Xây dựng sản phẩm OCOP từ tinh dầu hương nhu

- Gần 2 năm triển khai mô hình liên kết giữa Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh với nông dân xã Tú Thịnh (Sơn Dương) trồng và chiết xuất tinh dầu hương nhu đã cho hiệu quả cao gấp 3 - 4  lần so với trồng ngô, sắn, mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới, tăng thu nhập cho nông dân địa phương. Hiện, sản phẩm đang trong quá trình xét công nhận đạt OCOP 3 sao.

Cây hương nhu được trồng ở thôn Đông Thịnh, xã Tú Thịnh từ năm 2000. Nhận thấy địa phương còn nhiều đất trống, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh đã triển khai mô hình trồng cây dược liệu hương nhu, sản xuất tinh dầu, phát triển kinh tế cho bà con địa phương.   

Chị Bùi Thị Thúy, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh kiểm tra
chất lượng cây hương nhu chuẩn bị thu hoạch.

Chị Bùi Thị Thúy, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh cho biết, cây hương nhu dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít mà hiệu quả kinh tế cao, nếu chăm sóc tốt, sau 6 tháng trồng sẽ cho thu hoạch và có thể thu 3 lứa/năm và thu hoạch liên tục từ 4 - 5 năm với năng suất bình quân đạt 10 tấn/lứa/ha. Hiện, hợp tác xã có 8 ha hương nhu đang cho thu hoạch.

Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, hợp tác xã đầu tư xây dựng nồi chưng cất tinh dầu hương nhu.  Trung bình 1 tấn nguyên liệu, qua chưng cất thu được từ 3,5 - 4 lít tinh dầu, với giá bán 2,1 triệu đồng/1 lít. Doanh thu mỗi ha đạt 115 - 135 triệu đồng/năm. Sản phẩm tinh dầu hương nhu của hợp tác xã phân phối cho các công ty dược liệu, cơ sở kinh doanh tinh dầu trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc. Các sản phẩm tinh dầu của hợp tác xã làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, đa phần làm không đủ đơn đặt hàng vì nguồn nguyên liệu còn ít. Do vậy, năm 2021, hợp tác xã sẽ trồng mới 4 ha.

Chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Đông Thịnh, xã Tú Thịnh cho biết, gia đình có 3,5 ha đất trồng cây ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy trồng cây hương nhu thu nhập cao hơn cây ngô, sắn, cuối năm 2019 chị Thủy đã tham gia hợp tác xã và trồng cây hương nhu trên 3,5 ha đất đồi. Mỗi năm thu hoạch 3 lứa, mỗi lứa đạt trên 10 tấn nguyên liệu/ha, qua chưng cất thu được 40 lít tinh dầu, với giá 2,1 triệu đồng/lít, chị Thủy thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. Năm nay, gia đình tiếp tục mở rộng thêm 0,5 ha đất đồi trồng cây hương nhu.
Đồng chí Lương Văn Thuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Thịnh cho biết, đây là sản phẩm tiềm năng, lợi thế của địa phương để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Năm 2020, sản phẩm tinh dầu hương nhu đã được cấp mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu.  Hiện, hợp tác xã đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm tinh dầu hương nhu đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình này, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, mô hình chế biến tinh dầu hương nhu của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh hàng hóa, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Mô hình liên kết sản xuất cũng sẽ mở ra hướng đi mới cho nông dân trong huyện.

Huyện Sơn Dương hiện có hơn 30 ha cây dược liệu như hương nhu, sả, đinh lăng, sa chi… Mặc dù hiệu quả kinh tế của các loại cây này cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác nhưng địa phương vẫn từng bước mở rộng diện tích, khuyến khích bà con chuyển đổi trên những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, đất hoang, tránh tình trạng phát triển nóng.

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng dòng sự kiện