Ngày 28/4/1975: Tổng công kích đợt 2 Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu

Ngày 28/4/1975, Bộ Chính trị gửi điện nhiệt liệt khen ngợi toàn thể các đơn vị lập được những chiến công lớn trong những ngày qua. Tổng công kích đợt 2 Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.

Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

22 giờ ngày 28/4/1975, Bộ Chính trị gửi điện “nhiệt liệt khen ngợi toàn thể các đơn vị lập được những chiến công lớn trong những ngày qua”, và kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên thanh niên nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với khí thế hùng mạnh của một quân đội trăm trận trăm thắng, đập tan mọi sức đề kháng của địch, kết hợp tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn-Gia Định.

Hướng đông, mũi Sư đoàn 325, sáng 28/4/1975, Trung đoàn 46 dẫn đầu đội hình Sư đoàn tiến quân theo đường từ Long Thành vào Nhơn Trạch, liên tiếp tiêu diệt các cụm phòng ngự của địch ở Bến Sáng, Phú Hội, Long Tân, quét sạch các tổ chức kìm kẹp của địch ở các thôn, xã dọc Đường 25.

Chiều cùng ngày, được xe tăng và pháo binh chi viện, Trung đoàn tiến công và làm chủ quận lỵ Nhơn Trạch. Sư đoàn đánh bại các đợt phản kích của địch ở khu vực Nhơn Trạch, tạo điều kiện cho pháo binh Quân đoàn vào chiếm lĩnh trận địa bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Bộ đội pháo binh và các lực lượng phía sau của Sư đoàn 325 liên tục đánh trả các cuộc phản kích của bộ binh và hải quân địch từ căn cứ Cát Lái theo sông lạch tiến ra. Ở khu vực Long Tân-Phú Hội, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất. Nhiều trận giáp chiến đã diễn ra trong các vườn cây, các vạt ruộng ngập nước. Tới 15 giờ, Trung đoàn 101 vận động lên phối hợp truy kích quét sạch quân địch.

Đêm 28/4/1975, các khẩu đội pháo tầm xa 130 của Lữ đoàn 164 tiến vào Nhơn Trạch tổ chức trận địa bắn, chuẩn bị đánh sân bay Tân Sơn Nhất và mục tiêu trong thành phố. Pháo lớn của Trung đoàn 84 pháo binh, pháo cao xạ 37 và 57 của Tiểu đoàn 120 và Tiểu đoàn 75 vào Nhơn Trạch, chuẩn bị sẵn sàng đánh phá thành Tuy Hạ, căn cứ hải quân Cát Lái, cảng Sài Gòn..., săn diệt tàu địch trên sông Lòng Tàu, sông Đồng Nai, cắt đứt đường thủy từ Sài Gòn ra biển và sẵn sàng đánh máy bay địch, bảo vệ đội hình tiến công của Sư đoàn 325.

Hướng đông nam, ngày 28/4/1975, Sư đoàn 341 sử dụng Trung đoàn Pháo binh 55 kiềm chế các trận địa pháo binh địch, Tiểu đoàn Bộ binh 7 được tăng cường bốn xe tăng phối hợp Tiểu đoàn 4 đột phá vào Hố Nai, nhưng bị địch ngăn chặn quyết liệt phải dừng lại tổ chức đột phá, đến chiều ngày 28 tháng 4 bộ đội ta mới vào đến ấp Hố Nai 1. Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra ngay trong trung tâm thị trấn.

Quân địch dựa vào các công sự và chướng ngại điên cuồng chống trả, bộ đội ta lại phải vừa chiến đấu diệt địch, vừa bảo vệ dân nên các mũi tiến công phát triển chậm. Sư đoàn 6, do không đánh trúng mục tiêu, để địch co cụm về Long Lạc-Hố Nai. Sư đoàn 7 cùng Lữ đoàn 52 tiến theo đội hình Sư đoàn 6, bố trí ở Nam Lộ 1 chuẩn bị làm lực lượng thọc sâu của Quân đoàn.

Trên các hướng này, đêm 28 rạng ngày 29/4/1975, Z24 biệt động đánh chiếm cầu Rạch Bà, ấp Long Xuyên và giữ cầu. Trước tình hình phát triển thuận lợi, Z19 cướp tàu địch tiến vào cảng Rạch Dừa... Sau đó Z24 và Z29 cùng với Sư đoàn 3 và Thị đội Vũng Tàu đánh chiếm khu ra đa Núi Lớn, phát động quần chúng ở các ấp xã chung quanh truy quét địch, giải phóng toàn bộ Vũng Tàu.

Hướng bắc, 17 giờ ngày 28/4/1975, được sự chi viện của pháo cối, một bộ phận Trung đoàn 27 Sư đoàn 320B tiến công địch ở khu vực dốc Bà Nghĩa. Sau 3 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, khống chế đoạn đường từ dốc Bà Nghĩa về Bình Cơ. Sau đó, đơn vị tiếp tục luồn về Lái Thiêu. Đến ngày 28/4/1975, Sư đoàn 320B cơ động về đứng chân tại bắc Bình Chuẩn 7km, chưa vào đến tuyến trung gian như đã quy định. Cùng thời gian này, lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một phối hợp giải phóng tây nam Bến Cát, tây nam Tân Uyên. Trong lúc đó, Sư đoàn 312 bao vây Phú Lợi, chốt Đường 13, chặn Sư đoàn 5 Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 27 và 28/4/1975, Trung đoàn 113 Đặc công cùng với một tiểu đoàn của Trung đoàn Gia Định chiếm cầu Bình Phước, làm chủ xa lộ Đại Hàn đoạn từ cầu Bình Phước đến Quán Tre; Trung đoàn 116 chiếm cầu xa lộ Biên Hòa. Đoàn 10 Rừng Sác đánh đồn bảo an Phước Khánh, bắn ĐKB vào cảng Nhà Bè; ngày 30 chiếm cảng Nhà Bè, thu 126 tàu các loại.

Ngày 28/4/1975, Đại đội 40 (Đoàn 116) đánh chiếm cầu Bến Gỗ (Cát Lái). Đoàn 10 Đặc công tập kích đồn Phước Khánh, Nhơn Trạch, tổ chức một bộ phận vượt sông đánh vào cảng hải quân nhưng không thành công.

Hướng tây và tây nam, chiều 28/4/1975, pháo binh chiến dịch ở Hiếu Liêm bắn phá làm tê liệt sân bay Biên Hòa, Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa phải chuyển về Gò Vấp. Các đơn vị của Đoàn 232 tiến công vào tuyến phòng thủ trực tiếp thành phố Sài Gòn, đánh chiếm một số mục tiêu, cắt mọi đường giao thông thủy, bộ, triệt để cô lập Sài Gòn. Sư đoàn 5 cắt đứt hoàn toàn Quốc lộ 4 đoạn từ Bến Lức đến Long An.

Đến cuối ngày 28/4/1975, Sư đoàn 9 bộ binh và một số đơn vị binh khí kỹ thuật đã vượt sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Bầu Cong, Mỹ Hạnh và Đức Hòa. Các trung đoàn 24 và 88 đánh chiếm các căn cứ mở rộng khu vực đứng chân phía bắc Cần Giuộc và làm chủ Đường số 5, chuẩn bị tiến vào nam Sài Gòn.

Hướng tây bắc, 9 giờ sáng 28/4/1975, Trung đoàn 174 Sư đoàn 316 đánh tan 1 tiểu đoàn địch từ Đồng Dù, Củ Chi lên giải tỏa cho Phước Mỹ, Trung Hưng, rồi đánh chiếm đồn bảo an Cây Chôm, sau đó đánh tan tiếp 1 tiểu đoàn địch từ Phước Mỹ ra phản kích.

Chiều 28/4/1975, Trung đoàn 149 bao vây Trảng Bàng, đánh lui 1 tiểu đoàn địch ra định giải vây và tiêu diệt các khu kế cận đồn, các cụm bảo an, dân vệ cùng các hỏa điểm lẻ của địch. Tới 16 giờ, ta vây chặt Sở Chỉ huy chi khu Trảng Bàng. Đêm 28/4/1975, Trung đoàn 149 đánh bật địch tại cầu Trảng Chùa (đông Trảng Bàng).

Cùng ngày 28/4/1975, tại Bầu Nâu, Trà Võ, Trung đoàn 148 đánh chiếm cầu Cam, vây chặt và pháo kích Bầu Nâu, Trà Võ, Bến Kéo, Bến Mương.

Đêm 28/4/1975, theo đúng kế hoạch hiệp đồng, các chiến sĩ Trung đoàn đặc công 198 và Trung đoàn 64 Sư đoàn 10 nhanh chóng tiến về cầu Bông, cầu Sáng, chiếm lĩnh trận địa bí mật, an toàn, đúng thời gian quy định.

16 giờ 40 phút ngày 28/4/1975, Phi đội Quyết Thắng gồm 5 máy bay A37 vừa thu được của địch, do các phi công Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hoàng Mai Vượng, Trần Văn On và Hán Văn Quảng điều khiển, cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang), ném bom chính xác vào sân bay Tân Sơn Nhất. Lực lượng đặc công bắn hơn 400 quả ĐKB vào sân bay Tân Sơn Nhất, làm tê liệt sân bay và gây hoang mang tuyệt vọng cho địch. Trực thăng Mỹ phải đáp trực tiếp xuống sân thượng tòa đại sứ quán Mỹ để chở người di tản.

Phía địch, chiều 28/4/1975, trước sức tiến công của bộ binh và sự chi viện hiệu quả tích cực của pháo binh ta, địch phải di tản máy bay ở sân bay Biên Hòa về sân bay Tân Sơn Nhất, sở chỉ huy Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa bỏ Biên Hòa chạy về Gò Vấp.

Đêm 28/4/1975, Phòng quân báo Miền, theo dõi sát thông tin của địch thông báo về Bộ Chỉ huy chiến dịch hai tin quan trọng: Trong đêm Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa đã không còn giữ được liên lạc với Quân đoàn 3 và các sư đoàn quân Việt Nam Cộng hòa nữa. Cũng trong đêm 28/4/1975, Dương Văn Minh chỉ thị cho trung tâm thông tin Quán Tre cố gắng duy trì hoạt động đến 9 giờ 30 phút sáng 30/4.

Ngay trong đêm 28/4/1975, sau khi thông báo tình hình chung toàn mặt trận, Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho toàn mặt trận tổng tiến công vào Sài Gòn sáng 29/4. Bộ Chỉ huy chiến dịch cũng chỉ thị cho các Quân khu 8 và 9 phối hợp tiến công và nổi dậy giải phóng đồng bằng Nam Bộ.

Sau khi giải phóng đảo Nam Yết, một bộ phận lực lượng ở lại chốt giữ bảo vệ và thu dọn trên đảo. Bộ phận còn lại, do đồng chí Vũ Phi chỉ huy, lên tàu 673 tiến về phía đảo Sinh Tồn. 10 giờ 30 phút ngày 28/4/1975, tàu 673 chở lực lượng ta đổ bộ lên giải phóng đảo Sinh Tồn. Lá cờ giải phóng được kéo lên trên cột cờ của đảo, khẳng định đảo Sinh Tồn đã hoàn toàn giải phóng.

Phía địch, ngày 28/4/1975, Trần Văn Hương trao ghế Tổng thống ngụy quyền cho Dương Văn Minh, người được đánh giá là “có xu hướng chính trị trung lập”, “đại diện cho lực lượng thứ ba”.

Theo Nhân Dân

Tin cùng dòng sự kiện