Phong trào phòng chống rác thải nhựa dần đi vào nền nếp

- Sau hơn 1 năm thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” đã khơi dậy và huy động được sức mạnh và nguồn lực, sự đồng lòng ủng hộ, hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhân lên những hành động đẹp

Hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, anh Đặng Văn Lâm, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình (Lâm Bình) đã tự bỏ kinh phí để chế tạo xe thu gom rác thải miễn phí cho người dân trong thôn và khu vực trung tâm xã. Anh Lâm cũng là Tổ trưởng tổ tự quản vệ sinh môi trường của thôn, hàng ngày anh thực hiện thu gom rác thải vừa tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, phân loại xử lý rác thải. Hành động đẹp của anh Lâm đã góp phần lan tỏa trong cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.

Ở thôn Trung Quang, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa), mỗi tháng 2 lần, nhân dân trong thôn tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom, phân loại rác thải, khơi thông cống rãnh... Chị Lâm Thị Vui, Bí thư chi bộ thôn Trung Quang chia sẻ, việc vệ sinh môi trường đã trở thành nền nếp ở thôn, mỗi người dân đều vui vì cùng chung tay, góp sức làm đẹp thêm thôn bản. Từ việc tham gia các hoạt động chung trong vệ sinh môi trường ở thôn, mỗi người dân cũng ý thức hơn trong vệ sinh môi trường, nhất là chống rác thải nhựa.

Hoạt động đổi rác thải nhựa lấy cây xanh của tuổi trẻ huyện Chiêm Hóa.

Sau hơn một năm thực hiện phong trào, mỗi tổ chức đoàn thể, mỗi khu dân cư cũng đã có nhiều cách làm, nhiều hành động đẹp để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa. Tiêu biểu như Đoàn thanh niên vận động đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên nhà ở, nhà văn hóa và các khu công cộng; hướng dẫn cách phân loại rác, đào hố rác, xây bể ủ rác hữu cơ làm phân bón; tư vấn lắp đặt bể phốt cho công trình vệ sinh, làm chuồng chăn nuôi và cách xử lý phân gia súc, gia cầm.

Hội Cựu chiến binh tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường, giám sát các cơ sở làng nghề, các hộ tư nhân trong việc xả thải chất thải và chăn nuôi gia súc, gia cầm đúng nơi quy định. Liên đoàn Lao động tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện triệt để các giải pháp về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh; vận động đoàn viên, công nhân, người lao động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, gắn với phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”...    

Đưa phong trào thành nền nếp

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Đỗ Minh Tân cho biết, triển khai phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, Ủy ban MTTQ tỉnh xác định đây là một việc làm cụ thể thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm “hướng mạnh về cơ sở”.  Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ cấp huyện đến cơ sở chủ trì, hiệp thương, phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tổ chức phát động hưởng ứng thực hiện phong trào. Trong đó, MTTQ các cấp hiệp thương thống nhất, phân công nhiệm vụ, việc làm cụ thể cho từng tổ chức chính trị - xã hội thực hiện; xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở tất cả các khu dân cư; tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ gia đình ký cam kết, tự giác thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa.

Việc tuyên truyền đi đôi với việc làm, hoạt động cụ thể. MTTQ các cấp đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình. Định kỳ hàng tuần, tháng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa và cây xanh ở các tuyến đường để tạo cảnh quan môi trường; xây dựng bể ủ rác hữu cơ để thực hiện thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình; tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ sử dụng làn mây khi đi chợ, tận dụng chai lọ nhựa trồng hoa treo tường, thu gom phân loại chai, lọ nhựa bán gây quỹ; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng.

Nhân dân thôn Đồng Nương, xã Đông Lợi (Sơn Dương) vệ sinh đường làng ngõ xóm.

Tính đến nay, MTTQ các cấp đã chủ trì, hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng được 1.254 mô hình tổ tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư, trong đó chia thành 1.794 nhóm tự quản. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng vận động đoàn viên, hội viên, thành viên các tổ, nhóm tự quản và nhân dân đóng góp xây dựng được 4.533 bể, hố ủ rác hữu cơ, 2.886 lò, hố đốt rác tại hộ gia đình, khu dân cư, từ đó phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong công tác bảo vệ môi trường và thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”.     

Phong trào Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, đang được triển khai thiết thực, sáng tạo, tiết kiệm, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân. MTTQ các cấp đang tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, triển khai để phong trào tiếp tục đi vào nền nếp, hiệu quả, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các thôn, tổ dân phố.

Bài, ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng dòng sự kiện