Từ thực tiễn kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, chỉ đạo của Tổng Bí thư cần được thấm sâu vào từng cấp ủy Đảng và cán bộ, đảng viên để loại bỏ ngay tư tưởng bàn lùi.
Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần phân tích, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có “quá mạnh” hay chưa? Câu trả lời là tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy lùi, nhưng vẫn còn nhức nhối, diễn biến phức tạp.
Bằng chứng là sau nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn được đưa ra ánh sáng; nhiều cán bộ, kể cả cao cấp phải chịu những hình phạt thích đáng trước pháp luật; nhưng những vụ án mới vẫn xuất hiện với quy mô, tính chất thậm chí còn lớn hơn như các vụ án vẫn còn “nóng” trong dư luận: Vụ Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm tỉnh, thành phố... Điều đó cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không những cần được duy trì mà còn phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, đồng thời là điều mà cử tri và nhân dân mong đợi, yêu cầu. Tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội trước và sau kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, cử tri nhiều nơi trên cả nước đề nghị Trung ương phải tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ; nhiều ý kiến còn đề nghị tăng khung hình phạt đối với các hành vi tham nhũng.
Vì vậy, tư tưởng bàn lùi chắc chắn không phải là “lòng dân” và đương nhiên không phải là “ý Đảng”. Cho nên, không những phải loại bỏ tư tưởng bàn lùi, mà chúng ta còn phải bàn tiến, đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Để làm được điều đó, trước hết, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm khắc phục triệt để tình trạng nhận thức mơ hồ, méo mó, lệch lạc trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên về quan điểm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Các cấp ủy tổ chức Đảng cần tổ chức nghiêm túc việc nghiên cứu, học tập tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Đây là cẩm nang hội tụ những giá trị sâu sắc, thuyết phục về lý luận và thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Nghiên cứu tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, đảng viên được trang bị nhận thức đúng đắn và bản lĩnh chính trị để hành động tự tin, trách nhiệm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước mắt và lâu dài.
Đồng thời, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 9-11-2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả; đồng thời, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; xây dựng văn hóa liêm chính... Tất cả phải hướng tới mục tiêu để hình thành cơ chế mà trong đó cán bộ không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng.
Hoàng Bách
(Theo Báo Hà Nội mới)
Gửi phản hồi
In bài viết