Đó không phải là lý thuyết suông mà đã được chứng minh trên thực tế trong suốt lịch sử 92 năm qua của Đảng ta, đặc biệt là trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi Đảng ta quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị.
Cơ chế thị trường càng ngời sáng phẩm chất cộng sản
10 năm qua, chỉ tính cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã có 170 người bị xử lý kỷ luật; chưa bao giờ, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng ở nước ta lại quyết liệt và thu được nhiều thành công như vậy. Kết quả đó là nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người khởi xướng và giữ vai trò quyết định trong chiến dịch “đốt lò” hiện nay.
Tổng Bí thư cũng là biểu tượng niềm tin, người truyền cảm hứng thúc đẩy cuộc chiến phòng, chống tham nhũng với những câu nói đầy chất “thép”: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”; “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”; “Việc xử lý cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn”; “Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh”.
Chính việc hàng loạt “quan chức” hầu tòa hiện nay đã lấy lại niềm tin trong nhân dân về phẩm chất của đảng viên cộng sản, chấm dứt những luận điệu xuyên tạc Đảng ta “nói vậy nhưng không làm vậy”; khẳng định những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng phải “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức nào”.
Minh họa: MẠNH TIẾN
Trong vòng 10 năm qua, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật; trong đó có 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...
Những con số đó nói lên điều gì? Kỷ luật hơn 167.700 đảng viên, chứng tỏ hơn 167.700 lần, bí thư cấp ủy và cấp ủy, tổ chức đảng đã nêu cao dũng khí “chặt cành, cứu cây”; chứng tỏ những “bàn tay sắt”, “bàn tay sạch” đã vươn dài từ Trung ương đến cơ sở.
Kết quả đột phá của cuộc chiến phòng, chống tham nhũng 10 năm qua đã chứng tỏ: Mặt trái của cơ chế thị trường là “cạm bẫy” suy thoái rình rập những đảng viên có chức, có quyền; nhưng cũng chính cơ chế thị trường đã làm ngời sáng phẩm chất đảng viên cộng sản. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thành tựu đó là công sức của cả dân tộc nhưng trước hết là sự cống hiến, hy sinh, gương mẫu đi đầu của hàng triệu đảng viên. Nhiều người nói, có thể ở Trung ương có nhiều đồng chí cán bộ cấp cao tiêu biểu nhưng ở cơ sở thì “chất đảng viên” có vẻ đang phai nhạt. Nói như vậy là không có căn cứ.
Tấm gương đảng viên Lê Đạo, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Trọng là một ví dụ. 10 năm, ông cùng các đồng chí kiên trung đấu tranh vạch mặt những kẻ tham nhũng, thu hồi về cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng. 10 năm chịu đựng cực khổ vì những trò bôi nhọ, xuyên tạc, đe dọa của những người “đồng chí” có chức, có quyền; nhưng người đảng viên ấy không một phút ngã lòng, vẫn kiên cường, bất khuất đấu tranh đến ngày thắng lợi. Đồng chí Lê Đạo là một điển hình trong muôn vạn đảng viên của Đảng đang từng ngày, từng giờ ra sức công tác, chống lại những thói hư, tật xấu để từng bước hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Không có cơ chế nào hoàn hảo
Có chức, có quyền là mơ ước chân chính của mỗi người, lịch sử nhân loại từ xưa đến nay đã công nhận điều đó. Nhưng có chức, có quyền dễ dẫn đến suy thoái, biến chất. Người đảng viên khi nhận thức được điều này thì phải có phương pháp tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cộng sản; chỉ có con đường đó mới tránh được cám dỗ về danh lợi, sắc dục.
Có người cho rằng, chỉ các nước theo chế độ tư bản chủ nghĩa với cơ chế tam quyền phân lập, các nhánh quyền lực nhà nước đối trọng, kiểm soát lẫn nhau thì quan chức mới tránh được tiêu cực, tham nhũng. Đó là quan niệm rất sai lầm.
Thực tế, các quốc gia trên thế giới hiện nay đều phải đối mặt với nạn tham nhũng, chỉ là ở mức độ khác nhau. Hàn Quốc là một nước tư bản phát triển, nhà nước theo mô hình tam quyền phân lập, pháp luật Hàn Quốc rất nghiêm khắc nhưng tình hình tham nhũng vẫn phức tạp.
Ở thượng tầng, nhiều Tổng thống Hàn Quốc bị cáo buộc dính dáng đến tham nhũng, như: Ông Kim Young-Sam (nhiệm kỳ 1993-1998) để con trai phạm tội hối lộ và trốn thuế, phải ngồi tù 3 năm và phạt 1,5 triệu USD; ông Kim Dae Jung (nhiệm kỳ 1998-2003) phải xin lỗi nhân dân trên truyền hình vì để hai người con trai bị cáo buộc tham nhũng, lạm dụng chức quyền và nhận “lại quả” từ doanh nghiệp; ông Roh Moo Hyun (tại nhiệm năm 2003-2004) đã tự tử năm 2009 sau khi sự việc người thân trong gia đình ông nhận 6 triệu USD từ một doanh nhân bị vỡ lở; ông Lee Myung Bak (nhiệm kỳ 2008-2013) cũng phải xin lỗi nhân dân vì để người thân, trợ lý nhận hối lộ; bà Park Geun Hye (nhiệm kỳ 2013-2017) còn bị phế truất chức Tổng thống, nhận án tù 20 năm vì nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Nhắc lại những trường hợp này, không phải để phân tích vấn đề của nước bạn mà để thấy, không có cơ chế hay mô hình nhà nước nào hoàn hảo để đủ sức ngăn ngừa mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực. Người đảng viên cộng sản cũng là con người, ai cũng có tính tốt và tính xấu, nhưng họ là những người có lý tưởng cộng sản, vì lý tưởng đó mà họ có ý thức phát triển những tính tốt, tránh xa “cạm bẫy” suy thoái, biến chất.
Con đường tu dưỡng của cán bộ có chức, có quyền
Nói chuyện với các đại biểu đảng viên trẻ toàn quốc ngày 27-8-2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tâm sự: “Nhân dịp này, tôi muốn tâm sự với các đồng chí, thật sự từ đáy lòng mình. Cứ nghĩ trong cuộc sống mà xem; có những người có thiếu thốn gì đâu mà sao tham thế? Chưa làm cái gì đã nghĩ đến “chấm mút” rồi, nói nhỏ là “chấm mút”, nói to là vi phạm pháp luật, bất chấp cả pháp luật, không còn xứng danh là đảng viên, dân khinh, coi thường.
Tại sao vừa qua đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được dân ủng hộ? Vì nó đúng quá. Rất mong các đồng chí gương mẫu tiên phong... Hy vọng, mong các đồng chí ngồi đây có nhiều đồng chí sẽ vào Ban Chấp hành Trung ương... Nhưng không phải vào Trung ương cho nó oai, hay vào Trung ương để kiếm chác cái gì mà vào Trung ương để hy sinh, để cống hiến, để phấn đấu, để trung thành hơn nữa, làm cho Đảng ta mạnh hơn”.
Lời tâm sự từ đáy lòng của đồng chí Tổng Bí thư gợi mở điểm bắt đầu cho con đường tu dưỡng, rèn luyện của các đảng viên có chức, có quyền. Đảng ta là đảng cầm quyền, rất nhiều đảng viên vào Đảng để được dấn thân trên con đường cống hiến vì dân, vì nước; nguyện vọng được tổ chức trao các chức vụ, quyền hạn là hoàn toàn chính đáng. Đảng viên chân chính xem chức quyền như là phương tiện để khẳng định bản thân, thực hiện khát vọng, hoài bão cống hiến cho đất nước; còn người tham vọng thì coi quyền lực là phương tiện thỏa mãn mưu cầu danh lợi và lạc thú; có chức tước để dễ bề “vinh thân phì gia”. Bất luận trường hợp nào thì khi có chức, có quyền, “nói có người nghe, đe có người sợ”, sự cám dỗ sẽ giăng ra khắp nơi như mạng nhện, sẵn sàng “đón lõng, vây bắt”.
Dân gian có câu “Nay ăn cắp trứng gà, mai sẽ ăn cắp con bò”. Lòng tham của người cán bộ cũng vậy, thường bắt đầu từ những lợi ích nhỏ nhặt rất đỗi bình thường như “cân đường, hộp sữa” nhưng sẽ tăng lên từng ngày. Sa vào cạm bẫy của lòng tham nhiều khi người trong cuộc khó nhận biết, nó như sợi dây thòng lọng trói buộc người ta, lúc đầu chỉ nhẹ nhàng rồi dần bị siết chặt, rồi tự thiêu thân mình lúc nào chẳng biết. Lòng tham không cấp “kim bài miễn tử” cho bất kỳ ai, hễ người có chút chức quyền là nó lôi kéo. Chỉ một giây phút bất cẩn là rơi vào cạm bẫy của quyền lực, làm hại cả cuộc đời, có khi thân bại danh liệt.
Nhiều bị cáo từng là bộ trưởng, thứ trưởng, khi đứng trước tòa đã khóc, nghẹn ngào xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân vì để lòng tham dẫn dắt vào chốn tù tội mà khi tỉnh ngộ thì đã quá muộn. Như vậy, con đường tu dưỡng của người có chức, có quyền phải bắt đầu từ đấu tranh loại bỏ sự ham muốn quá độ những lợi ích vật chất và tinh thần trong lòng mình.
Tránh rơi vào cạm bẫy của lòng tham cũng là lời dạy của Bác Hồ. Trong tác phẩm "Đường kách mệnh" xuất bản năm 1927, Người đã nêu ra tiêu chuẩn tư cách một người cách mạng. Trong đó, Người nhấn mạnh tiêu chuẩn “cần, kiệm, liêm, chính, vị công, vong tư” (điều 8) và tiêu chuẩn “ít lòng tham muốn về vật chất” (điều 13). Có người cho rằng, lòng tham là thuộc tính tự nhiên của con người, con người không thể từ bỏ được, Nhà nước và xã hội chỉ có thể hạn chế lòng tham của con người bằng cách dùng pháp luật kiểm soát chặt chẽ mà thôi.
Đó cũng là một quan niệm sai lầm, thiếu niềm tin vào tính người. Những người cộng sản Việt Nam đã chứng minh điều này bằng lớp lớp thế hệ sẵn sàng hiến cả đời mình cho lý tưởng của Đảng. Từ thế hệ tinh hoa đầu tiên của Đảng với các nhà lãnh đạo tiền bối như Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh... đến thế hệ các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong thời kỳ đổi mới như Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Phạm Hùng, Đỗ Mười... đã khẳng định nhân cách “sáng trong như ngọc” của người cộng sản.
Ngày nay, không chỉ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu gương sáng; mà ở tất cả các cấp, các ngành, chúng ta đều thấy xuất hiện những tấm gương đảng viên tận hiến vì mục tiêu chung. Chúng ta làm sao có thể quên câu nói của đảng viên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (Phó tư lệnh Quân khu 4) khi nhận nhiệm vụ đi cứu hộ Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) tháng 10-2020: “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh”.
Chúng ta luôn nhớ câu chuyện về một cán bộ công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có người xách cả một vali đầy ắp đô la đến hối lộ, nhưng anh đã lập biên bản rồi yêu cầu đối tượng hối lộ xách vali về. Những câu chuyện về những đảng viên thanh liêm, chính trực, dũng cảm như vậy hiện nay không ít, ở cấp nào, ngành nào, địa phương nào cũng có. Đó là cơ sở để chúng ta tin rằng, người đảng viên hoàn toàn có thể tiêu diệt lòng tham, dù có phải trải qua bất kỳ sự cám dỗ, mê hoặc nào của quyền lực.
Thực chất cuộc chiến từ bỏ lòng tham là cuộc chiến giữa thiện và ác, diễn ra từng giờ, từng phút trong mỗi con người. Thiện là làm đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hết lòng phục vụ nhân dân. Ác là để lòng tham trỗi dậy, lạm quyền, tham nhũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển, củng cố, cũng như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Phẩm chất đạo đức của đảng viên không tự nhiên mà có, nó là kết quả của sự tu dưỡng kiên trì qua từng ngày và người có đạo đức rồi thì không phải có vĩnh viễn, nó sẽ suy thoái, biến chất nếu đảng viên không tự giác tôi luyện, nhất là khi được tổ chức trao cho chức quyền. Quá trình tu dưỡng của đảng viên có chức quyền chính là quá trình tiên phong, gương mẫu thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Muốn lãnh đạo người khác thì phải lãnh đạo chính mình, cải tạo lòng mình; bảo đảm mọi lời nói, việc làm của mình đều đúng đắn thì nhất định sẽ có uy tín để lãnh đạo người khác.
Phương pháp tu dưỡng đạo đức của người cán bộ trước hết là “tự soi, tự sửa”. Đó là một quá trình thôi thúc tự giác của chính mình, là nhu cầu tự nhiên chứ không phải sự hối thúc của ngoại cảnh. Người cán bộ phải đấu tranh với chính mình, với cái “lợi” bất chính, cái “danh” vô thực và cái “tâm” vô cảm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”. “Chúng ta phải ráo riết tự phê bình và phê bình để giúp nhau chữa hết những bệnh ấy”. Những từ “ráo riết”, “giúp nhau” của Bác Hồ đã nói lên phương pháp biện chứng trong quá trình tu dưỡng của cán bộ; đó là kết hợp chặt chẽ giữa tự phê bình và phê bình.
Tự phê bình mình và phê bình đồng chí, đồng đội phải đi đôi với nhau, trên tinh thần “giúp nhau” cùng tiến bộ. “Tự soi, tự sửa” nếu chỉ làm một mình thì không đạt kết quả, vì khuyết điểm đôi khi như cái nhọ trên trán, tự mình không nhìn thấy được; chỉ có ráo riết tự phê bình và thực lòng phê bình đồng chí, đồng đội; kết hợp chặt chẽ hai công việc ấy với nhau thì sự tu dưỡng mới có kết quả. Chính vì thế mà tự phê bình và phê bình trở thành quy luật phát triển của Đảng và mỗi đảng viên; đồng thời cũng là một trong 5 nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt được xác định trong Điều lệ Đảng.
Điều đáng nói hiện nay là, khi đảng viên trở thành người có chức, có quyền, nhất là khi trở thành thủ trưởng đứng đầu đơn vị, nhiều người quên mất “vũ khí” tự phê bình và phê bình. Họ lý do bận rộn để không dự sinh hoạt và thường cố tình lờ đi việc tự kiểm điểm, tự phê bình trong chi bộ, cấp ủy. Họ chỉ thích nghe những lời xu nịnh “rót mật vào tai”. Họ tìm mọi sơ hở của những người nói thẳng để trù dập, vô hiệu hóa. Với những người như vậy, con đường dẫn đến suy thoái, biến chất chỉ còn một khoảng ngắn, thậm chí rất ngắn.
Quá trình tu dưỡng đạo đức của người cán bộ tất yếu phải gắn với nêu gương. Khác với đảng viên thường, đảng viên có chức, có quyền phải thực hành nêu gương vì đó là một phương thức lãnh đạo của Đảng, cũng là một giải pháp của tổ chức để mỗi đảng viên có chức quyền phát huy vị trí, vai trò của mình trong xây dựng Đảng. Hiện nay, Đảng ta có nhiều văn bản quy định rõ trách nhiệm nêu gương của cán bộ. Như Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương.
Việc thực hành nêu gương được các đảng bộ trực thuộc Trung ương tiến hành với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp đặc thù đảng bộ mình. Như Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW "về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới". Nghị quyết đã nêu rõ 5 đặc trưng cơ bản nhất của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Nghị quyết nhấn mạnh, đối với cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ trì, cấp ủy viên, phải nâng cao “tinh thần trách nhiệm, gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức người quân nhân cách mạng, danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ”.
Với sự tự giác nêu gương của đội ngũ cán bộ có chức, có quyền; cùng với sự lãnh đạo, quản lý chặt chẽ, khoa học của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; nhất định công cuộc phòng, chống “giặc nội xâm” của Đảng ta sẽ giành thắng lợi vẻ vang, cùng với quá trình hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc.
Từ kinh nghiệm tu dưỡng, rèn luyện của các nhà cách mạng tiền bối, chúng tôi xin kiến nghị 4 việc cụ thể nên làm dành cho các đảng viên có chức, có quyền như sau:
Một là, lý tưởng. Học tập để nắm vững những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là cái gốc của đạo đức và lập trường cách mạng, không nắm vững thì lý tưởng cộng sản trong mỗi đảng viên chỉ còn là mớ lý thuyết sáo rỗng. Lý tưởng cộng sản là nền tảng tư tưởng cho mỗi đảng viên, không theo đuổi lý tưởng ấy, tất sa vào cám dỗ thấp kém, ươn hèn.
Hai là, dân chủ. Thực hành dân chủ rộng rãi theo nguyên tắc tập trung dân chủ, cùng với nghiêm túc thực hành chế độ tự phê bình và phê bình. Dân chủ là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi vấn đề của cơ quan, đơn vị. Khi nào người cán bộ “sợ” công khai, dân chủ thì nguy cơ suy thoái, biến chất đã xuất hiện.
Ba là, đúng đắn. Bảo đảm mọi lời nói, hành động và quyết định của mình đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Khi quyết định những vấn đề mà pháp luật còn “vận dụng theo nhiều kiểu” thì phải bám sát các quy định của Đảng, với tinh thần “chí công vô tư”, “dĩ công vi thượng”, “cái gì có lợi cho dân, cho nước thì phải ra sức làm; cái gì hại cho dân, cho nước thì phải hết sức tránh”; tuyệt đối không vụ lợi.
Bốn là, gần dân. Rèn luyện tác phong gần gũi quần chúng, lắng nghe dân, sắp xếp kế hoạch công tác hợp lý để định kỳ hằng tháng gặp gỡ trực tiếp quần chúng, nhân dân. Nghe dân phải chắt lọc thông tin, phải dùng lập trường tư tưởng của Đảng để phán quyết, nếu không sẽ sa vào “dân túy”.
Gửi phản hồi
In bài viết