Nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

- Xây dựng các công trình nước sạch cho người dân vùng dân tộc thiểu số là một trong những chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn.

Mục tiêu của Dự án 1, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I đến năm 2025, 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Thực hiện dự án, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình); hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng công trình nước tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lãnh đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiểm tra công trình nước sạch Nhữ Hán - Nhữ Khê.

3 năm nay cuộc sống của 29 hộ đồng bào dân tộc Mông, thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) đã thay đổi hẳn, bà con không còn phải dẫn nước lần từ khe suối mà đã có công trình nước sạch ngay tại nhà. Ông Dương Văn Lồng, một người dân trong thôn phấn khởi cho biết, năm 2021, Nhà nước hỗ trợ kinh phí khoan giếng, lắp đặt đường ống dẫn nước về tận nhà. Theo ông Lồng, giếng khoan của Nhà nước hỗ trợ có công suất lớn, nên đủ cho cả gia đình nhà ông và 5 hộ lân cận dùng chung. Chủ động được nước dùng, bà con biết ơn lắm.  

Cùng tâm trạng phấn khởi như ông Lồng, bà Lý Thị Mỷ vui mừng bảo: “Mấy nhà chung một giếng, nước nhiều và sạch lắm, hàng tháng bà con chỉ góp tiền để trả tiền điện bơm nước thôi, không còn lo thiếu nước nữa!”.

Người dân thôn Phia Lài, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) cũng đã có một cuộc sống mới kể từ khi công trình cấp nước sạch được đưa vào khai thác. Ông Quách Văn Binh bảo, “Nước từ công trình cấp nước của thôn chạy theo đường ống về đến tận nhà rồi, vặn van là nước chảy ra à! Bà con dân bản không phải tìm nước từ các khe, lạch nữa, mừng lắm!”. Ông Binh cho biết thêm, “nước chảy về tận nhà nên bà con quý lắm, bảo ban nhau sử dụng tiết kiệm để có nước dùng lâu dài”.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2021 đến nay, bằng các nguồn vốn của chương trình, Ban đã phối hợp xây dựng 3 công trình nước sạch tập trung và nhiều công trình nước sạch phân tán tại các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có nhu cầu về công trình cấp nước.

Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh khẳng định: Sự quan tâm triển khai các dự án của Trung ương và địa phương, nhiều công trình nước sạch ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư xây mới và sửa chữa đưa vào sử dụng. Cùng với đó người dân cũng được hỗ trợ mua sắm các téc nước, xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt. Qua đó, đã góp phần đưa những dòng nước mát lành đến với người dân các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để các công trình nước sạch hoạt động hiệu quả, bền vững, chính quyền các địa phương cần tích cực, chủ động tham gia vào công tác quản lý các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn; đối tượng hưởng lợi nêu cao ý thức, trách nhiệm không chăn thả gia súc, canh tác trong khu vực đầu nguồn nước, giữ gìn nguồn nước sạch, an toàn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng. 

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng dòng sự kiện