Không hoang mang, tích trữ thuốc khi Covid-19 gia tăng

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên cả nước tăng vọt, thậm chí có ngày ghi nhận gần 2.200 ca (ngày 19-4). Trước thực tế trên, các chuyên gia y tế cho rằng, các địa phương cần tăng cường, chủ động ứng phó với dịch bệnh, còn người dân cũng không nên quá hoang mang, tích trữ thuốc, test xét nghiệm…

Tỉnh táo trước tin đồn có biến thể mới

Theo Bộ Y tế, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước chỉ ghi nhận 2.070 ca mắc Covid-19, trung bình có 160 ca/tuần. Thế nhưng, từ đầu tháng 4-2023 cho đến nay, số mắc có chiều hướng gia tăng trở lại. Riêng 6 ngày qua (từ ngày 14 đến 19-4), nước ta ghi nhận 6.986 ca mắc Covid-19, trung bình có gần 1.200 ca/ngày. Thậm chí, ngày 19-4, số ca mắc Covid-19 tăng vọt lên 2.159 ca - cao nhất trong hơn nửa năm qua.

Còn tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 1-4, trung bình số ca nhiễm mới từ 2-5 ca/ngày. Tuy nhiên, từ ngày 12-4 đến 17-4, trung bình ghi nhận 96-98 ca/ngày. Ngày 18-4 ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất, với 141 ca mắc tại 15/30 quận, huyện, thị xã. Hiện có 628 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 331 người điều trị tại bệnh viện và 297 người theo dõi tại nhà.


Bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Mặc dù số ca mắc Covid-19 đã thể hiện sự gia tăng rõ rệt trên biểu đồ theo dõi ca nhiễm mới hằng ngày của Bộ Y tế, nhưng theo các chuyên gia, số ca mắc mới trên thực tế còn cao hơn.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện có rất nhiều người mắc Covid-19, có hoặc không có triệu chứng, tự test tại nhà. Thậm chí, nhiều người không xét nghiệm và không tới cơ sở y tế nên chưa có thống kê đầy đủ.

“Nguyên nhân khiến dịch Covid-19 gia tăng thời gian gần đây có thể do miễn dịch của người sau tiêm vắc xin hoặc từng nhiễm đã giảm. Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút phát triển, trong khi người dân lơ là không đeo khẩu trang nên bệnh dễ dàng lây nhiễm. Mặt khác, Covid-19 sẽ không biến mất như bệnh SARS vào năm 2003. Việt Nam cũng đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế. Do đó, tình hình dịch bệnh của nước ta cũng không thể tách biệt với tình hình dịch thế giới”, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích.

Trước sự gia tăng số ca mắc mới Covid-19, những ngày qua, trên mạng xã hội cũng lan truyền thông tin cho rằng, Việt Nam đã ghi nhận biến thể vi rút SARS-CoV-2 mới, độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần nên có tỷ lệ tử vong cao hơn. Điều này đã khiến không ít người hoang mang, lo lắng về một đợt dịch mới có nguy cơ bùng phát. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều khẳng định, đây chỉ là tin đồn nhảm với nhiều nội dung không chính xác.

Tăng cường giám sát biến thể mới của Covid-19.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, công tác giải trình tự gene vi rút SARS-CoV-2 vẫn được các đơn vị triển khai thường xuyên. Bên cạnh đó, các thông tin từ quốc tế về biến thể của vi rút luôn được cập nhật để các quốc gia cùng tham khảo.

“Hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam, biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế. Đến thời điểm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và trong nước cũng chưa ghi nhận các biến chủng khác”, GS.TS Phan Trọng Lân khẳng định.

Trong biến thể Omicron, các nhà khoa học trên thế giới cũng đã phát hiện ra hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Dù có đặc tính lây lan nhanh, nhưng hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc làm gia tăng ca nặng và tử vong.

“Dù hiệu quả của vắc xin Covid-19 còn hạn chế với biến thể Omicron, nhưng vẫn có hiệu quả phòng được ca bệnh nặng và nhập viện, tử vong. Tại Việt Nam, từ đầu tháng 4-2023 cho đến nay, tỷ lệ bệnh nhân nặng/số ca mắc thậm chí còn thấp hơn so với tháng 3-2023”, GS.TS Phan Trọng Lân thông tin.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cũng cho biết, dù số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội gia tăng trong thời gian qua nhưng không có sự đột biến cũng như có các chủng vi rút mới mang độc lực cao. Các biến chủng được phát hiện trên địa bàn đều trùng với những biến chủng đang ghi nhận trên thế giới.

Số ca bệnh tăng nhưng chưa phải bất thường

Cùng với sự gia tăng số ca mắc mới, thị trường test kít xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, các loại thuốc điều trị và dự phòng cũng sôi động trở lại. Chủ một cửa hàng thuốc tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, nhiều người chỉ có dấu hiệu ho, sổ mũi… đã tìm mua test xét nghiệm nhanh để kiểm tra xem có nhiễm Covid-19 hay không.

Tương tự, trên mạng xã hội, nhiều người đang rao bán kit test với giá hơn 10 nghìn đồng/chiếc, kèm theo cảnh báo “nếu không mua sớm thì chỉ vài hôm nữa giá sẽ tăng”.

Không chỉ test kit xét nghiệm, trên shop kinh doanh thuốc trực tuyến, nhiều mặt hàng như vitamin, thuốc điều trị, dự phòng Covid-19 cũng được rao bán nhiều. Chị Đỗ Hiền Trang (ở quận Long Biên, Hà Nội) đôn đáo nhờ bạn bè tìm mối mua thuốc “Liên Hoa Thanh Ôn” từng được cảnh báo nhập lậu từ Trung Quốc để tích trữ, dự phòng Covid-19. Sở dĩ có tâm lý như vậy là do chị đọc được những thông tin cảnh báo không chính thống được lan truyền trên mạng xã hội về đợt dịch lần này.


Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

Tuy nhiên, các chuyên gia tiếp tục cảnh báo không nên tùy tiện sử dụng những loại thuốc trôi nổi để tránh “tiền mất, tật mang”. Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) lưu ý, với các loại thuốc kháng vi rút, kể cả với Molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp phép cũng phải được sử dụng đúng đối tượng và thời gian. Do đó, người dân không nên tự ý mua các loại thuốc trôi nổi trên thị trường và không có sự tham khảo, chỉ định của bác sĩ.

Trước thực tế này, các chuyên gia khuyến cáo, người dân không chủ quan nhưng cũng không nên hoang mang, lo lắng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tiêm vắc xin Covid-19 phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

“Mục tiêu giai đoạn tới là giảm nhập viện, giảm ca nặng và tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế cũng như giữ vững thành quả chống dịch. Ngoài ra, người dân cần tiêm chủng đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, GS.TS Phan Trọng Lân nói.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo, người dân không nên hoang mang vì số ca Covid-19 gia tăng hiện nay chưa phải bất thường. Trên thế giới, làn sóng dịch vẫn giảm rồi lại tăng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần chủ động trong công tác phòng, chống bệnh. Còn người dân cần chú ý các vấn đề dự phòng như đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao như: Bệnh viện, nơi tập trung đông người, trên phương tiện công cộng…, đồng thời, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ...

Theo Hà Nội mới

Tin cùng dòng sự kiện