Tiếp cận tư duy về “đối tác”, “đối tượng” trong bối cảnh mới

- Trong đường lối, chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới của Đảng ta, Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 12-7-2003, của Hội nghị Trung ương 8 khóa IX, “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, sau đó được bổ sung và phát triển thành Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” (gọi tắt là Nghị quyết) có vị trí đặc biệt quan trọng. Một trong những nội dung cốt yếu của Nghị quyết chính là tư duy về “đối tác”, “đối tượng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres thăm chính thức Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam tham gia Liên hợp quốc _Ảnh: TTXVN

Nguyên tắc xác định “đối tác”, “đối tượng” được nêu rõ: “Những ai chủ trương tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đều là đối tượng đấu tranh. Mặt khác, trong tình hình diễn biến mau lẹ và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta”(1). 

Theo nguyên tắc đó, Đảng ta xác định “đối tác”, “đối tượng” từ hai góc nhìn.

Thứ nhất, nhìn “đối tác”, “đối tượng” như một thực thể “trọn gói”. Góc nhìn này có thế mạnh là dễ phân biệt. Thực thể nào có chính sách và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam thì ta ứng xử với họ như “đối tác” hợp tác. Thực thể nào làm tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam thì là “đối tượng” đấu tranh. Tuy nhiên, cách nhìn này chỉ phù hợp với các thực thể luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ với nước ta hoặc ngược lại, luôn chống phá mục tiêu của ta. Do đó, để xác định đúng “đối tác”, “đối tượng”, cần hết sức tránh việc quy nạp không hoàn toàn, nhất là chỉ dựa trên một số chính sách, hành động để đánh giá tính chất của thực thể; tránh các định kiến lịch sử hay ý thức hệ.

Thứ hai, nhìn “đối tác”, “đối tượng” qua hành vi của họ trong các vấn đề, hoàn cảnh cụ thể khi quan hệ với ta. Nghị quyết nhấn mạnh, “trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”. Đây là cách nhìn phù hợp với tất cả các thực thể có chính sách và hành động khác nhau, tùy theo vấn đề cụ thể, hoàn cảnh cụ thể trong quan hệ với nước ta. Tuy nhiên, nhìn “đối tác”, “đối tượng” theo cách này luôn được xem là thách thức lớn khi đòi hỏi cần có lập trường vững vàng, kiên định vì lợi ích quốc gia - dân tộc, không vì các lợi ích cục bộ; có trí tuệ sáng suốt để nhận rõ các hành vi tôn trọng và hợp tác có lợi cho nước ta và những âm mưu, ý đồ chống phá nước ta nhưng được che đậy công phu, bài bản, tinh vi. Cách nhìn nhận này cũng rất cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng vì thực tế cho thấy luôn xuất hiện những luồng quan điểm khác nhau khi xem xét các hành vi cụ thể của từng thực thể và luôn tồn tại những định kiến liên quan đến lịch sử, sự khác nhau về chế độ chính trị và hệ giá trị.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xác định “đối tác”, “đối tượng”

Ngày 19-1-1955, tại lễ khai giảng khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc các cán bộ nhà trường và sinh viên: “Phải vạch rõ ranh giới, chia rõ phải trái. Vạch rõ ranh giới là phải nhận rõ ai là bạn, ai là thù? Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thủ ở ngoài và ở trong mình ta”(2).

Với mục đích căn dặn cán bộ, sinh viên về phương pháp tư duy, cách hành xử đối với những người xung quanh và với chính mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập thực thể phân tích là “người” và “mình”; góc nhìn để phân biệt dựa trên hành vi: (ai) làm gì và những tư tưởng, hành động (của chính mình). “Bạn”, “thù” là cách nói hình tượng cho dễ hiểu và cũng phù hợp với bối cảnh khi đó.

Khi vận dụng vào công tác đối ngoại trong bối cảnh hiện nay, với chủ thể chính trong quan hệ quốc tế là các quốc gia, dân tộc, Nghị quyết đã cụ thể hóa “lợi ích cho dân, cho Tổ quốc ta” thành “tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam”. Cũng như vậy, những “điều (gì) có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta” được cụ thể hóa thành “âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nguyên tắc nhất quán khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và triển khai nguyên tắc xác định “đối tác”, “đối tượng” là lấy lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam làm tiêu chí.

Xác định “đối tác”, “đối tượng” phù hợp với yêu cầu mới của tình hình

Nghị quyết ra đời trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ vào ngày 11-9-2001 được xem là một trong những ví dụ điển hình. Một ngày sau sự kiện khủng bố đó, ngày 12-9-2001, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 1368, kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa trong việc phòng ngừa và trấn áp khủng bố, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các quốc gia trong việc ban hành pháp luật, phù hợp với các công ước, nghị quyết về chống khủng bố của Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Từ đó, chống khủng bố trở thành chủ đề nổi bật trong quan hệ quốc tế khi Mỹ đưa quân vào Áp-ga-ni-xtan và tập hợp liên quân 40 nước với hơn 130.000 quân, bao gồm các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lật đổ chính quyền Ta-li-ban, tuyên bố mục tiêu kiểm soát để không cho lực lượng khủng bố An Kê-đa có cơ sở hoạt động an toàn ở Áp-ga-ni-xtan(3). Tiến đếp, tháng 3-2003, Mỹ tấn công I-rắc. Sau hơn ba tuần, liên quân Mỹ, Anh và một số nước khác đã chiếm Thủ đô Bát-đa (I-rắc).

Trong khu vực Đông Nam Á cũng xảy ra một số sự kiện đáng chú ý. Tháng 4-2001, Trung Quốc điều máy bay chiến đấu ép sát máy bay do thám EP3 của Mỹ, được cho là đã bay vào bờ biển phía Nam của Trung Quốc ở khu vực đảo Hải Nam. EP3 của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Theo một số học giả, sự kiện này cho thấy Trung Quốc đã thay đổi quan niệm về Mỹ, về chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, tự tin hơn trong ứng phó với các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông(4). Tháng 11-2002, tại Thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ tám, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) - kết thúc 10 năm kể từ khi ý tưởng về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) được đưa ra trong một văn kiện của ASEAN vào năm 1992.

Quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Mỹ trong thời gian đó cũng có nhiều điểm nổi bật. Đối với Trung Quốc, ngày 30-12-1999, tại Thủ đô Hà Nội, “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” đã được ký kết. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước xác lập được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền. Ngày 25-12-2000, hai bên đã ký kết Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ, xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ; đồng thời, ký kết Hiệp định Hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ. Đối với Mỹ, hai bên đã ký kết hiệp định thương mại song phương vào ngày 13-7-2000 (có hiệu lực kể từ ngày 10-12-2001), mở ra tiềm năng xuất khẩu lớn cho hàng hóa của Việt Nam, cũng như tạo cơ sở để Việt Nam đẩy nhanh quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bên cạnh các hoạt động nhân đạo, như tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), hai bên nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học - công nghệ, giao lưu nhân dân...

Ở trong nước, tháng 2-2001, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên bị bọn phản động lưu vong và các thế lực thù địch, phản động xúi giục, lôi kéo, đã tham gia tụ tập đông người, gây rối, biểu tình, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về chính trị, xã hội và kinh tế trên địa bàn. Có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài, dẫn đến sự việc này. Nguyên nhân bên trong trước hết bắt đầu từ những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm cuối thế kỷ XX, nhưng chưa được sự quan tâm, chia sẻ và giải quyết kịp thời của chính quyền cơ sở. Nguyên nhân bên ngoài là do tổ chức phản động lưu vong FULRO và các lực lượng thù địch, phản động đã lợi dụng cơ hội này để ngụy trang bằng lớp vỏ “thiện nguyện vì dân”, thực hiện những âm mưu, thủ đoạn cơ hội chính trị(5). FULRO khi đó có trụ sở tại thành phố Xpác-ten-bớc thuộc bang Cô-lô-ra-đô (Mỹ)(6).

Xác định “đối tác”, “đối tượng” trong công tác đối ngoại

Thực tiễn công tác đối ngoại gần hai thập niên qua cho thấy, nguyên tắc xác định “đối tác”, “đối tượng” trong Nghị quyết là căn cứ hết sức quan trọng để Việt Nam xử lý hài hòa, ổn thỏa mối quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn.

Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam xác định rõ những mặt có thể hợp tác và các mặt cần đấu tranh, và đã kiên định xử lý thành công cả hai mặt này. Trên cơ sở phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” được xác định vào năm 1999, hai bên đã bổ sung tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” vào năm 2005. Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Về vấn đề biên giới, lãnh thổ, hai bên đã hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc vào năm 2008 và ký kết ba văn kiện về quản lý đường biên giới trên đất liền vào năm 2009. Về lĩnh vực thương mại, từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm 2020. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020 nếu tính theo đồng đô-la Mỹ và 12% khi tính bằng đồng nhân dân tệ (NDT). Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Ô-xtrây-li-a(7). Về các vấn đề trên biển, hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” vào năm 2011, duy trì hoạt động thường xuyên các cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, các cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao hai nước và ba cơ chế đàm phán Nhóm công tác cấp chuyên viên Việt Nam - Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển... Đối với các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại, liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông... cũng được giải quyết ổn thỏa nhờ quán triệt chặt chẽ nguyên tắc “đối tác”, “đối tượng”. Việt Nam kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Tổ quốc, giải quyết những bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong thời gian đó, quan hệ hợp tác với Trung Quốc vẫn được duy trì, thúc đẩy. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2014, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2013. Nhập siêu cả năm 2014 từ Trung Quốc ước tính đạt 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm 2013(8).

Trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam đã tranh thủ thành công các mặt hợp tác. Tháng 3-2006, Việt Nam kết thúc đàm phán song phương với Mỹ về việc Việt Nam gia nhập WTO. Tháng 12-2006, Quốc hội Mỹ đã thông qua Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Đây là những bước quyết định trong tiến trình gia nhập WTO của nước ta. Ngày 25-7-2013, hai bên xác lập quan hệ “đối tác toàn diện”. Về thương mại, sau khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, doanh số thương mại giữa hai bên tăng mạnh từ 450 triệu USD (năm 1995) lên hơn 111 tỷ USD (năm 2021). Mỹ nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường Việt Nam xuất siêu lớn nhất. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mặc dù Mỹ không đứng đầu trong các nước đầu tư vào Việt Nam, nhưng Việt Nam đã tận dụng được các khoản đầu tư của Mỹ vào những ngành, lĩnh vực đặc biệt cần để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đó là những ngành, lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và được đầu tư từ các tập đoàn toàn cầu, có tầm nhìn dài hạn của Mỹ, như: Apple, Qualcomm, Nike, Morgan Stanley, ACORN International, General Dynamics, Google... Về quốc phòng, tháng 9-2011, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác quốc phòng. Theo đó, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, đào tạo nhân viên cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam, cũng như hỗ trợ Việt Nam một số trang thiết bị cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển (tàu, xuồng tuần tra trên biển), hợp tác về lĩnh vực quân y... Tháng 6-2015, hai bên ký kết Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước phát triển nhanh chóng và ngày càng thực chất, các hoạt động hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh cũng được đẩy mạnh hơn.

Mặt “đối tượng” trong quan hệ với Mỹ chủ yếu liên quan đến các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và hoạt động của các thế lực thù địch, phản động chống phá Việt Nam trên đất Mỹ. Hằng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đưa ra các báo cáo đánh giá không khách quan về tình hình dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động chống phá Việt Nam quyết liệt, như Việt Tân, cái gọi là “nhà nước Đề Ga độc lập”... đều có trụ sở trên nước Mỹ. Trong nội bộ nước Mỹ luôn có những nhóm thúc đẩy việc gắn quan hệ kinh tế - thương mại với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Một trong những ví dụ điển hình là việc ngày 15-9-2004, Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Tuy nhiên, xác định rõ các mặt “đối tác”, “đối tượng” trong từng hành vi, từng nhân vật trong nội bộ nước Mỹ, Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh với những nhóm cực đoan, kiên trì đối thoại với những người có hiểu biết và ủng hộ quan hệ hai nước; ổn định tình hình ở Tây Nguyên; đồng thời, mời phóng viên và một số trợ lý nghị sĩ Mỹ vào thực địa để nắm rõ bản chất, sự thật của vấn đề. Đến ngày 14-11-2006, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự kiện này, khó có thể có sự kiện Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế PNTR với Việt Nam một tháng sau đó.

Thực tiễn quan hệ của Việt Nam với các nước (cả trong và ngoài khu vực) gần 20 năm qua cho thấy: Một là, Việt Nam xác định “đối tác”, “đối tượng” khi xử lý quan hệ với các nước chủ yếu theo cách thứ hai, đó là nhìn hành vi của họ trong các vấn đề cụ thể, hoàn cảnh cụ thể khi quan hệ với Việt Nam; khi có sự song trùng về lợi ích thì tranh thủ hợp tác; khi lợi ích không trùng hợp hoặc mâu thuẫn thì tùy theo mức độ, Việt Nam có hình thức đấu tranh phù hợp. Hai là, có rất ít nước luôn tôn trọng các mục tiêu của Việt Nam, có lợi ích luôn trùng hợp với lợi ích của ta và cũng có rất ít nước luôn chống phá Việt Nam. Điều này đúng với cả những nước có vị trí địa lý rất xa Việt Nam, hầu như không có quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam, nhưng vẫn bị tác động bởi các nước lớn trong những vấn đề liên quan đến Việt Nam về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế. Ba là, cách tiếp cận theo thực thể trong nhiều trường hợp tạo khó khăn không nhỏ cho Việt Nam trong việc xây dựng đồng thuận nội bộ khi vẫn có sự tồn tại các cách nhìn  khác nhau khi thảo luận về những vấn đề phức tạp trong quan hệ với các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Mỹ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đón Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN - EU _Nguồn: chinhphu.vn

Xác định “đối tác”, “đối tượng” trong bối cảnh mới

Thế giới đang chuyển sang một cục diện mới - cục diện hậu dịch bệnh COVID-19, cuộc xung đột Nga - U-crai-na diễn biến phức tạp... Mặc dù vẫn còn sớm để nhận diện rõ ràng, nhưng các diễn biến đến nay cho thấy, trong vòng 5 - 10 năm tới, đặc điểm nổi trội trong quan hệ quốc tế được dự báo sẽ chuyển động theo chiều hướng các nước lớn tuy vẫn hợp tác, nhưng vẫn tiếp tục cạnh tranh, thậm chí đối đầu gay gắt, căng thẳng hơn nhiều so với giai đoạn 5 - 10 năm qua, nhất là trong những vấn đề liên quan đến địa - chính trị, địa - kinh tế, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ... làm thay đổi nhanh chóng tương quan sức mạnh kinh tế, quốc phòng và ảnh hưởng giữa các quốc gia, khuyến khích nhiều hình thức tập hợp lực lượng, liên kết mới giữa các quốc gia.

Ngày 12-10-2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc, phản đối Nga sáp nhập bốn tỉnh miền Đông và miền Nam U-crai-na với 143 phiếu thuận. Từ ngày 22-2-2022 đến 20-10-2022, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt 9.873 lệnh trừng phạt lên các tổ chức và cá nhân người dân Nga, bao gồm cả Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin(9). Trong quan hệ với Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn thực thi chính sách “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể, đối đầu khi bắt buộc”(10). Việc coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh là nhận thức chung của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Điều này được dự báo có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên. Tháng 6-2022, trong “Tài liệu chiến lược mới” được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, diễn ra ở Thủ đô Ma-đrít (Tây Ban Nha), lần đầu tiên NATO coi các chính sách “áp đặt” của Trung Quốc là thách thức đối với “lợi ích, an ninh và giá trị” của NATO(11). Đối với Trung Quốc, trong Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (từ ngày 16-10 đến 22-10-2022), Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định “lập trường dứt khoát” là chống chủ nghĩa bá quyền và kiên cường đối mặt với “tình trạng bị bắt nạt”; Trung Quốc “sẵn sàng đương đầu với sóng to, gió lớn và thậm chí là cả những cơn bão nguy hiểm”; sẽ chiến thắng trong “chiến tranh khu vực”(12).

Kinh tế thế giới cũng được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn trước. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng 3,2% trong năm 2022 và 2,7% trong năm 2023 - mức thấp nhất kể từ năm 2001 (trừ giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 và dịch bệnh COVID-19); lạm phát đang gia tăng nhanh và kéo dài ít nhất đến hết năm 2024, nhiều nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023(13). Thương mại, đầu tư quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 nay lại chịu thêm tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - U-crai-na. Cũng như vậy, các chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu vốn đứt gãy lại đứt gãy thêm nên càng khó phục hồi. Tình hình này gây hậu quả nghiêm trọng đối với tất cả các nước, nhất là các nước nghèo, các nước đang bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang.

Khi cạnh tranh, đối đầu, các nước lớn thường gia tăng lôi kéo, mua chuộc, thậm chí “cưỡng ép” các nước nhỏ phải ủng hộ và đi theo. Do đó, khi các nước vừa và nhỏ gặp khó khăn về kinh tế hoặc những vấn đề mâu thuẫn nội bộ không thể giải quyết, khó có thể giữ vững “độc lập” trước tác động từ các nước lớn. Kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về các vấn đề liên quan đến các nước lớn cho thấy, từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đa số các nước vừa và nhỏ đều lựa chọn chính sách “phòng ngừa”, không đứng hẳn về bên nào, quyết định bỏ phiếu tùy theo vấn đề và hoàn cảnh cụ thể(14). Đơn cử như, tại các cuộc họp của Phong trào Không liên kết trong những năm gần đây, Bê-la-rút, U-gan-đa, Dim-ba-bu-ê - những quốc gia không liên quan trực tiếp tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã đi đầu phản đối các nước ASEAN cập nhật tình hình khu vực (trong đó có tình hình Biển Đông)(15).

Trong bối cảnh trên, có thể thấy, khó có quốc gia nào luôn ủng hộ Việt Nam hoặc ngược lại, trong những vấn đề liên quan đến quan hệ giữa các nước, nhất là các nước lớn. Nói cách khác, khó có nước nào luôn là “đối tác” hoặc luôn là “đối tượng” với Việt Nam. Mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 chỉ có thể đạt được nếu Việt Nam duy trì được một môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển. Trong bối cảnh môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp, khó lường và để hiện thực hóa khát vọng phát triển, việc xác định “đối tác”, “đối tượng” trong xử lý quan hệ với các nước, bên cạnh mục tiêu hóa giải các thách thức, cần đặt trọng tâm vào việc tranh thủ cơ hội, xây dựng lòng tin chiến lược với các đối tác, bởi không có lòng tin chiến lược khó có thể yên ổn trong môi trường luôn bất ổn, khó có nước nào cam kết hợp tác lâu dài với Việt Nam, nhất là việc bán hoặc chuyển giao công nghệ lõi.

Thế giới thay đổi, môi trường an ninh, phát triển của Việt Nam thay đổi, mục tiêu chiến lược của Việt Nam cũng cao hơn giai đoạn trước, cách xác định “đối tác”, “đối tượng” theo thực thể được cho là đã hoàn thành đúng sứ mệnh. Trong bối cảnh mới, cần xác định “đối tác”, “đối tượng” theo hành vi. Cách xác định này phù hợp với những thay đổi của tình hình mới, tạo thuận lợi cho quá trình xây dựng đồng thuận trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Cách xác định này cũng không ảnh hưởng tới chính sách của Việt Nam khi có thực thể nào đó luôn là “đối tác” hoặc “đối tượng” của đất nước ta. Cách xác định này cùng với phương châm “thêm bạn, bớt thù” trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh tiếp tục có ý nghĩa quan trọng trong xử lý các vấn đề đối ngoại, tạo thế và lực mới cho đất nước ta trên “bàn cờ” khu vực và toàn cầu./.

PGS, TS. ĐẶNG ĐÌNH QUÝ

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

--------------------------

(1) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX),Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 44
(2) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2016, t. 6 (1955 - 1957), tr. 15 - 16
(3) Xem: “Afghanistan War: How did 9/11 lead to a 20-year war?” (Tạm dịch: Chiến tranh Áp-ga-ni-xtan: Sự kiện 11-9 đã dẫn đến cuộc chiến kéo dài 20 năm như thế nào?”, Imperial War Museums, 2022, https://www.iwm.org.uk/history/afghanistan-war-how-did-911-lead-to-a-20-year-war
(4) Shirley A. Kan (Coordinator): “China - U.S. Aircraft Collision Incident of April 2001: Assessments and Policy Implications” (Tạm dịch: Sự cố va chạm máy bay giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào tháng 4-2001: Đánh giá và hàm ý chính sách”, CRS Report for Congress, ngày 10-10-2001, https://sgp.fas.org/crs/row/RL30946.pdf
(5) Nhóm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân: “Xây “thành trì lòng dân” ở Tây Nguyên: Từ bài học xương máu đến thành quả to lớn”, Báo Quân đội Nhân dân điện tử, ngày 11-12-2020, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xay-thanh-tri-long-dan-o-tay-nguyen-tu-bai-hoc-xuong-mau-den-thanh-qua-to-lon-646348
(6) Xem: Nguyễn Như Phong: “Sự thật về cuộc “gây rối mang màu sắc chính trị” ở Tây Nguyên”, Trang thông tin điện tử Vnexpress, ngày 7-3-2002, https://vnexpress.net/su-that-ve-cuoc-gay-roi-mang-mau-sac-chinh-tri-o-tay-nguyen-1956176.html
(7) Xem: Vũ Khuê: “Năm 2021: Thương mại Việt Nam - Trung Quốc tăng gần 25%”, Trang thông tin điện tử VnEconomy, ngày 25-1-2022, https://vneconomy.vn/nam-2021-thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-tang-gan-25.htm
(8) Xem: Trung Ninh: “Nhập siêu từ Trung Quốc gần 29 tỷ USD trong năm 2014”, Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử, ngày 29-12-20214, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhap-sieu-tu-trung-quoc-gan-29-ty-usd-trong-nam-2014-24512.html
(9) Xem: “Total number of list-based sanctions imposed by Australia, Canada, the European Union (EU), France, Japan, Switzerland, the United Kingdom (UK), and the United States on Russia from February 22 to October 20, 2022, by target” (Tạm dịch: Tổng số lệnh trừng phạt dựa trên danh sách do Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Liên minh châu Âu, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ áp đặt đối với Nga từ ngày 22-2 đến ngày 20-10-2022, theo mục tiêu”, Statista, 2022, https://www.statista.com/statistics/1293531/western-sanctions-imposed-on-russia-by-target/
(10) Cheng Li: “Biden’s China strategy: Coalition-driven competition or Cold War-style confrontation?” (Tạm dịch: Chiến lược Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Bai-đơn: Cạnh tranh do liên minh thúc đẩy hay đối đầu kiểu Chiến tranh lạnh?), Brookings, tháng 5-2021, https://www.brookings.edu/research/bidens-china-strategy-coalition-driven-competition-or-cold-war-style-confrontation/
(11) “NATO declares China a security challenge for the first time” (Tạm dịch: NATO lần đầu tiên tuyên bố Trung Quốc là một thách thức an ninh), Aljareera, ngày 30-1-2022, https://www.aljazeera.com/news/2022/6/30/nato-names-china-a-strategic-priority-for-the-first-time
(12) Nation Congress: “Full text of the report to the 20th National Congress of the Communist Party of China” (Tạm dịch: Toàn văn báo cáo Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20), Xinhua, ngày 25-10-2022, https://english.news.cn/20221025/8eb6f5239f984f01a2bc45b5b5db0c51/c.html
(13) Xem: “Lastest World Economic Outlook Growth Projections” (Tạm dịch: Dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới mới nhất), International Monetary Fund, tháng 10-2022, https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2022/10/11/world-economic-outlook-october-2022
(14) Ilyin - Ilya V. - Bilyuga, S. - Malkov - Sergey: “The Impirical analysis of the voting results in the UN General Asembly” (Tạm dịch: Phân tích thực tế về kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc), Social Studys, 2022, https://www.sociostudies.org/almanac/articles/the_empirical_analysis_of_the_voting_results_in_the_un_general_assembly/
(15) Tác giả bài viết trực tiếp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết tại thủ đô Ca-ra-cát (Vê-nê-xu-ê-la) năm 2019

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng dòng sự kiện