Là quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng và tôn giáo và nhiều người theo tín ngưỡng, tôn giáo, ước tính nước ta có khoảng 90% dân số theo tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có khoảng 25,3 tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số, có 43 tổ chức tôn giáo đã được công nhận. Trong giai đoạn đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có những đổi mới về nhận thức, đánh giá tôn giáo với tư duy khoa học, tôn trọng thực tế, không chủ quan duy ý chí đó là: “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một số bộ phận nhân dân”; “Tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài”; “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”.
Tự nhận thức và đánh giá đúng về tôn giáo, Đảng ta luôn chủ trương thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín, dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.
Trở lại với âm mưu, luận điệu vu cáo Việt Nam có các hoạt động đàn áp tôn giáo. Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế để thấy sự thật của vấn đề. Đó là thời gian gần đây ở nước ta đã xuất hiện không ít hoạt động tôn giáo trái pháp luật của một số tổ chức tôn giáo chưa được cấp phép, một số “đạo” mới xuất hiện trên cơ sở vay mượn giáo lý của các tôn giáo trước khá phổ biến như: Đạo Hà Mòn, Dương Văn Mình, Long hoa Di lạc và Thanh Hải Vô thượng sư; thậm chí mang tính chất tà đạo như Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ, Tâm Thiên Địa... Hoạt động của các tổ chức này đều trái với văn hóa truyền thống của dân tộc ta, mang màu sắc mê tín dị đoan, hoạt động lén lút... và nhìn chung là đều vi phạm pháp luật, bị dư luận lên án. Tuy nhiên các cơ quan chức năng của chúng ta mới chủ yếu xử lý các vi phạm dựa trên quy định của pháp luật, không có cái gọi là đàn áp tôn giáo như những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, kích động của các thế lực thù địch hòng gây bất ổn vì an ninh chính trị, phục vụ âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Có thể khẳng định một sự thật rõ ràng đó là Việt Nam đang tích cực thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật, đồng thời cùng các quốc gia khác trên thế giới đấu tranh bảo vệ, phát huy các nguyên tắc, nội dung, tiến bộ về tự do tôn giáo. Lấy mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để đoàn kết đồng bào các tôn giáo vì mục tiêu chung.
Gửi phản hồi
In bài viết