Từ mùa Thu tự hào
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ghi lại những mốc lịch sử vô cùng quan trọng. Đêm 13-8-1945, ngay sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện ở Đông Dương, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, do Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập tại xã Tân Trào (Sơn Dương) đã ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 16-8-1945, khi Đại hội Quốc dân được triệu tập tại Tân Trào và bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, thì ở thị xã Tuyên Quang, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Tuyên Quang cũng được thành lập do đồng chí Song Hào làm Chủ tịch.
2 giờ sáng ngày 17-8-1945, lệnh khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Tuyên Quang được phát đi. Các mũi tiến công của ta đồng loạt tấn công và tiếp quản các vị trí trọng yếu mà địch chiếm đóng, kiểm soát được hầu hết thị xã và tập trung bao vây trại lính Nhật đóng trong thành nhà Mạc và trên núi Thổ Sơn. Đông đảo nhân dân thị xã đã tham gia diễu hành và biểu tình, giương cao cờ đỏ sao vàng và hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam độc lập vạn tuế!”, “Đả đảo phát xít Nhật”. Khí thế cách mạng của quân, dân ta ngày một lên cao khiến quân Nhật hoang mang cực độ, buộc phải xin điều đình.
Một tuyến đường văn minh đô thị.
Ngày 21-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Quân Nhật rút khỏi thị xã. Thị xã Tuyên Quang được giải phóng. Khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh ta hoàn toàn thắng lợi, góp phần vào sự thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945. Từ đây, nhân dân các dân tộc thị xã Tuyên Quang cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước bước vào thời kỳ cách mạng mới, thời kỳ đấu tranh bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng tháng 8-1945.
79 năm trôi qua, những lớp người tham gia vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm ấy đã lần lượt trở về với “thế giới người hiền”, nay chỉ còn lại ông Dương Phú Quý, ông Nguyễn Duy Cân những cán bộ tiền khởi nghĩa đã gần 100 tuổi. Dù tuổi cao, sức yếu, trí nhớ không còn minh mẫn nhưng khi nhắc tới những ngày tháng mùa thu lịch sử hào hùng ấy của dân tộc, các ông đều không khỏi xúc động, tự hào.
… đến Thu nay
Kể từ ngày được giải phóng đến nay, Thành Tuyên đã chuyển mình mạnh mẽ. Ngày 2-7-2010, thị xã Tuyên Quang trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Năm 2020, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tháng 2-2021, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tuyên Quang.
Những tòa nhà cao tầng, khu đô thị mới hiện đại “mọc” lên ngày càng nhiều thay thế cho những mái nhà cấp 4 lụp xụp xưa kia. Nhiều cây cầu, con đường, tuyến phố được xây dựng, mở rộng, nâng cấp trải nhựa hoặc bê tông phẳng lỳ, êm ru, giúp nhân dân đi lại thuận tiện, kết nối giao thương, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, trên trục đường 17 tháng 8 (con đường ghi dấu cuộc đấu tranh giành chính quyền của quân và dân Tuyên Quang), là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan quan trọng của tỉnh. Trên tuyến đường có công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5-2015. Năm 2022, Quảng trường Nguyễn Tất Thành đã xuất sắc lọt top 10 dự án/công trình đạt Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á.
Lễ hội Thành Tuyên - Sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của Thành Tuyên.
Cũng tại đây, nhiều sự kiện quan trọng có quy mô lớn của tỉnh, khu vực, trung ương được tổ chức. Đặc biệt, cứ vào mùa thu, dịp Rằm Trung thu hàng năm, nơi đây lại diễn ra sự kiện văn hóa nổi bật đáng mong chờ, đó là Lễ hội Thành Tuyên, một thương hiệu với nhiều Kỷ lục được Sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận: “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam”, “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”… tạo nên một mùa thu trọn vẹn, sắc màu và gắn kết.
Anh Trần Quang Huy, sống tại Hà Nội chia sẻ, cứ đến tháng 8, anh lại đưa gia đình trở về quê hương Tuyên Quang để tận hưởng tiết thu mát mẻ, trong lành. Năm nay, nhờ có tuyến Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được hoàn thành, anh chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ từ Hà Nội về Tuyên Quang. Đây không chỉ là dịp để cho các con anh được vui chơi thỏa thích bên những mô hình trung thu khổng lồ mà cũng là dịp để anh nhìn nhận về những đổi thay và nhịp sống mới ở thành phố thân yêu, với những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có.
Hiện nay, thành phố đã hoàn thành 57/59 tiêu chuẩn của đô thị loại II; 46/63 tiêu chuẩn của đô thị loại I; 35/49 tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 28 ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XX) đề ra; tỷ lệ đô thị hóa là 74,06%. Công tác cải cách thủ tục hành chính ngày càng có nhiều sáng tạo, đổi mới trong quản lý, điều hành.
Trong các năm 2020, 2021, 2022 xếp hạng cải cách hành chính thành phố đều đứng ở vị trí dẫn đầu các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Năm 2023, thành phố tiếp tục duy trì vị trí thứ nhất trong thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… không ngừng phát triển và đảm bảo. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 106,5 triệu đồng/người/năm. Hiện thành phố có 1.553 doanh nghiệp, 62 hợp tác xã đang hoạt động...
Đây chính là những điều kiện để thành phố tiếp tục bứt phá vươn lên phát triển trung tâm thành phố theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, để có thêm những mùa thu tươi đẹp nữa.
Gửi phản hồi
In bài viết