Hồi ức của người lính quân y

- Tháng 1-1968, vừa tròn 21 tuổi, chàng thanh niên Chu Đức Sửu  (trong ảnh), xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong ngôi nhà ở tổ 6, thị trấn Na Hang (Na Hang), ông Sửu hồ hởi kể cho chúng tôi chuyện năm xưa. Ông Sửu là lính quân y của Đại đội 24, Trung đoàn 8, Sư đoàn 324. Mặc dù không trực tiếp chiến đấu nhưng trong mỗi trận chiến, những người lính quân y như ông Sửu luôn luôn đối diện với bom, đạn để cứu chữa và bảo đảm an toàn cho thương binh. Một trong những đóng góp của trận đánh lớn ghi lại dấu ấn của Sư đoàn 324 là mặt trận Thượng Đức, Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Địa hình Thượng Đức rất hiểm yếu, là một chi khu quân sự đặc biệt, là tiền đồn bảo vệ căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng - một trong những căn cứ lớn nhất của Mỹ - ngụy ở miền Trung lúc bấy giờ. Tại đây, giữa ta và Mỹ - ngụy đã xảy ra tranh chấp ác liệt. Tham gia chiến đấu tại mặt trận Thượng Đức là đã góp sức vào chiến công chung của chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch Thượng Đức toàn thắng đã khai thông tuyến đường huyết mạch Đông Trường Sơn, tạo điều kiện cho quân ta ào ạt tiến vào các chiến trường miền Nam.

Tại mặt trận Thượng Đức, bộ đội của ta bị thương và hy sinh nhiều. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông và đồng đội phải làm việc liên tục trong điều kiện hết sức khó khăn nơi rừng núi hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng thất thường. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men. Nhìn đồng đội bị thương, ông cảm nhận nỗi đau như chính thân thể mình. Chứng kiến nhiều cán bộ, chiến sỹ không qua khỏi vì không được cứu chữa kịp thời, ông bất lực, chỉ biết khóc nghẹn, tâm can đau đớn như mất đi người thân ruột thịt.

Ngày 30-4-1975, khi nghe tin chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, ông đang tham gia phục vụ tại chiến trường của Phan Rang (Phan Thiết). Cuối năm 1976, ông Sửu chuyển ngành về thương nghiệp của tỉnh Hà Tuyên. Năm 1990, ông nghỉ chế độ 176. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, mấy chục năm qua, ông đóng góp công sức trên nhiều hoạt động, lĩnh vực của địa phương và được cán bộ, nhân dân tin yêu. Là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tuổi đã cao, sức đã yếu song với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị trấn Na Hang (Na Hang), ông luôn chủ động tham mưu với tập thể Hội, cấp ủy chính quyền địa phương nhiều hoạt động, chính sách chăm lo cho hội viên, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.                            

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng dòng sự kiện