Một lòng theo Đảng

- Dành cả tuổi trẻ, thanh xuân để chiến đấu anh dũng bảo vệ Tổ quốc, khi đã ngoài 90 tuổi, ông Phạm Huy Sắc, tổ 21, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) - một cựu chiến binh tham gia 3 cuộc chiến tranh bảo vệ mảnh đất hình chữ S thiêng liêng. Trong đó, ông là lính bộ binh mở cửa đồi A1 trong trận đánh Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ông luôn nhớ về những tháng năm máu và hoa, nhắc nhở con cháu “khép lại quá khứ nhưng không bao giờ được quên quá khứ”.

Ký ức đồi A1

 Ông Phạm Huy Sắc.

Cựu chiến binh Phạm Huy Sắc nay tuổi cao sức khỏe đã yếu thế nhưng thần thái vẫn luôn toát lên niềm tự hào khi nhớ về những năm tháng thanh xuân đầy hào hùng ấy.

Ông Sắc sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó tại tỉnh Hải Dương. Nhà đông con, nghèo đói cùng cực, bởi người cha mất sớm, quê nhà giặc giã hoành hành. Từng chứng kiến anh trai bị giặc Pháp bắn và bị chôn tập thể ngay tại quê nhà, lòng căm thù giặc của ông ngày càng lớn, ông càng nuôi ý chí phải ra đi, góp sức mình giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Ban đầu, ông tham gia du kích tại địa phương, năm 1952, ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến dịch Hòa Bình. Ông Sắc chia sẻ, chiến dịch tiến công Hòa Bình là chiến dịch lần đầu tiên quân đội ta tiến công vào quân địch phòng ngự tập đoàn cứ điểm. Chiến dịch Hòa Bình đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1951 - 1952, quân ta đã phá tan âm mưu địch đánh chiếm vùng tự do Hòa Bình, giành lại quyền chủ động chiến lược và chiến dịch trên chiến trường Bắc Bộ.

Trong diễn biến dồn dập, liên tiếp của các chiến dịch, cùng Trung đoàn 174, ông và đồng đội tham gia từ chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 đến chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ông kể rằng, với vai trò là Tiểu đội phó, chỉ huy đội cảm tử quân 12 người, nhiệm vụ trực tiếp cầm súng chiến đấu, đào hầm từ chân đồi A1 vào trung tâm đầu não chỉ huy để đặt khối thuốc nổ gần 1 tấn, khi kích nổ sẽ là hiệu lệnh tổng tấn công.

Đồi A1 lúc đó là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. A1 thuộc dãy đồi phía Đông cùng với C1, C2, D và E tạo thành bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm. Đó là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn biến với 56 ngày đêm thì trận đánh tại đồi A1 diễn biến với 39 ngày đêm. Trải qua 39 ngày đêm chiến đấu với biết bao khó khăn gian khổ. Ông Sắc bồi hồi nhớ lại, ban ngày chiến đấu ác liệt, quân ta tổn thất không nhỏ, nhiều chiến sỹ trong Trung đoàn hy sinh không lấy được xác. Ban đêm, bên cạnh nhiệm vụ đào hầm, hào thì các chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng đó là tìm thi thể đồng đội mình.

Ông chia sẻ: “Cả quân ta và quân địch đều bị tổn thất nhiều, xác chết chồng chất, lẫn lộn. Trong đêm tối, không nhìn thấy gì, anh em chúng tôi phải lấy tay sờ từng bộ phận trên thi thể để nhận dạng đồng đội mình theo kích thước, ngoại hình (trang phục, tóc, mũi...). Lính Pháp thì cơ thể to lớn, nhiều lông tay, lông chân, mũi cao còn đồng đội mình thì người nhỏ bé, gầy gò hơn. Mỗi đêm làm nhiệm vụ, anh em bị ám ảnh bởi sự xót thương đồng đội. Thế nhưng đó cũng là động lực để chiến đấu, thực hiện mọi nhiệm vụ được giao”.

Ông Phạm Huy Sắc nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Ban đêm, ông và đồng đội nhận lệnh đào hầm từ chân đồi A1 vào trung tâm của Đồi. Mọi hoạt động đều diễn ra bí mật vào ban đêm. Có lúc đào bằng linh cảm, trực giác, niềm tin của người lính trong màn đêm tối đen. Ông bảo: “Trong khí thế chiến đấu hừng hực đó, tôi và đồng đội quên ăn quên ngủ để thực hiện thật nhanh chóng nhiệm vụ quan trọng này”. Nhiệm vụ đào hầm hoàn thành, khối thuốc nổ gần 1 tấn được đặt đúng vị trí góp phần lớn vào thực hiện thành công bước tiếp theo trong cuộc chiến đấu, tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch, ông bị thương, nhiều mảnh đạn pháo hiện vẫn còn trong cơ thể, tai ông bị điếc một bên. Thế nhưng lúc đó và mãi về sau này, khi nhiều người thắc mắc tại sao ông không làm hồ sơ hưởng chế độ bệnh binh, ông nghiêm nghị bảo: “Với tôi được sống sót trở về là một kỳ tích, may mắn hơn nhiều so với đồng đội đã hy sinh, nằm lại chiến trường. Tôi không cần gì hơn nữa, chỉ cần đất nước hòa bình được trở về bên gia đình yêu thương là đủ rồi”.

Vững vàng trái tim người lính

 Ngay sau chiến dịch, ông được nhận Huy hiệu chiến sỹ Điện Biên và được tặng liên tiếp Huân chương Chiến sỹ hạng Ba, Huân chương Chiến sỹ hạng Nhì do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký. Ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào đúng ngày 
10-10-1954. 

“Đó là dấu mốc quan trọng đối với cuộc đời những người lính trên chiến trường như tôi. Khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, chúng tôi mang theo niềm tự hào, trách nhiệm trong mỗi trận đánh, mỗi bước đường hành quân. Cũng từ giây phút đó, tôi đã nguyện suốt đời đi theo lý tưởng của Đảng, theo Bác Hồ kính yêu” - ông Sắc nhớ lại.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, ông được phục viên trở về quê hương. Chiến sỹ Phạm Huy Sắc đã nên duyên với cô gái thanh niên người Hà Nội có tên là Phùng Thị Đức. Hai người nên duyên vợ chồng cùng lên Tuyên Quang công tác. Bà Đức là người vợ tần tảo chịu thương, chịu khó, chăm chồng, yêu con, động viên chồng vượt qua bao khó khăn, gian khổ.

Huân chương Chiến sỹ hạng Ba của ông Phạm Huy Sắc do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký.

Đến năm 1965, khi Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc, với ý chí quả cảm, tinh thần người lính Cụ Hồ, ông Phạm Huy Sắc tiếp tục xung phong lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị - một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ. 

Sau khi thống nhất đất nước, năm 1975, ông được về công tác tại Cục Quân khí Quân khu 2 với nhiệm vụ sản xuất, bảo quản vũ khí trang thiết bị kỹ thuật. Đây là nhiệm vụ tuyến sau nhưng vô cùng quan trọng, góp phần vào chiến thắng quân bành trướng phía Bắc và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.

Tham gia chiến đấu dũng cảm qua 3 cuộc chiến tranh, bản lĩnh người lính Cụ Hồ vẫn luôn kiên cường, bất khuất trong trái tim người lính. Trở về hòa bình, ông Sắc là một cán bộ, chỉ huy liêm khiết, trách nhiệm với chức vụ Trưởng Ban Chính trị xưởng X78, Cục Kỹ thuật thuộc Quân khu 2.

Hai vợ chồng ông bà có 6 người con. Đại gia đình ông hiện có 9 đảng viên, các con cháu đều phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ. Trong đó có 11 người con, người cháu đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, đi lại được nhiều, ông tích cực tham gia hoạt động tại địa phương như tham gia viết hồi ký, đến các trường học kể chuyện lịch sử cho thế hệ trẻ… Giờ đây sức khỏe giảm sút hai ông bà vui vầy tuổi già bên con cháu và kể cho các cháu nghe cuộc chiến đầy đau thương, anh dũng mà ông và đồng đội đã đi qua.

Ông bảo rằng: “Tôi kể lại không phải để khơi lại mất mát, đau thương của chiến tranh bởi quá khứ nên khép lại để hướng tới tương lai. Tuy nhiên, tôi vẫn nhắc nhở cháu con, nhắc nhở thế hệ sau rằng, khép lại quá khứ nhưng tuyệt đối không được quên quá khứ, không được quên máu xương của bao người đã nằm xuống trên mảnh đất hình chữ S. Từ đó có trách nhiệm hơn với quê hương, với đất nước”.

Giang Lam

Tin cùng dòng sự kiện