Hiệu quả các mô hình tự quản ở khu dân cư

- Thời gian qua, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” đã có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sức mạnh, nguồn lực và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp Nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Trong đó, nổi bật là hoạt động của các mô hình tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa tại các khu dân cư.

Đồng chí Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết: với phương châm “hướng mạnh về cơ sở” tập trung cho khu dân cư, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức thành viên xây dựng các mô hình tổ, nhóm tự quản bảo vệ môi trường. Đến nay, đã xây dựng được trên 2.000 mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường, phát hành 3.000 ấn phẩm giới thiệu các mô hình có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện phong trào. 

Chi hội phụ nữ thôn 9, xã Lưỡng Vượng thu gom rác thải nhựa gây quỹ hội.

Hàng tháng, các tổ tự quản tổ chức cho Nhân dân tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm; trồng, chăm sóc các tuyến đường hoa; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng; tận dụng rác thải nhựa bán gây quỹ, làm gạch sinh thái; hướng dẫn người dân cách thu gom, phân loại rác thải đã qua sử dụng. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 55.369 bể, hố xử lý rác; 26.909 thùng rác được hỗ trợ và do nhân dân đóng góp; 22.303 làn đi chợ thân thiện với môi trường. Từ rác thải nhựa tái chế, các địa phương đã xây dựng được 639 công trình, mô hình gạch sinh thái từ rác thải nhựa với tổng trị giá trên 6,7 tỷ đồng; số lượng rác thải thu gom, xử lý ước tính trên 65 nghìn tấn...

Nhiều mô hình tiêu biểu về “Tổ tự quản bảo vệ môi trường, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” có thể kể đến như: khu dân cư thôn Kim Xuyên, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) đã vận động được 231 hộ gia đình đào hố, ủ rác hữu cơ, xóa bỏ các điểm tập kết rác tự phát, hàng tháng, tổ chức phát dọn vệ sinh 12 km tuyến đường trục thôn; mô hình thu gom rác thải của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh với khẩu hiệu “Thả cá, không xả rác xuống sông”, trung bình mỗi năm vào dịp 23 tháng Chạp, Ban Trị sự đã tổ chức thu gom được khoảng 700 kg rác thải (túi nylon, tro, đồ thờ cúng...); tổ tự quản chi hội phụ nữ thôn Nông Tiến 1, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) đã làm được 4.500 viên gạch sinh thái, tương đương 4.800 kg rác thải nhựa; mô hình tự quản vệ sinh môi trường thôn Thác Lường, xã Bình Xa (Hàm Yên) đã đào được 62 hố rác thải tại hộ gia đình, vận động làm mới, sửa chữa và nâng cấp 25 công trình nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; lắp đặt 1.500 m đường điện thắp sáng… Đặc biệt, mô hình “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” của Liên đội trường Tiểu học Phan Thiết (TP Tuyên Quang), với việc thu gom rác thải nhựa gây quỹ, mô hình của liên đội không chỉ rèn cho các em biết tiết kiệm, yêu lao động, ý thức bảo vệ môi trường, mà cao hơn cả là tinh thần biết sẻ chia với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn. Từ nguồn kinh phí tiết kiệm được, các em đã tặng 50 chăn ấm cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong liên đội cùng 5 liên đội có học sinh nghèo trên địa bàn thành phố, tổng trị giá trên 15 triệu đồng...

HTX Vận tải và Dịch vụ môi trường Thanh Bình cấp phát xô phân loại rác cho các hộ gia đình tại xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).

Thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang) là một trong những doanh nhân tâm huyết và tiên phong trong việc biến rác thải thành phân bón hữu cơ và tái chế rác thải nhựa. Nhận thấy để tái chế được rác thải sinh hoạt thì việc phân loại rác phải được ưu tiên hàng đầu, ông Hoạch đã kiên trì vận động, hướng dẫn người dân phân loại rác thải ngay từ mỗi hộ gia đình. Ông cho biết: HTX của ông có xe thu gom rác thải 2 ngăn: một ngăn gom rác hữu cơ, 1 ngăn gom rác vô cơ. Rác vô cơ được đem về sơ chế tại phân xưởng nhựa. Rác hữu cơ được ủ thành phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa thân thiện với môi trường, lại vừa không tốn diện tích đất chôn lấp. Đồng thời với đó, mỗi tháng, phân xưởng sơ chế nhựa của ông cũng sơ chế được hàng trăm tấn nhựa phế thải... góp phần giảm tải đáng kể lượng rác thải cần chôn lấp trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy, sau gần 3 năm triển khai, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” đã mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt. Công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường được đồng thuận triển khai thực hiện đã góp phần thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu tối đa việc ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Tuy nhiên, ở 1 số địa bàn hiện nay, do chưa có xe chuyên dụng để cùng một lúc thu gom 2 loại rác, vẫn phải gom chung vào một xe để chở, do vậy quá trình phân loại rác thải của người dân trở nên bất cập.

Xây dựng ý thức, hình thành thói quen cho người dân đã khó, duy trì hành vi đó còn khó khăn hơn nhiều lần. Vì vậy, về lâu dài, cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc đầu tư kịp thời, đồng bộ từ phương tiện thu gom, vận chuyển đến công nghệ xử lý rác. Có như vậy, mới hy vọng duy trì những thói quen tốt, những hành động văn minh của người dân, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, giảm áp lực diện tích rác chôn lấp, tăng hiệu suất tái chế rác, hướng tới nhịp sống xanh, bền vững.  

Bài, ảnh: Khánh Vân

Tin cùng dòng sự kiện