Đó cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các nguy cơ lớn hơn mà chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo để đấu tranh, loại bỏ.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Óc hẹp hòi - ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình, ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng. Vì thế mà người ta uất ức và mình thành ra cô độc”. Bác kiên quyết chống “bệnh hẹp hòi”, vì “nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa,… đều do bệnh hẹp hòi mà ra!”.
Ngày nay, dù được học tập thường xuyên, toàn diện và sâu sắc, nhưng tư duy hẹp hòi của một số cán bộ, đảng viên vẫn chưa được uốn nắn, sửa chữa, thay đổi nên đã để lại nhiều hậu quả khó lường.
Tư duy hẹp hòi của cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý thường được thể hiện trong quyết định công tác. Khi thực hiện các quyết định này, những cán bộ có địa vị nhưng sẵn tư duy hẹp hòi thường có thái độ “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, dành “miếng ngon, miếng ngọt” cho mình, cho những người tâm phúc, thân tín vốn là người nhà, người thân, người quen, cánh hẩu cùng những người “hợp gu”, “hợp cạ” và những kẻ khéo “chạy”, khéo “lo lót”. Trong việc phân phối chương trình, dự án thì ưu tiên cho quê mình, vùng mình, kẻ quan tâm đến mình, kẻ nâng giấc và chiều theo thói quen, sở thích ăn uống, ngủ nghỉ… của mình.
Để “dọn đường” cho mục đích này, một trong những “biểu hiện” mà những trường hợp này thường áp dụng là không tiếc lời khen ngợi cá nhân, tập thể “nằm trong mục tiêu” trước hội nghị, chỗ đông người ở cả quy mô và tần suất khác nhau. Họ “bật đèn xanh”, “định hướng” để các cơ quan thông tin đại chúng viết tin, bài tuyên truyền về năng lực, trình độ… nhằm khoác cho đối tượng mà họ nâng đỡ chiếc áo sặc sỡ nhằm thu hút dư luận, qua đó “đánh tráo” niềm tin...
Những chiêu trò này dẫn đến tình trạng cá nhân có năng lực, tập thể làm được việc thì rơi vào trạng thái bị “hoài nghi”, còn cá nhân, tổ chức chỉ “thường thường bậc trung”, thậm chí là yếu kém lại được hưởng lợi.
Đáng quan tâm, khi dư luận có ý kiến, thậm chí có đơn thư khiếu nại, tố cáo, thì lại bị trù dập, bị “khoác cái áo” là đi ngược chủ trương, đi ngược quyền lợi tập thể. Lúc này, các cán bộ có địa vị, quyền chức (nhưng tha hóa về tư tưởng) ra sức dùng mọi lý lẽ “đánh tráo khái niệm” để bảo vệ người thân, đệ tử “cánh hẩu”... Một mặt, họ bao biện cho những quyết định thiếu căn cứ khoa học, mang nặng tư duy hẹp hòi của chủ nghĩa cá nhân bằng cách đẩy “quả bóng” trách nhiệm sang tập thể. Mặt khác, họ quy chụp cho những người đấu tranh là “so bì hơn kém”, “kém miếng khó chịu”, thậm chí họ dùng biện pháp “cô lập” để quy kết cá nhân, tập thể, gây mất đoàn kết nội bộ, trù dập người có chính kiến đúng đắn.
Có thể nói, với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý nếu mắc phải bệnh hẹp hòi là đi vào “khoảng tối” của sự phát triển, đồng nghĩa với đi ngược lại lý tưởng cao đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam, đi ngược nguyên tắc hoạt động của tổ chức. Nguy hại hơn, nó còn làm cho tinh thần đoàn kết trong tập thể bị ảnh hưởng, gây ra tình trạng phe nhóm ngấm ngầm trong nội bộ; làm mất đi động cơ phấn đấu, khiến cho niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút.
Để chữa trị căn bệnh hẹp hòi, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nội bộ cơ quan, đơn vị; kiên định đấu tranh, phê phán những thói hư, tật xấu, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình… Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được thực hiện thường xuyên, bài bản; thực hành dân chủ rộng rãi, công khai.
Nhìn thẳng vào thực tế, Đảng, Nhà nước và dư luận trăn trở, bất bình trước một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước, song không vượt qua được cám dỗ, đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, thực hiện các việc làm trái chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngày 11-7-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TƯ về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong đó quy định xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Dư luận nhân dân đánh giá, Đảng ta đã kê trúng đơn thuốc để trị tận gốc khối ung nhọt trong công tác cán bộ, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Quy định này cùng với Quy định số 96-QĐ/TƯ ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, tạo nên một hành lang thể chế để các cấp ủy, tổ chức Đảng đánh giá và lựa chọn đúng cán bộ, nhất là nhân sự cấp cao và người đứng đầu các cấp.
Gửi phản hồi
In bài viết