Kỷ niệm lần đầu lên Khuổi Khít

- Vượt qua con đường lầy lội, đầy những ổ trâu, ổ voi… chúng tôi đã đến được thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết (Yên Sơn). Chuyến đi giúp tôi gặp được người cán bộ thôn nhiệt tình, năng động và hiểu hơn về đời sống của đồng bào Mông.

Tác giả phỏng vấn người dân trong một lần tác nghiệp tại cơ sở.

Nói đến xã Kiến Thiết (Yên Sơn) là nói đến một xã vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có đồng bào Mông. Cách đây hơn 10 năm, khi còn là phóng viên của Phòng Chính trị - Xã hội, phụ trách địa bàn huyện Yên Sơn đã có vài lần tôi đến liên hệ làm việc và viết bài về xã Kiến Thiết. Nhưng các cô, chú, anh chị ở xã vẫn trêu tôi, đến Kiến Thiết mà chưa đến Khau Luông, Khau Làng, Khuổi Khít… thì chưa cảm nhận được hết cuộc sống của bà con nơi đây.

Vậy là sau bao ngày ấp ủ, tôi đã liên hệ với xã để vào thôn Khuổi Khít viết bài. Thôn có 100% đồng bào Mông sinh sống. Qua thông tin của Thường Đảng uỷ xã, tôi được biết đồng chí Bí thư Chi bộ thôn còn rất trẻ, năng động, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Anh cũng là người luôn nêu gương trong mọi hoạt động. Vì vậy luôn được bà con tin tưởng.

Đầu giờ chiều, tôi xuất phát từ thành phố Tuyên Quang vào xã, hơn 30km đường nhựa có ngoằn ngoèo đôi chút, nhưng tôi cũng chỉ đi mất khoảng 1h. Đồng chí Thường trực Đảng uỷ xã đã cử nữ cán bộ Văn phòng Đảng uỷ đi cùng, dẫn đường cho tôi. Được biết đường vào thôn chỉ khoảng 11 km, tôi chắc mẩm, chắc hai chị em đi nhanh thôi. Nhưng khác với suy nghĩ của tôi, 11km đó là đường đất, phải qua vài con suối, ngày nắng không sao, nhưng do mấy hôm trước có mưa nên dấu vết vẫn còn nguyện vẹn, đường lầy, trơn không thể đi nhanh được.

Theo sau xe em cán bộ Văn phòng Đảng uỷ xã, xe tôi lò dò, tay lái có lúc chông chênh, sợ chệch khỏi vết xe của những người đi trước là có thể bị ngã bất cứ lúc nào. Chầm chậm, rồi nhanh dần… cuối cùng hai chị em tôi cũng đến được thôn sau khi lên một con dốc gần như thẳng đứng. Đến nơi, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Khít Giàng Minh Phong cười tươi đón chúng tôi.

Nhấc ngụm nước chè anh Phong mới pha, tôi nhìn đồng hồ, giật mình khi mất đúng 1 giờ đồng hồ để hai chị em vào đến thôn. Sau đó tôi bắt đầu hỏi chuyện về đặc điểm, tình hình thôn Khuổi Khít. Tôi thật sự bất ngờ khi không cần sổ sách, anh Phong có thể trả lời vanh vách những câu hỏi của tôi về tình hình kinh tế - xã hội của thôn. Đặc biệt, tôi thực sự ấn tượng về anh, một cán bộ thôn nhiệt tình, năng động. Anh đã đưa chúng tôi đến thăm một số hộ trong thôn để trao đổi, phỏng vấn và chụp ảnh phục vụ cho bài viết. Tôi đã có được những bức ảnh ưng ý, trong đó có người phụ nữ Mông trong trang phục truyền thống rực rỡ.

Hai chị em tôi tạm biệt anh Phong và rời thôn Khuổi Khít khi trời đã xẩm tối. Trên đường về, dường như đã quen, bánh xe của tôi lăn nhanh hơn, tay lái cũng vững vàng hơn. Tạm biệt người dẫn đường, kết thúc một nửa ngày làm việc hiệu quả, tôi phóng xe từ xã về nhà. Hơn 7 giờ tối về đến nhà an toàn, lúc đó tôi mới biết, mọi người ở nhà đã gọi điện cho tôi nhưng không liên lạc được (vì ở thôn không có sóng vina phone). Vì vậy, chỉ về muộn hơn chút nữa thôi là gia đình tôi đã chuẩn bị đi tìm…

Sau bài viết của tôi về anh Phong và thôn Khuổi Khít, tôi còn được gặp anh tại Hội nghị biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của huyện. Điều đặc biệt hơn nữa là con gái anh, cháu Giàng Thị Hiền, lúc đó đang học tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện đã có lần tôi phỏng vấn để viết về gương học sinh nhiều năm liền là học sinh giỏi, hoạt động Đội năng nổ cũng được khen thưởng tại hội nghị. Vậy là niềm vui nhân đôi, chuyến đi của tôi thực sự ý nghĩa… Cảm ơn nghề báo, 20 năm qua đã cho tôi những trải nghiệm thú vị và nhiều kỷ niệm khó quên.

Huyền Linh

Tin cùng dòng sự kiện