Phòng, chống sạt lở đất, đá: Cần giải pháp đồng bộ

- Thời tiết năm nay biến động rất bất thường, liên tiếp các đợt mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt trận mưa lũ hoàn lưu của cơn bão số 3 vừa qua khiến tình trạng sạt lở đất, đá càng trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn về người và tài sản của nhân dân. Phòng, chống sạt, lở giảm thiểu thiệt hại, ngoài ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ gia đình rất cần một giải pháp thống nhất, đồng bộ từ ngành chức năng.

Sạt lở đất, đá xảy ra dày đặc

Từ đầu năm đến nay, tác động xấu từ biến đổi khí hậu, mưa lớn liên tiếp xảy ra gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đáng kể là những vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra ngày 31-7 vừa qua tại thôn Tân Bình, xã Đội Bình (Yên Sơn). Ông Nguyễn Hữu Vinh, thôn Tân Bình cho biết, trận mưa lớn những ngày trước đó, đã làm sạt lở taluy đồi sau nhà của gia đình. Khi phát hiện sạt lở gia đình đã kiểm tra, tuy nhiên không thấy bố ông. Nghi ngờ có điều không lành gia đình huy động máy móc, phương tiện tìm kiếm. Sau gần 4 giờ tìm kiếm gia đình đã tìm thấy nạn nhân bị vùi sâu dưới lớp đất.

Ngày 22-8, tại thôn 1 Việt Thành, xã Tân Thành (Hàm Yên) đất sạt trượt cũng làm đổ sập ngôi nhà cấp 4, anh Lương Văn Ba, chủ ngôi nhà đã bị mắc kẹt trong những bức tường xây. Rất may, lực lượng chức năng đã phát hiện ứng cứu kịp thời, bảo toàn tính mạng cho nạn nhân.

Điểm sạt lở tại thị trấn Lăng Can (Lâm Bình).

Cũng trong ngày 22-8, hàng trăm khối đất trên đỉnh núi Nà Coóc, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) đã trút xuống, vùi lấp toàn bộ phần bếp ngôi nhà của chị Nông Thị Huyên, thôn Nà Coóc. Chị Huyên chia sẻ, bếp đã bị vùi lấp, phần chính ngôi nhà cũng bị đe dọa sập đổ, bởi lượng đất cứ mỗi ngày trụt dần xuống bám sát chân tường nhà. Để an toàn khi trời có mưa chị và các con có lúc đã phải tạm lánh đến nhà người thân.

Nghiêm trọng hơn từ ngày 8 đến ngày 12-9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mưa lớn, gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá ở khắp các địa phương. Tổng hợp sơ bộ của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đã có 1.109 nhà bị đất sạt lở taluy, trong đó 47 nhà bị thiệt hại trên 70%, 66 nhà bị thiệt hại 50 - 70%...

Tại xã Tri Phú - địa phương đang nằm trong khu vực sạt lở nặng nhất trên địa bàn huyện Chiêm Hóa hiện có 20 hộ dân chưa thể về nhà của mình do đất đá sạt trượt đe dọa đến sự an toàn.

Sau bão số 3, nhiều địa phương trong tỉnh có mưa kéo dài, khiến tình trạng sạt trượt có xu hướng gia tăng. Nhiều khu vực như thị trấn Na Hang, hay khu vực Thái Hòa (Hàm Yên). Các địa phương đều đã khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn, tránh tối đa thiệt hại về người. 

Lực lượng chức năng xã Tân Trào (Sơn Dương) kiểm tra việc san bạt đồi lấy mặt bằng của người dân.

Các chuyên gia địa chất nhận định, các điểm đã khảo sát đều có hiện trạng là các cung trượt, nằm ở nơi giao nhau của các vị trí đứt gãy. Các khu vực này đều có đặc điểm chung là bất ổn về mặt địa hình, địa chất. Sự bất ổn này đến từ chính yếu tố con người, rất nhiều hộ gia đình đã san bạt núi làm mất thế cân bằng ổn định của mái dốc được tạo ra qua hàng triệu năm tạo nên những vách ta luy dương vô cùng nguy hiểm. Đây là sự tác động trực tiếp để "kích hoạt” cơ chế chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở khi có lượng mưa lớn xảy ra.

Cần một giải pháp thống nhất, đồng bộ

Quản lý chặt chẽ về đất đai, ngăn ngừa tình trạng vi phạm về Luật Đất đai trong việc làm biến dạng hiện trạng đất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, tạo ra những nguy cơ làm sạt lở, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 207/STNMT-QLĐĐ ngày 18-2-2022 về việc tiếp tục thực hiện một số nội dung trong việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn; chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý chia tách thửa, đào, đắp đất, khai thác vận chuyển đất, đá làm vật liệu san lấp, cải tạo mặt bằng xây dựng công trình, san gạt ngoài diện tích cho phép.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị, phòng chuyên môn phối hợp với lực lượng chức năng, UBND cấp xã tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lĩnh vực đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường theo quy định.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế tại một số địa phương tình trạng san, bạt núi để lấy mặt bằng đồng thời tạo ra những mối nguy hiểm vẫn tiếp diễn và việc xử lý cũng đang gặp những khó khăn.

Đất sạt trượt làm hư hỏng một phần ngôi nhà của chị Nông Thị Huyên, thôn Nà Coóc, xã Hùng Lợi (Yên Sơn).

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các địa phương xảy ra tình trạng san, gạt, bạt đồi núi, hạ cos ta-luy, hầu hết những trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản nhắc nhở, xử phạt. Tuy nhiên cũng rất khó để kiểm soát chặt chẽ tình trạng này. Bởi theo điểm K, khoản 2, Điều 89 của Bộ Luật Xây dựng quy định: Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn được miễn cấp phép xây dựng. Điều này khiến cho việc xác định vị trí đất thổ cư trên một diện tích đất rộng lớn là vô cùng khó khăn.

Đồng chí Nguyễn Sỹ Hà, Phó Phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng cho biết: Bộ Xây dựng đang dự thảo xây dựng Luật quy hoạch đô thị và nông thôn. Theo đó, Bộ sẽ trình Quốc hội để sửa đổi, bổ sung những điều khoản không còn phù hợp với thực tế. Điển hình như việc sẽ thực hiện cấp phép đối với tất cả các công trình xây dựng, bao gồm cả nhà ở riêng lẻ ở khu vực nông thôn thay vì được miễn như hiện nay. Và lúc đó việc xây dựng ấn định và xây dựng công trình ở nông thôn sẽ phải thực hiện theo đúng Luật, quy hoạch đã được phê duyệt.

Cũng để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, tỉnh cũng yêu cầu địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm; quy hoạch sắp xếp, bố trí lại dân cư theo hình thức xen ghép, tái định cư tại chỗ ở những vị trí an toàn cho các hộ dân.

Trước khi có quy định thống nhất cụ thể để quản lý hiệu quả đất đai, xây dựng từ cấp có thẩm quyền, để hạn chế tình trạng sạt trượt đất đá gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, chính quyền các địa phương cần rà soát chặt chẽ các điểm xung yếu; bố trí nhân lực theo dõi, cảnh báo tại các khu vực sạt lở ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân. Người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tự bảo vệ mình, không xây dựng nhà ở, công trình ở các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt trượt đất, đá. Bởi khi xảy ra thiên tai, thiệt hại, tổn thương không ai khác chính là người dân.

 Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng dòng sự kiện