Quân và dân Khu Tây Bắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tây Bắc là địa bàn chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Nhân dân Tây Bắc có truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, kiên cường. Khu Tây Bắc được thành lập ngày 17/7/1952, gồm bốn tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, với diện tích 44.300 km2, dân số 440 nghìn người.

Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Từ giữa năm 1953, thực dân Pháp triển khai và đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch Nava, nhằm thay đổi tình thế.

Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn nhiệm vụ quân sự Đông-Xuân 1953-1954, xác định phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến; phương châm tác chiến chung là: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và chủ trương tác chiến: “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch…”(1).

Căn cứ vào chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu xác định kế hoạch tác chiến cụ thể cho các chiến trường cụ thể là: Sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực tiến công địch ở Lai Châu; phối hợp với Lào, Campuchia mở cuộc tiến công địch ở Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, đông bắc Campuchia, bắc Tây Nguyên; điều thêm chủ lực lên Tây Bắc để tiêu diệt địch.

Theo kế hoạch, giữa tháng 11/1953, Đại đoàn 316 bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc. Được tin này, Nava quyết định mở cuộc hành binh Caxto đánh chiếm Điện Biên Phủ (20/11/1953). Trước diễn biến mới của tình hình, ta nhận định rằng, cho dù địch có thay đổi thế nào, việc chúng nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là có lợi cho ta.

Từ nhận định nêu trên, Bộ Tổng Tư lệnh đã lệnh cho Đại đoàn 316 tiến công địch trên hướng chính Tây Bắc, gấp rút tiến công tiêu diệt địch ở Lai Châu. Chiến dịch Lai Châu giành thắng lợi, Pháp bị thiệt hại nặng.

Trước tình thế đó, thực dân Pháp cho xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, gồm 49 cứ điểm, mỗi cứ điểm đều có hệ thống công sự, hàng rào vật cản, hỏa lực có thể độc lập chiến đấu.

Nắm bắt tình hình, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy(2).

Tại Khu Tây Bắc, Trung ương đã chỉ đạo các tỉnh động viên toàn thể cán bộ và nhân dân ra sức huy động triệt để khả năng nhân lực, vật lực ở địa phương cung cấp cho tiền tuyến. Nhu cầu vật chất bảo đảm cho chiến dịch ước tính khoảng 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm khô, chuẩn bị cứu chữa hơn 5.000 thương binh(3), đến ngày 20/1/1954 phải hoàn thành.

Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó, đòi hỏi phải giải quyết đường vận chuyển và huy động hậu cần tại chỗ, tuy nhiên quãng đường vận chuyển nhiều khó khăn, nhỏ, hẹp,… cầu cống hư hỏng.

Trước tình hình đó, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Bắc tiếp tục phối hợp sát cánh cùng bộ đội công binh cấp tốc mở đường cho xe kéo pháo và xe vận tải tạm đi được, sau đó củng cố, sửa chữa để đưa được pháo, đạn và gạo vào sớm nhất có thể. Về lương thực, do Điện Biên Phủ ở xa hậu phương nên việc huy động hậu cần tại chỗ là một yêu cầu bức thiết.

Để công tác vận chuyển chặt chẽ và hiệu quả, tuyến bảo đảm được xác định thành hai hướng với chiều dài khoảng 350 km. Phương châm vận chuyển được xác định: cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới, đồng thời tranh thủ mọi phương tiện thô sơ.

Đến ngày 25/1/1954, gạo và đạn đã được chuẩn bị theo kế hoạch, tuy nhiên, chiều ngày 25/1/1954, Bộ Chỉ huy Mặt trận quyết định thay đổi kế hoạch tác chiến, theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Lực lượng chiến đấu được tăng thêm, kéo theo nhu cầu bảo đảm vì thế mà tăng lên nhiều lần: gạo 20 nghìn tấn, đạn 1.000 tấn.

Bảo đảm nhu cầu các mặt phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ là một nhiệm vụ nặng nề đối với quân và dân Khu Tây Bắc. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo của Khu ủy với tinh thần đoàn kết và nỗ lực hết mình, quân và dân nơi đây đã từng bước hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tại tỉnh Yên Bái, tuyến đường 13A (từ Ba Khe nối với đường 41 đi tỉnh Sơn La)(4), bến phà Âu Lâu và đèo Lũng Lô bị máy bay địch đánh phá ác liệt.

Trong bối cảnh đó, nêu cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn, gian khổ hy sinh, bộ đội địa phương và dân công Yên Bái đã chuyển được hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí ra mặt trận.

Hàng nghìn thanh niên xung phong phối hợp các đơn vị công binh anh dũng mở đường, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, sửa chữa cầu phà, bảo đảm giao thông, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ suốt trong 7 tháng (từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1954).

Tính chung, trong công tác bảo đảm giao thông, phục vụ cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái đã huy động được hàng nghìn dân công, với hàng triệu ngày công, cùng thuyền máy, xe đạp thồ... cung cấp cho mặt trận gạo, trâu, lợn và hàng chục tấn rau xanh.

Tổng kết chiến dịch, quân và dân Yên Bái đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công cho hai tập thể và ba cá nhân, một lá cờ của Hội đồng cung cấp Trung ương tặng, 15 bằng khen của Liên khu tặng.

Tại tỉnh Lào Cai, thắng lợi của cuộc chiến đấu tiễu phỉ ở Lào Cai (1/1953-1/1954) đã đập tan những cụm phỉ trên đường hành lang Sa Pa-Bát Xát-Phong Thổ, thông đường từ Lào Cai đi Lai Châu, đặc biệt là tuyến vận chuyển chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đi đôi với công tác tiễu phỉ, nhân dân và các dân tộc Lào Cai đã làm tốt nhiệm vụ củng cố hậu phương, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến(5).

Thực hiện Chỉ thị “Chuẩn bị chiến trường của Bộ Tư lệnh Khu Tây Bắc”, tỉnh Lai Châu đã thành lập Ban chuẩn bị chiến trường của tỉnh và các huyện, với nhiệm vụ là đi sâu vào vùng địch hậu vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại Điện Biên, là vùng địch tạm chiếm, nơi chiến trường diễn ra ác liệt, nhân dân Điện Biên đã đồng lòng, dốc sức bảo vệ bộ đội. Du kích các xã làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực và phối hợp bộ đội địa phương chống địch càn quét(6).

Các đoàn dân công Tuần Giáo đã đón và gánh lương thực, thực phẩm đến các địa điểm quy định, kịp thời phục vụ chiến dịch(7). Các huyện Thuận Châu, Mường Tè, Quỳnh Nhai… cũng huy động nhân dân đóng góp hàng trăm tấn gạo, rau, thịt… phục vụ chiến dịch.

Tại tỉnh Sơn La, ngay từ giữa năm 1953, Sơn La đã triển khai “chiến dịch mở đường” trên quy mô lớn. Khoảng hai vạn nam nữ thanh niên các dân tộc Sơn La với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, đã nỗ lực, vượt qua bom đạn kẻ thù, quyết tâm làm đúng thời hạn và bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đầu tháng 1/1954, các đơn vị pháo binh thuộc Đại đoàn 351 được lệnh đưa pháo lên mặt trận theo đường Tuần Giáo-Điện Biên.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Sơn La đã khẩn trương chỉ đạo gấp rút mở thêm tuyến đường vận tải ở huyện Sông Mã, nhằm tận dụng mọi phương tiện thô sơ đi đường Mường Lầm-Nà Sản và khai thác lương thực, thực phẩm ở địa bàn huyện Sông Mã đưa lên phía nam Điện Biên Phủ.

Ngoài nhiệm vụ mở đường, Sơn La còn được xác định là nơi trung chuyển, là địa điểm xây dựng các tổng kho dự trữ và là nơi đóng quân của Hội đồng Cung cấp Mặt trận, Sở Chỉ huy các tuyến vận tải, các kho vũ khí, lương thực, trạm vận tải, bệnh xá...

Dưới sự chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ của Khu ủy Tây Bắc và các tỉnh ủy, kết quả các chỉ tiêu trên giao cho đều vượt cả về số lượng, chất lượng và thời gian. Nhân dân Khu Tây Bắc không những cung cấp cho bộ đội mọi nhu cầu chiến đấu, mà còn vừa tham gia chiến đấu, vừa chăm lo cho bộ đội từ cái kim, sợi chỉ, viên thuốc chữa bệnh, gửi hàng vạn bức thư cổ vũ thăm hỏi chiến sĩ trên mặt trận.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử là chiến thắng của cả dân tộc, nhưng hơn ai hết, quân và dân các dân tộc Khu Tây Bắc càng tự hào vô hạn với chiến thắng vẻ vang này. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với quân và dân các dân tộc Khu Tây Bắc.


(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1979, tr.67.

(2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh được chỉ định làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận, đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị và đồng chí Đặng Kim Giang làm Chủ nhiệm Cung cấp.

(3) Tổng cục Hậu cần, Hậu cần chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.109.

(4) Bộ Tư lệnh Quân khu 2 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Quân và dân Tây Bắc với chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr. 150.

(5) Bộ Tư lệnh Quân khu 2 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Quân và dân Tây Bắc với chiến thắng Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 98.

(6) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu, Tập I (1945-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 217.

(7) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu, Tập I (1945-1975), Sđd, tr. 217.

Theo Nhân Dân

Tin cùng dòng sự kiện