Cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích quần chúng, trái ngược với phương châm, chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Quan liêu, xa rời nhân dân, tất yếu dẫn đến và làm cho căn bệnh vô cảm trước nhân dân của cán bộ, đảng viên ngày càng trầm trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần phê phán thái độ thờ ơ, tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nhân dân, thấy việc có lợi cho dân không làm, không giải quyết hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Những cán bộ, đảng viên mắc bệnh vô cảm, họ thờ ơ với việc chung “chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí”, “không phê bình, không tự phê bình”, “sao cũng mặc kệ, sao cho xong chuyện thì thôi”. Người gọi đó là sự “ươn hèn yếu ớt” trước sai lầm khuyết điểm mà hậu quả tai hại để cho khuyết điểm ngày càng chồng chất. Nguy hại nhất của tệ quan liêu, bệnh vô cảm là “đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”, là “nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí”.
Với tác hại to lớn như vậy, Người đã yêu cầu cán bộ, đảng viên “Ai không mắc bệnh quan liêu thì phải giữ gìn, tránh nó. Ai đã mắc bệnh ấy, thì phải cố gắng mà chữa cho khỏi đi, cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng”. Để chữa bệnh, Người đã kê ra một đơn thuốc đó là: Theo đúng đường lối nhân dân, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải làm gương mẫu cần, kiệm, liêm chính để nhân dân noi theo.
Để chống bệnh quan liêu, xa dân, Người còn căn dặn phải đồng tâm, hiệp lực, phải kiên trì, quyết tâm, chống đến cùng, phải làm có tổ chức, làm từ trên xuống dưới. Bên cạnh việc giáo dục cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hành kỷ luật nghiêm minh, phải “khéo kiểm soát” và “muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị thực tiễn trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng ta thực sự trong sạch, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết