Tiếp nối quan điểm của Người, Đảng ta qua các kỳ Đại hội đã quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Đặc biệt, đến Đại hội XIII, mối quan hệ “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t.1, H.2021, tr.119) đã được xác định là một trong những mối quan hệ lớn cần phải nắm vững và xử lý tốt trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Thời gian qua, lợi dụng chiêu bài đòi dân chủ, tự do, nhân quyền, dân quyền, các thế lực thù địch thường xuyên tung tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đưa tin thất thiệt, bịa đặt, vu khống, bôi nhọ các lãnh đạo cấp cao nhằm mục đích gây hoang mang dư luận, làm mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin, các thành phần bất mãn... tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự, kích động, xúi giục, tổ chức các vụ biểu tình, nổi loạn, bạo động chống phá chính quyền, từ đó mưu đồ hình thành lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực tế này đặt ra yêu cầu dân chủ, pháp chế và kỷ cương phải luôn đi liền với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau để cùng phát huy hiệu quả.
Có thể khẳng định chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam ngay từ đầu đã được xây dựng trên tinh thần dân chủ, nhằm bảo đảm và bảo vệ quyền dân chủ thật sự của mọi tầng lớp nhân dân lao động, bảo đảm duy trì trật tự, kỷ cương, ổn định trật tự xã hội, nghiêm trị mọi hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, chà đạp lên lợi ích của nhân dân.
Ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh rất nhiều thành quả đã đạt được vấn đề thực hành dân chủ vẫn còn những hạn chế, bất cập, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Có lúc, có nơi vẫn để xảy ra tình trạng dân chủ hình thức, dân chủ quá trớn, vi phạm dân chủ gây bức xúc dư luận. Việc thực thi đôi khi còn chưa nghiêm, thậm chí bị xem thường, xuyên tạc; pháp luật vẫn chưa thật sự là công cụ hữu hiệu trong tổ chức, quản lý xã hội, bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân. Kỷ cương xã hội đôi khi vẫn bị buông lỏng, xem nhẹ ở một số lĩnh vực, địa bàn khiến nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực. An ninh trật tự xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, bất ổn,...
Do đó, nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa “thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” càng có ý nghĩa cấp thiết đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Gửi phản hồi
In bài viết