Tinh gọn bộ máy: Cần được nhìn nhận và tiến hành một cách đồng bộ, tổng thể, hai chiều

Tinh gọn bộ máy là công việc rất khó khăn phức tạp, cần làm từng bước, chắc chắn, có lộ trình, không nóng vội, duy ý chí, nhưng cũng không cầu toàn, trì trệ, chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; đặc biệt, cần thực hiện triệt để và khoa học, với mục tiêu cao nhất là sớm hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “thà ít mà tốt”, bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nguyên tắc của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, phù hợp với cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".

Đồng thời bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua, giảm thiểu mọi chi phí cơ hội vĩ mô và vi mô, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong bối cảnh phát triển và hội nhập mới… vì một Việt Nam hùng cường.

Những đổi mới về thể chế, trọng tâm là đổi mới công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị (gồm 3 khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội) đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những yếu tố then chốt để Đảng ta không ngừng nâng cao uy tín, năng lực, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, cũng như của hệ thống chính trị, giữ vững vai trò người dẫn dắt cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh thành công và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phù hợp với bối cảnh mới, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền; phát triển kinh tế-xã hội bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Tinh gọn bộ máy là một quá trình, không thể tiến hành tùy tiện, cảm hứng nhất thời, “đầu voi đuôi chuột”, “đánh bùn sang ao”, mà cần sự thống nhất nhận thức và hành động, sự quyết tâm chính trị cao, dũng cảm “thà đau một lần” và sự nỗ lực không ngừng nghỉ để thực hiện các giải pháp thực sự triệt để và khoa học, đảm bảo chỉ làm một lần, phục vụ cho cả một quá trình dài….

Tinh gọn bộ máy: Cần được nhìn nhận và tiến hành một cách đồng bộ, tổng thể, hai chiều
Người dân đến bộ phận “một cửa” của UBND phường Hưng Định, TP Thuận An, Bình Dương thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: qdnd.vn

Yêu cầu triệt để và khoa học đòi hỏi việc sắp xếp tổ chức bộ máy cần được nhìn nhận và tiến hành một cách đồng bộ, tổng thể, hai chiều, cả từ trên xuống và từ dưới lên, đi vào thực chất, không phải làm nhiều lần, không gây lãng phí và kém hiệu quả. Bắt đầu từ thu gọn các đầu mối bên trong các bộ, ngành, UBND các cấp, rồi thực hiện sáp nhập huyện, xã, sáp nhập bộ, ngành trên cơ sở làm rõ và phân định rõ địa vị pháp lý, trách nhiệm, phân cấp, phân quyền, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ từng vị trí công tác trong từng đơn vị và giữa các cơ quan, bộ phận thật đồng bộ, hợp lý, liên thông, gắn kết nhau.

Làm rõ phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp; kiên quyết cắt bỏ sự cồng kềnh, các tầng nấc, đầu mối và các khâu trung gian “ăn theo” không cần thiết, bảo đảm tính đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp, tính tổng thể, đồng bộ, liên thông. Một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; vừa phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và vai trò tự quản của địa phương, đơn vị, vừa khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo và song trùng về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực. Giảm thiểu tính ôm đồm, bao biện làm thay và tình trạng “bộ trong bộ”, “một cửa nhiều chìa khóa”, nhiều người có quyền can thiệp, mà không có ai chịu trách nhiệm cụ thể, cao nhất, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, đùn đẩy trách nhiệm, “tranh công đổ tội”, “nói không đi đôi với làm”, phát sinh phiền nhiễu. Loại bỏ triệt để những biến tướng và tàn dư của cơ chế xin - cho, bịt chặt các kẽ hở thể chế dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... cội nguồn làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động, cản trở phát triển.

Đặc biệt, tính khoa học đòi hỏi cần xây dựng bộ máy trên cơ sở thực tiễn mới gắn với hội nhập quốc tế ngày càng đầy đủ, sâu rộng và toàn diện; chủ động tham chiếu và vận dụng kinh nghiệm quốc tế về tổ chức bộ máy của Chính phủ; tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân biệt rõ cấp ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật với cấp tổ chức thực hiện, cũng như phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả” trong quy trình công tác.

Đồng thời, gắn tinh gọn bộ máy với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, chuẩn hóa chức danh và xác định vị trí việc làm theo khung tiêu chuẩn, tiêu chí ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình; tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, “vì việc tìm người”; coi trọng sử dụng người có năng lực nổi trội, chủ động, sáng tạo và trách nhiệm công vụ cao; coi trọng chất lượng tham mưu, đề xuất và năng lực điều phối, hướng dẫn, tổ chức thực hiện; thanh lọc kịp thời những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Theo qdnd.vn

Tin cùng dòng sự kiện