Tạo giá trị mới từ các sản phẩm OCOP

- Sau 3 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh ta hiện có 128 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, gắn sao. Trong đó, có 33 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.

Cây hương nhu từ lâu đời đã được biết đến là loại dược liệu quý. Nắm bắt được nghề chưng cất tinh dầu hương nhu còn khá mới mẻ ở địa phương, chị Bùi Thị Thùy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh  (Sơn Dương) đã mạnh dạn đi đầu thực hiện. Tận dụng lợi thế đất gò đồi, chị Thùy và các thành viên HTX đã trồng vùng nguyên liệu hơn 10 ha, đầu tư dây chuyền máy móc sản xuất sản phẩm tinh dầu hương nhu. Tuy nhiên, để phát triển, đưa sản phẩm đa dạng về quy cách, mẫu mã và đến với người tiêu dùng ngày càng nhiều là điều trăn trở của chính quyền cũng như người sản xuất tinh dầu hương nhu nhiều năm qua. 

Sản phẩm tinh dầu hương nhu đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Chị Thùy cho biết, năm 2021, HTX tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP và sản phẩm tinh dầu hương nhu đạt tiêu chuẩn 3 sao. Từ Chương trình OCOP, sản phẩm của HTX có thương hiệu, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Hiện, sản phẩm đang phân phối cho các công ty dược liệu, cơ sở kinh doanh tinh dầu trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc… Các sản phẩm tinh dầu của HTX làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, đa phần làm không đủ đơn đặt hàng vì nguồn nguyên liệu còn ít. Để giữ vững thị trường, trong thời gian tới HTX sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ, máy móc để nâng cao chất lượng, mẫu mã khẳng định thương hiệu cho sản phẩm.

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào Chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP, thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Đây còn là tấm vé thông hành để vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Cùng với tinh dầu hương nhu nhiều sản phẩm OCOP tỉnh được khách hàng đánh giá cao, lựa chọn tin dùng, đạt tăng trưởng, doanh thu cao hơn từ 10-25% so với trước, như: Trà Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy, Trà cà gai leo Hợp Hòa, cam sành Hàm Yên, mật ong hương rừng Phong Thổ, chè Shan tuyết Hồng Thái...

Trưng bày, giới thiệu trà Long Đài đạt chuẩn OCOP 4 sao tại Lễ công bố nông thôn mới xã Hợp Thành cuối tháng 6-2022.

Anh Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) chia sẻ, trước đây, HTX đã sản xuất ra sản phẩm rất chất lượng nhưng chưa được nhiều người biết đến. Sau khi tham gia OCOP, các sản phẩm Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá và Chè Shan Tuyết Hồng Thái Lộc Trà đạt 4 sao, Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 2 lá đạt 3 sao, được tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì, nhãn mác. HTX được tham dự nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm qua các kênh bán hàng Online được HTX chú trọng đẩy mạnh, qua đó đã từng bước tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, HTX  tiêu thụ được hơn 8 tấn chè khô, doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, năm 2022 tỉnh phấn đấu phát triển mới 51 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; nâng hạng sao cho 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; củng cố, nâng cao chất lượng cho sản phẩm đã được công nhận; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; phấn đấu 30% sản lượng nông sản của các hộ sản xuất nông nghiệp (đã có tài khoản bán hàng/gian hàng) được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử...

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Để đạt mục tiêu trên, ngay từ năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch “Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025”. Kế hoạch xác định hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của địa phương, đảm bảo theo chỉ đạo của Trung ương. Từ đó, tỉnh ban hành nhiều nghị quyết có liên quan nhằm thúc đẩy chương trình sản phẩm OCOP. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện môi trường thuận lợi, hỗ trợ cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đồng thời thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn mở rộng quy mô phát triển sản xuất, chế biến theo quy trình tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới xuất khẩu. Tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật, công nghệ, quảng bá sản phẩm OCOP.

Bà Ngô Tuyết Nhung, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, qua Chương trình OCOP, các sản vật của Tuyên Quang ngày càng được chắp cánh bay xa, nâng tầm giá trị. Sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế mỗi huyện, mỗi xã. Đồng thời, giúp nông dân giải quyết những vấn đề căn cơ trong giải pháp thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Nhằm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay, công tác tuyên truyền quảng bá về chương trình cần tiếp tục được chú trọng để nâng cao nhận thức của người dân về phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, từng bước tiến tới xuất khẩu.

Lý Thu

Tin cùng dòng sự kiện