Hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên BCH Trung Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tham dự hội nghị, đại biểu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc với các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương trong vùng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển và nêu đề xuất, kiến nghị với Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu một số kết quả quan trọng của tỉnh Tuyên Quang trong thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.
Nghị quyết đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, đề án, kế hoạch để cụ thể hóa, triển khai thực hiện. Trong đó có các nghị quyết quan trọng như: về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin; về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; về phát triển công nghiệp; về chuyển đổi số…
Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá và tương đối toàn diện, hài hoà với phát triển văn hoá xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2021 - 2025 ước đạt trên 8%; 6 tháng đầu năm 2024 tăng 8,84% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 2/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Để giúp Tuyên Quang và các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc khai thác tốt mọi tiềm năng, phát huy lợi thế tạo liên kết vùng đồng chí đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền trong cả nước; xây dựng Tuyên Quang là Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất chế biến gỗ; xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào thành trung tâm giáo dục lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch cả nước.
Đồng thời phát triển Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành lễ hội có quy mô, thương hiệu cấp quốc tế. Đồng chí cũng đề nghị Chính phủ bổ sung số lượng người làm việc cho ngành giáo dục, không thực hiện tinh giản biên chế giáo viên ở những tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn như tỉnh Tuyên Quang.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh vai trò quan trọng của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, không chỉ là nơi giữ rừng, giữ nước mà còn chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển quan hệ đối ngoại vì sự phát triển chung của cả nước, tinh thần chung là cần có sự ưu tiên cơ chế, chính sách, nguồn lực cho khu vực này trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán, tổ chức các đoàn khảo sát chuyên đề tại các địa phương, đồng thời mong các địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Đại hội XIV. Đồng chí lưu ý các địa phương nỗ lực hơn, quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ là người dân tộc và cán bộ làm công tác dân tộc; chú trọng nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở trong bối cảnh Trung ương đẩy mạnh phân cấp nhưng nhiều địa phương chưa triển khai được; liên kết giao thông phải đi trước để khai thác tiềm năng, lợi thế…
Gửi phản hồi
In bài viết