Lấy con người làm trung tâm

- Chuyển đổi số là việc chuyển đổi của con người, chuyển đổi thói quen từ môi trường thực lên môi trường số. Vì vậy, việc lấy con người làm trung tâm, xây dựng con người số là yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số.

Giải quyết TTHC về đất đai cho người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Mỗi người dân đều tham gia chuyển đổi số

Chị Giàng Thị Vàng, thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) trước đây bị ảnh hưởng bởi quan niệm cũ “con gái không cần phải học nhiều”. Kể từ khi Khuổi Củng có internet, chị cũng tự sắm cho mình một chiếc điện thoại thông minh. Qua chiếc điện thoại, chị Vàng biết nhiều thứ bổ ích khác. Không những vậy, chị Vàng còn hướng dẫn các chị em khác trong thôn biết cả bán hàng trên mạng. Nhờ đó, chị Vàng được chị em bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn.

Anh Nguyễn Anh Đoàn là Luật sư từ Hà Nội có chuyến công tác lên xã vùng cao. Dọc đường lên anh cứ lo lắng mãi vì quên không mang tiền mặt, sợ không có tiền để tiêu. Lo lắng của anh Đoàn lại trở thành sự bất ngờ bởi từ chợ Yên Hoa, Đà Vị đến đâu, muốn mua gì anh đều có thể chuyển khoản, thậm chí nhiều nông sản anh mua không cần phải xách tay mang về, nếu muốn anh có thể được ship tận nhà. Sau chuyến đi vùng cao anh thừa nhận: khả năng tiếp nhận công nghệ thông tin của bà con vùng cao cũng chả kém gì vùng xuôi. 

Bà Nguyễn Thị Vui bán xôi buổi sáng ở đầu phố Trần Phú (TP Tuyên Quang) trước đây chỉ quen sử dụng điện thoại “cục gạch”. Gần đây, khách hàng “kêu” nhiều quá về chuyện thanh toán do không dùng tiền mặt nên bà đành phải sắm một cái điện thoại, đăng ký tài khoản ngân hàng. Vậy là trên cái sạp bán xôi nhỏ của bà cũng phải theo thời, có thêm cái mã QR để khách hàng thanh toán. Bà Vui thấy rất tiện lợi, nhất là không còn cảnh sáng sớm phải chạy đi đổi tiền lẻ trả lại khách.

Công an huyện Yên Sơn hướng dẫn người dân xã Phúc Ninh tìm hiểu tiện ích của tài khoản định danh điện tử.

Có thể nói hiện nay, mỗi tổ chức, một cá nhân đều nằm trong “vòng xoáy” của công nghệ thông tin, ngay cả những cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, thậm chí là người không biết chữ như chị Vàng cũng đã được hưởng thụ những giá trị của công nghệ thông tin mang lại. Điều đó cũng cho thấy, bản thân mỗi người đều phải tự tiếp nhận, tự thích ứng để theo kịp xu thế. Vì vậy, tự thân mỗi người dân hiện nay đã trở thành con người số.

Tuy nhiên việc xây dựng con người số hay công dân số cần hơn nhiều những gì chị Vàng đã biết. Việc xây dựng con người số phải là khả năng truy cập nguồn thông tin số; khả năng giao tiếp trong môi trường số; kỹ năng số cơ bản; mua bán hàng trên mạng; chuẩn mực đạo đức trong môi trường số; bảo vệ thể chất, tâm lý trước ảnh hưởng từ môi trường số; quyền, trách nhiệm trong môi trường số; định danh, xác thực, dữ liệu cá nhân; quyền riêng tư trong môi trường số...

Xây dựng công dân số

Thời gian qua, với sự tập trung đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông của tỉnh đáp ứng tương đối tốt nhu cầu sử dụng phục vụ chuyển đổi số của người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 1.294 vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng BTS đang hoạt động, đảm bảo gần 100% các thôn, bản, tổ nhân dân được phủ sóng điện thoại di động, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), cơ sở dữ liệu về dân cư trên địa bàn tỉnh dần được hoàn thiện và đưa vào khai thác phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội. Đến nay, Công an tỉnh đã cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử đạt gần 100% số người cần cấp. Đa số người dân đã được kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Chị Giàng Thị Vàng, thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập sử dụng điện thoại thông minh.

Thông qua nguồn cơ sở dữ liệu về dân cư được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác đã thúc đẩy triển khai các nhóm tiện ích nhằm hình thành công dân số, hoàn chỉnh hệ sinh thái số và phát huy nguồn tài nguyên số về dân cư. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái số phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Hệ thống thông tin của tỉnh đã kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác, sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Nhiều đơn vị, cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức thanh toán điện tử thay bằng thanh toán trực tiếp. Ngay cả tại các chợ truyền thống, tỉ lệ người dân mua hàng thực hiện thanh toán điện tử cũng ngày càng tăng. Hầu hết các cơ sở kinh doanh cố định đều chấp nhận thanh toán điện tử, trong đó nhiều cơ sở tạo mã QR nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng khi thanh toán điện tử. Không chỉ chuyển đổi số trong thanh toán, tiêu dùng, nhiều ứng dụng số được triển khai trong các lĩnh vực thiết yếu như: Y tế, giáo dục giúp người dân thay đổi cách tiếp cận và góp phần hình thành những công dân số.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều hình thức, chia sẻ các nội dung, sáng kiến, cách làm hay về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Báo Tuyên Quang, Chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang. UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh bồi dưỡng tập huấn về chuyển đổi số, sử dụng các kỹ năng số cho các cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh tới cấp xã, các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng các cấp. Trong 8 tháng đầu năm Sở đã tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng cho hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Qua đó, giúp mỗi thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thành thạo các bước cài đặt, hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về nền tảng số, công nghệ số để lan tỏa, hướng dẫn đến người dân.

Có thể nói chuyển đổi số lấy con người làm trung tâm. Vì vậy từng cán bộ, công chức, viên chức, từng người dân trong tỉnh xác định tâm thế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành “công dân số”, sẵn sàng và tích cực tương tác, làm việc trên môi trường số, phát huy hiệu quả nền tảng số, dữ liệu số, góp phần vào thành công công cuộc chuyển đổi số và đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng dòng sự kiện