Khuyến khích những trào lưu lành mạnh trên mạng xã hội

- Cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, các trào lưu (hot trend) dễ dàng được lan truyền, chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Các trào lưu này đã tác động đến lối sống, phong cách và thẩm mỹ của giới trẻ. Do đó chúng ta cần khuyến khích để giới trẻ thực hiện những trào lưu lành mạnh, ý nghĩa.

Những trào lưu tích cực như “Dọn rác check-in”, “Thách thức mỗi ngày 1 cuốn sách”, Trào lưu chế ảnh mang tên BeLike (tạm dịch là “Hãy như tôi”)... hay trong đợt dịch Covid-19, có “Thử thách ở nhà 15 ngày”, “Thực hiện vũ điệu rửa tay”, “Thử thách đăng ảnh phong cảnh đẹp”... đã khuyến khích nhiều người thực hiện. Từ đó tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, định hướng lối sống tích cực, đặc biệt là cho giới trẻ.

 “Thách thức mỗi ngày một cuốn sách” là một trào lưu mang hiệu ứng tích cực, xuất phát từ mạng xã hội đã bước ra cuộc đời thực. “Hưởng ứng lời thách thức mỗi ngày một cuốn sách trong thời gian 7 ngày, hôm nay là ngày thứ ba, mình sẽ đọc cuốn Hoa vàng trên cỏ xanh”... Đó là dòng trạng thái được chị Nguyễn Thị Hậu, phường An Tường (TP Tuyên Quang) đăng trên Facebook. Nhiều bạn trẻ khác cũng tham gia thách thức này. Không chỉ đọc mà họ còn chia sẻ những câu nói hay, những review (cảm nhận) một cách rất có tâm về cuốn sách mà mình đã đọc.


Thanh niên huyện Chiêm Hóa thu gom rác thải.

Trước đó, một trào lưu khác trên mạng xã hội với tên gọi “Dọn rác check - in” trở thành trào lưu tích cực, bước ra đời thực. Theo anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Phong trào, Tỉnh Đoàn cho biết, trào lưu này bắt nguồn từ 2 bức ảnh trước và sau khi dọn hết đống rác ngổn ngang do thanh niên người Mỹ Byron Róman (Arizona) đăng tải trên Facebook cá nhân tháng 3-2019 đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng mạng, trong đó có các bạn trẻ Việt Nam. Tại Tuyên Quang, nhiều đoàn viên, thanh niên đã cùng nhau dọn sạch những bãi rác nơi công cộng.

Trào lưu được những bạn trẻ thực hiện ở nhiều địa điểm khác như: Thác Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa), Thác Mơ, Bến Thủy (Na Hang)... tạo được hiệu ứng tích cực. Những hình ảnh được tải lên các trang mạng xã hội với chú thích “Before-after” (Trước và sau) tại cùng một địa điểm đầy rác và sau đó được dọn sạch sẽ đã tạo thiện cảm với cộng đồng.

Anh Ma Văn Viện, đoàn  viên Chi đoàn thôn Lăng Chua, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) cho biết: “Nhìn bức hình trước và sau khi những đống rác được dọn sạch, đoàn viên thanh niên ai cũng vui vì đã làm được việc có ích. Qua đây, chúng tôi xác định việc cùng làm sạch các tuyến đường trong xã là hành động thường xuyên của thanh niên chứ không phải là một trào lưu chỉ xuất hiện rồi bị lãng quên”.

Trong những thời điểm phòng chống dịch bệnh Covid-19, trào lưu “Tôi là ai” nhiều bạn trẻ đã chụp hình kèm theo khẩu hiệu như: “Tôi là Trâm tôi ở nhà cho yên tâm”, “Tôi là Bi ở nhà không cần đi”... Trào lưu “Nhảy theo vũ điệu rửa tay” được lan tỏa trên mạng xã hội, bên cạnh những bạn trẻ thì nhiều cơ quan, đơn vị cũng thực hiện, tạo nên hiệu ứng truyền thông tích cực. Anh Đào Duy Khánh, Phó Bí thư Chi đoàn Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, hơn 30 đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn đã tham gia nhảy vũ điệu rửa tay. Video được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội và thu hút đông đảo người dân đón nhận, khen ngợi nhờ cả phần tiếng lẫn phần hình đều thu hút, góp phần giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên bên cạnh những trào lưu tốt, mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều trào lưu vô bổ, thậm chí gây tranh cãi vì mức độ nhảm nhí và phản tác dụng của nó. Chẳng hạn, trào lưu “tạo sự kiện nhảm nhí trên Facebook”; trèo lên tầng cao chụp ảnh tự sướng (selfie); ghép ảnh, đối thoại nhảm nhí với người nổi tiếng... Những trào lưu này gây hiệu ứng xấu và bị truyền thông lên án. Theo ông Vũ Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông: “Chúng ta cần định hướng để giới trẻ sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, thiết thực. Việc khuyến khích lan tỏa trào lưu tích cực tạo hiệu ứng mạnh mẽ trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên trong giới trẻ ngày nay”.

Bài, ảnh: Giang Lam

Tin cùng dòng sự kiện