Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an tham dự Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương_Ảnh: TTXVN
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được hình thành, bổ sung, hoàn thiện gắn liền với tiến trình cách mạng nước ta; chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ di sản tư tưởng của Người. Quan điểm này được hình thành, phát triển trong quá trình lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, Người cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có vai trò là người lãnh đạo cách mạng, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài của Đảng. Quan điểm của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng tập trung ở năm nội dung: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Người không xem nhẹ bất cứ nội dung nào, mà luôn chủ trương phối hợp xây dựng trên tất cả các mặt.
Xây dựng Đảng về chính trị: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về chính trị thực chất là xây dựng đường lối chính trị của Đảng, thể hiện qua Cương lĩnh chính trị và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng. Từ đó, Đảng mới có đường lối chiến lược cũng như phương hướng, kế hoạch rõ ràng, cụ thể để lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội. Đồng thời, Đảng luôn chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng. Do đó, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã chú trọng đến nội dung xây dựng Đảng về chính trị. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh và Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định, Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm “nòng cốt”, làm nền tảng tư tưởng và “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của mình. Xa rời chủ nghĩa Mác - Lê-nin sẽ không thể đưa một đảng cách mạng đến thành công. Thấu hiểu điều đó hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”(1).
Theo Người, chủ nghĩa Mác - Lê-nin không những là “kim chỉ nam” mà còn là “mặt trời soi sáng” cho con đường cách mạng nước ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên rằng, mục tiêu cuối cùng của Đảng là đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Lập trường kiên định của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu, lập trường của Đảng là mục tiêu, lập trường của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc. Mục tiêu và lập trường đó phải luôn được thể hiện rõ trong Cương lĩnh chính trị cũng như trong mọi công việc hoạch định, xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng; nếu rời bỏ thì không sớm thì muộn sẽ dẫn đến sai lầm về đường lối chính trị, khiến cho Đảng không còn là một đảng chân chính và cách mạng.
Xây dựng Đảng về tư tưởng: Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin là vũ khí lý luận, là nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, bởi vậy, trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nội dung then chốt trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Nếu học không hiểu hoặc hiểu mà không biết vận dụng sáng tạo vào điều kiện cách mạng nước ta thì sẽ không đưa lại kết quả mong muốn. Người chỉ rõ: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế... Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông... Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế... Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”(2). Học lý luận là để nắm vững lý luận và điều cốt lõi là phải biết vận dụng lý luận vào thực tiễn, vào tất cả các tình huống khác nhau của đời sống xã hội. Có như vậy, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mới thực sự đóng vai trò là “hạt nhân chính trị”, là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động thực tiễn của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, việc vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin phải luôn phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam trong từng thời kỳ. Đồng thời, phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận để giải quyết đúng đắn những vấn đề đặt ra trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng.
Xây dựng Đảng về đạo đức: Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Tư tưởng xây dựng Đảng về đạo đức được thể hiện rất rõ trong cả tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người.
Trong các bài nói chuyện, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trong Di chúc để lại, căn dặn toàn Đảng, toàn dân những điều tâm huyết trước khi đi xa, Người chỉ rõ: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(3).
Xây dựng Đảng về đạo đức chính là xây dựng cái căn bản, gốc rễ tinh thần vững chắc của Đảng. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn đất nước để đề ra Cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, trong điều kiện Đảng trở thành đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt đạo đức càng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hơn.
Xây dựng Đảng về tổ chức: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng Đảng về tổ chức là vấn đề có ý nghĩa then chốt; sức mạnh của Đảng là sức mạnh của tổ chức, là sức mạnh của hệ thống chính trị trong tổ chức, từ Trung ương đến địa phương, từ các cơ quan nhà nước đến các đoàn thể nhân dân. Theo Người, mục đích của xây dựng Đảng về tổ chức là làm cho Đảng trở thành một tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh; một tổ chức có sức mạnh chiến đấu với một đội ngũ cán bộ, đảng viên thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức, bởi vậy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương phải thật sự chặt chẽ, có ý thức kỷ luật cao. Sức mạnh của mỗi tổ chức, đoàn thể có sự liên quan chặt chẽ với nhau, tạo nên sức mạnh chung của cả hệ thống, mặc dù mỗi cấp độ tổ chức có chức năng và nhiệm vụ riêng. Trong hệ thống tổ chức đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ, vì chi bộ là tổ chức hạt nhân chính trị ở cơ sở, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường trực tiếp cho việc tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát đảng viên.
Xây dựng Đảng về công tác cán bộ: Nhận thức rõ vai trò quan trọng của người cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt ra chính sách đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(4). Theo đó, việc sử dụng, cất nhắc cán bộ “phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái”(5). Trên cơ sở những ưu điểm, năng lực của người cán bộ mà đề bạt, cất nhắc họ một cách khách quan, công tâm, đúng người, đúng việc. Người làm công tác cán bộ “nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục” và như thế là “có tội với Đảng, có tội với đồng bào”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(7). Một chân lý lớn lao mà Người căn dặn Đảng phải thực hiện cho kỳ được trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào để Đảng có được những cán bộ, đảng viên tốt, xứng đáng “là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, đó là Đảng phải hết sức quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, phải coi đó là “một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(8) trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng để không lạc hậu đối với cuộc sống, ngày càng tiến bộ không ngừng. Người chỉ rõ: “Thời đại chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng... làm cách mạng để tự giải phóng và để cải tạo xã hội cũ xấu xa thành xã hội mới tốt đẹp... là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ... Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang,... Muốn gột sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu. Mà thoái bộ và lạc hậu thì sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải”(9).
Thực tiễn phong phú hơn 92 năm qua của cách mạng Việt Nam cho thấy, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến sức mạnh, uy tín của Đảng. Tại Đại hội IV (năm 1976), Đảng ta đã tổng kết công tác xây dựng Đảng được thực hiện theo phương châm: xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về “chính trị, tư tưởng và tổ chức”. Đến Đại hội XII của Đảng (năm 2016), nội dung xây dựng Đảng về đạo đức được nhấn mạnh: “Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức””(10). Xây dựng Đảng về đạo đức luôn gắn liền và nằm trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nhưng nay được định danh, được đặt ngang hàng với các mặt công tác xây dựng Đảng khác, đã thể hiện ý chí của Đảng là đề cao, coi trọng yếu tố đạo đức trong xây dựng Đảng. Đây là một trong những điểm mới, rất căn bản và trọng yếu trong việc mở rộng nội dung xây dựng Đảng. Tại Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), công tác xây dựng Đảng về cán bộ đã trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: “Phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(11), đồng thời, Đại hội cũng khẳng định, công tác cán bộ là “khâu then chốt” của “nhiệm vụ then chốt” xây dựng Đảng vững mạnh về “chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Từ đó, đặt ra yêu cầu đổi mới toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa công tác cán bộ trong thời gian tới.
2. Lực lượng công an nhân dân là “cánh tay đắc lực”, “thanh bảo kiếm” bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, vì vậy, yêu cầu xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại được đặt ra ngày càng cấp thiết trong tình hình hiện nay. Bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; các mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống tiếp tục gia tăng; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; vấn đề an ninh mạng; tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia… ngày càng phức tạp, khó dự đoán. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức đặt ra đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, đòi hỏi công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an nhân dân phải có sự chuyển biến nhanh chóng và kịp thời. Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong công an nhân dân thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, đổi mới, nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân; bảo đảm hiệu quả, thực chất trong giáo dục đạo đức, lối sống, đi đôi với giáo dục phong cách làm việc khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải lấy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Phải luôn kiên định, vững vàng trước sự tấn công của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và những cám dỗ, tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường; bồi đắp ý chí khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy, năng động, sáng tạo, nhạy bén, mưu trí, dũng cảm trong công tác, chiến đấu.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm; ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, vô cảm trước những bức xúc của nhân dân, những biểu hiện của “lợi ích nhóm”, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân thật sự liêm chính, tâm huyết, vì Đảng, vì nhân dân.
Tuổi trẻ Công an Hà Nội giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19_Ảnh: TTXVN
Hai là, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cấp ủy, lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 04/CT-BCA, ngày 19-5-2018, của Bộ trưởng Bộ Công an về đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” trong tình hình mới và Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”…
Nêu cao vai trò gương mẫu của cấp ủy, người đứng đầu trong tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ sai phạm. Triển khai thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 01-QĐi/ĐUCA-X03, ngày 28-1-2019, của Đảng ủy Công an Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ và người đứng đầu công an các đơn vị, địa phương… Chủ động xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy trình, quy chế và tiêu chí trong nêu gương, đề cao trách nhiệm, tính tự giác của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Thường xuyên tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình, “tự soi”, “tự sửa”, “tự nhận diện”; xây dựng phong cách, tác phong làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương, thi đua khen thưởng, tạo sự lan tỏa những hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân.
Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng gương “người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, trong rèn luyện đạo đức, lối sống, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu. Đồng thời, kiên quyết khắc phục những biểu hiện hình thức, “bệnh thành tích” để các phong trào thi đua thực sự là động lực khơi dậy tinh thần, ý chí vươn lên của mỗi cá nhân trong từng cơ quan, đơn vị công an nhân dân.
Thực tiễn cách mạng của Đảng và của dân tộc hơn 92 năm qua, nhất là trong công cuộc đổi mới cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với công an nhân dân cũng là nhân tố quyết định thắng lợi công tác công an trong tình hình mới, đồng thời là cơ sở để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh theo căn dặn và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
PGS, TS. VŨ TRỌNG LÂM
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
-------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 273-275
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622
(4), (5), (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 309, 321, 321, 321
(8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 622, 600-602
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 202
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 180
Gửi phản hồi
In bài viết