúng về tranh chấp quốc tế và biện pháp giải quyết
Trong thực tiễn, mặc dù còn có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng đều có điểm thống nhất chung về tranh chấp quốc tế, đó là: Đang diễn ra sự không thống nhất, mâu thuẫn, xung đột về quan điểm pháp lý và lợi ích giữa các quốc gia có chủ quyền hoặc các chủ thể khác của pháp luật quốc tế.
Tranh chấp quốc tế có thể xảy ra trên các lĩnh vực hoạt động quốc tế, trong đó tranh chấp về chủ quyền trên đất liền, hải đảo, trên biển, trên không và trên không gian mạng là nổi cộm, dai dẳng, khó giải quyết và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến xung đột, chiến tranh.
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 19 tại Singapore ngày 11-6-2022. Ảnh minh họa: qdnd.vn
Việc giải quyết tranh chấp quốc tế không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với duy trì hòa bình, ổn định, an ninh thế giới, mà còn góp phần thúc đẩy các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế triệt để hơn. Luật pháp quốc tế đã thống nhất các nguyên tắc cơ bản khi giải quyết tranh chấp quốc tế, đó là: Bằng phương pháp hòa bình, thương lượng; không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giữ nguyên hiện trạng cho đến khi đạt đến thỏa thuận cuối cùng; các bên tranh chấp phải tự kiềm chế, không tiến hành bất cứ hoạt động nào làm cho tình hình trở nên xấu đi.
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và phần tử cực đoan đưa ra nhiều ý kiến, bình luận với ý đồ xuyên tạc, âm mưu kích động chúng ta “phải có động thái mạnh mẽ, tuyên chiến quyết liệt” để chống lại các thế lực xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, nhất là chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Nhận thức sâu sắc về vấn đề này, Đảng, Nhà nước ta đã xác định, việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là thượng sách giữ nước của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.
Thượng sách giữ nước và chính sách quốc phòng đúng đắn của Việt Nam
Trong giải quyết các tranh chấp, Việt Nam nhất quán sử dụng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế - đây là chủ trương, giải pháp chiến lược, là chính sách quốc phòng hiệu quả và đã được thực tiễn kiểm nghiệm là phù hợp, đúng đắn. Điều đó thể hiện ở những khía cạnh sau.
Một là, thể hiện văn hóa giữ nước chính nghĩa, hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, có đến gần hai phần ba thời gian dân tộc Việt Nam phải đứng lên tiến hành các cuộc chiến tranh, khởi nghĩa để giành và giữ quyền độc lập, tự chủ và phát triển. Nét văn hóa nổi bật trong công cuộc giữ nước của dân tộc Việt Nam là luôn nhận thức rõ rằng, mọi cuộc chiến tranh mà không đem đến hòa bình và cao hơn là không đem đến tình hữu nghị cho các dân tộc đều là cuộc chiến tranh vô nghĩa. Và không một dân tộc nào trên thế giới này lại không mong muốn có hòa bình, ổn định, độc lập, tự chủ...
Lịch sử cho thấy, biết bao công sức, xương máu của các thế hệ người Việt đã đổ xuống, thấm vào từng tấc đất trên khắp lãnh thổ Việt Nam, chính là để giữ cho nước nhà được toàn vẹn lãnh thổ, có độc lập, tự do và hòa bình. Có hòa bình rồi tiến tới xây dựng tình hữu nghị, chung sống hòa bình với các nước láng giềng, các nước khác trên thế giới, để đem lại lợi ích cho nhân dân ta, nhân dân các nước từng gây chiến với nước ta và dân tộc khác trên thế giới.
Các quốc gia yêu chuộng hòa bình xem chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc giải phóng và bảo vệ Tổ quốc là chiến thắng chính nghĩa, là nguồn cổ vũ, khích lệ, nên họ sẵn sàng ủng hộ Việt Nam. Thực tiễn các cuộc chiến tranh giữ nước trước đây, đặc biệt là các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, to lớn của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới... Do đó, chiến thắng của Việt Nam đã vượt lên một tầm cao mới, mang tầm vóc của thời đại.
Hai là, cụ thể hóa chủ trương, giải pháp chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, với tư duy, tầm nhìn chiến lược, Đảng ta đã kế thừa và vận dụng, phát triển sáng tạo kế sách “giữ nước từ lúc nước chưa nguy” của dân tộc thành phương thức, tư tưởng chỉ đạo chiến lược chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Vì vậy, giữ được nước mà không cần phải tiến hành chiến tranh trở thành mục tiêu cơ bản, tối thượng của chính sách quốc phòng và an ninh ở nước ta hiện nay.
Để thực hiện tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu chiến lược đó cần phải triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chiến lược nhằm bảo đảm cho Đảng vững, nước giàu, dân yên, quân mạnh, thêm bạn, bớt thù. Trong đó, chủ trương thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trong quan hệ quốc tế, nhất là vấn đề biên giới, biển, đảo bằng biện pháp hòa bình là giải pháp trọng tâm, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế... giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.
Ba là, tạo cơ sở để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là xu thế khách quan và tiếp tục tiến triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế trong điều kiện hiện nay đòi hỏi mỗi quốc gia phải lấy nội lực là cơ bản, chiến lược lâu dài và là nhân tố quyết định; ngoại lực là nhân tố quan trọng, cần thiết. Hay nói cách khác, phải biết huy động sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại một cách phù hợp, hiệu quả.
Quan điểm của Nhà nước Việt Nam là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Hòa bình, ổn định và phát triển của một nước có tác động đến các nước láng giềng, khu vực và thế giới. Lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc cần hài hòa và tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, dân tộc khác, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cùng với đó, hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu để cùng nhau gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển và tình hữu nghị giữa các quốc gia; không một quốc gia đơn lẻ nào, dù lớn và giàu mạnh đến đâu, có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhất là các vấn đề toàn cầu, mà cần phải có sự hợp tác của các nước khác, cộng đồng quốc tế và người dân. Việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, đoàn kết và hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương.
Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng giải pháp hòa bình không chỉ là sự tôn trọng luật pháp quốc tế, đi đúng xu thế thời đại, mà còn góp phần quan trọng vào gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, lợi ích quốc gia cho các nước khác. Sự đồng thuận của nhân dân trong nước, sự đồng tình, ủng hộ, ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giải pháp hòa bình Việt Nam đang thực hiện chính là cơ sở để thực hiện mục tiêu “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” mà Đại hội XIII của Đảng xác định.
Bốn là, giải pháp tối ưu trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp hiện nay.
Trong những năm qua, Việt Nam và các nước láng giềng đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả luật pháp và thông lệ quốc tế để giải quyết các bất đồng, tranh chấp đặt ra. Quá trình giải quyết các bất đồng, tranh chấp giữa Việt Nam với các quốc gia khác, trong đó có vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Điều đó chứng minh rõ Việt Nam không chỉ nỗ lực vận dụng sáng tạo làm phong phú thêm luật pháp quốc tế, mà còn luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, nhất là khi Việt Nam kiên trì nguyên tắc “tôn trọng pháp luật quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982” và nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, các thỏa thuận song phương như: DOC, Tuyên bố "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông" ngày 20-7-2012; Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, ký ngày 11-10-2011 và dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đây là những minh chứng thực tiễn sinh động không chỉ thể hiện rõ thiện chí, cam kết, quyết tâm, mà còn thể hiện rõ tính hiệu quả của biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp quốc tế mà Nhà nước ta đã thực hiện. Sự nhất quán và những nỗ lực của Nhà nước ta đã bảo vệ vững chắc được chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc, ngăn chặn, đẩy lùi xung đột và chiến tranh, giữ vững an ninh quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định để tiến hành sự nghiệp đổi mới của đất nước trong gần 4 thập niên qua đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Như vậy, có thể thấy, giải quyết các bất đồng, tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình là chủ trương chiến lược, nhất quán và là chính sách quốc phòng đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với bối cảnh tình hình hiện nay và là giải pháp hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta. Chủ trương này cần được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực trong thời gian tới.
Mặt khác, nhận thức và thực hiện đúng đắn việc giải quyết các bất đồng, tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình của Đảng, Nhà nước ta là cơ sở quan trọng để chủ động nhận diện, kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch về chính sách quốc phòng của Việt Nam hiện nay.
Đại tá, ThS NGUYỄN MINH THÀNH, Khoa Lịch sử nghệ thuật quân sự, Học viện Chính trị
Gửi phản hồi
In bài viết