Ngăn chặn “chạy khen thưởng”

Do sùng bái chủ nghĩa hình thức, cùng những toan tính khác, công tác khen thưởng có lúc, có nơi đã bị lợi dụng, là bình phong cho cá nhân, tập thể đánh bóng uy tín, đi ngược lại với mục đích, ý nghĩa mà Luật Thi đua, khen thưởng đặt ra.

Khen thưởng là một hình thức động viên, khuyến khích tập thể, cá nhân tích cực tham gia vào phong trào thi đua yêu nước, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khen thưởng giúp lan tỏa người tốt, việc tốt, nhân lên những nhân tố tích cực trong xã hội để cái tốt, cái tích cực đơm hoa kết trái, bài trừ cái lỗi thời lạc hậu, ngăn chặn cái xấu phát tác làm băng hoại đạo đức. Nghiên cứu kỹ Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành cho thấy, khen thưởng có nhiều hình thức, nhiều mức khác nhau và mang tính kế thừa theo từng giai đoạn rất rõ ràng. Song đều tựu lại là nếu không thật tâm làm việc, không thật tâm cống hiến thì sẽ không có các kết quả, thành tích để được xem xét khen thưởng.

Không ít chuyên gia cho rằng, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương rất coi trọng công tác thi đua, khen thưởng nên đã có những hướng dẫn, chỉ đạo lấy thành tích, khen thưởng làm động lực phấn đấu cho các cá nhân, từ những việc như để được xét vào biên chế, thăng cấp, thăng chức... Với tập thể, việc khen thưởng đã làm giàu hơn thành tích, truyền thống, từ đó tạo ra thế và lực mới, qua đó có thể cạnh tranh hiệu quả hơn, thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội và dư luận. Việc ấy giúp cơ quan, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp thu được nhiều lợi ích về kinh tế.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, vì ham thành tích, ham uy tín, nhiều cá nhân, tập thể đã “nặn” ra thành tích, “làm ít suýt ra nhiều” để đề nghị được khen thưởng. Nhiều tập thể tổ chức phong trào thi đua “lấy vì”, có “phát” nhưng không “động” mà vẫn đề nghị khen thưởng... Thực tế cho thấy, một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã cố tình quyết định hoặc đề xuất các mức khen thưởng không đúng đối tượng. Phổ biến là vào các năm kỷ niệm chẵn tròn, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã “hợp lý hóa” các tiêu chí trong quy định của luật, nghị định về thi đua, khen thưởng để được xin tặng bằng khen và đề nghị khen ở mức

cao hơn. Những tổ chức, doanh nghiệp ngoài công lập cũng tranh thủ các mối quan hệ để được đề nghị khen thưởng các hình thức khác nhau. Điển hình là việc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á được tặng Huân chương Lao động hạng Ba rồi ngay sau đó lộ “chân tướng” là doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Đáng lưu ý là, nhiều cá nhân ở các bộ, ngành, địa phương liên quan đến vụ việc cũng được khen thưởng các hình thức khác nhau. Đây là những hiện tượng đáng lên án, bởi gây ra nhiều bức xúc và làm giảm niềm tin của xã hội vào công tác thi đua, khen thưởng của Đảng và Nhà nước.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống. Trong đó nội dung thứ bốn liên quan đến vấn đề khen thưởng đã chỉ rõ: “Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”...

Để ngăn chặn hiện tượng khen thưởng không đúng đối tượng, vấn đề đặt ra là các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quán triệt, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước với các tiêu chí cụ thể, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị. Đánh giá chính xác chất lượng thi đua của cá nhân, tập thể theo từng thời điểm, từng giai đoạn. Cần loại bỏ ngay tư duy xây dựng điển hình tiên tiến, khen thưởng theo cảm tính, yêu thì khen, khen bằng mọi giá; ghét thì không khen, cho dù tốt cũng không đưa vào khen thưởng.

Cần làm tốt công tác kiểm tra, thẩm tra thành tích của đối tượng được đề nghị khen thưởng theo đúng tiêu chí để ngăn chặn những hành vi tô vẽ thành tích, “báo cáo láo”. Cần phát hiện kịp thời và xử lý ngay những cán bộ làm công tác khen thưởng có biểu hiện bao che, giúp sức dẫn đến đề xuất khen thưởng không đúng đối tượng, gây bức xúc trong dư luận. Bởi theo dõi vụ việc trao thưởng cho Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thì nhận thấy, doanh nghiệp này không tổ chức phong trào thi đua yêu nước một cách bài bản theo đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, nhưng vẫn được các cơ quan chức năng trình khen thưởng, chỉ vì kết quả nghiên cứu ra sản phẩm khoa học đầu tiên, có “tiếng vang” lớn trong xã hội.

Trước thực tế tình trạng “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung vào văn bản quy phạm pháp luật những nội dung và biện pháp thu hồi quyết định khen thưởng, đánh giá trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan nếu phát hiện thấy đối tượng được khen thưởng có các biểu hiện gian dối, cố tình tô vẽ thành tích...

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước phát triển không ngừng, gắn liền với sự phồn vinh của dân tộc. Phong trào thi đua đã bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu... Đương nhiên, việc thi đua phải gắn chặt với đánh giá, khen thưởng. Nếu làm tốt được việc khen thưởng đúng đối tượng, khen đúng thành tích, đúng việc thì sẽ có hiệu ứng và sức lan tỏa lớn lao.

Thế nên, cần ngăn chặn kịp thời những hành vi lợi dụng khen thưởng để vụ lợi. Đó cũng là giải pháp quan trọng để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nói một cách khác, khen thưởng đúng sẽ nhân lòng yêu nước lên gấp bội và qua đó thúc đẩy từng cơ quan, đơn vị, rộng hơn là cả đất nước ngày càng phát triển, tiến bộ.

Theo Báo Hà Nội Mới điện tử

Tin cùng dòng sự kiện