Văn hóa chính trị của người cán bộ, đảng viên hiện nay

Văn hóa chính trị là “những giá trị, lý tưởng cao đẹp mà con người hướng tới trong hoạt động chính trị, thể hiện ở sự hiểu biết về chính trị, ở trình độ tổ chức hệ thống quyền lực, ở hành động chính trị theo một chuẩn giá trị xã hội nhất định”(1). Việc làm rõ các nội dung liên quan tới văn hóa chính trị có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội).

Ảnh: TTXVN

Văn hóa chính trị - quan niệm và bản chất

“Chính trị học (hay khoa học chính trị - Political Science) là một ngành khoa học nghiên cứu về chính trị. Chính trị ra đời và gắn liền với giai cấp và nhà nước - tức gắn với hoạt động của các đảng phái, hoạt động cầm quyền, cai trị, phân bổ lợi ích,... - nên Chính trị học cũng được coi là môn khoa học về quyền lực, cầm quyền, cai trị,... Nói một cách ngắn gọn, đó là khoa học về việc “giành, giữ, và thực thi quyền lực nhà nước””(2). Khoa học chính trị bao giờ cũng được giai cấp nắm quyền thống trị xã hội đề cao, bởi nó trực tiếp phục vụ cho việc nắm và phát huy vai trò thống trị xã hội theo lý tưởng, mục đích của giai cấp thống trị. Đảng chính trị của giai cấp cầm quyền thông qua cương lĩnh, đường lối của mình, bằng các biện pháp khác nhau để thực hiện mục tiêu chính trị của mình. Để giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị một cách hiệu quả thì đảng cầm quyền cần có văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị lại chịu sự quy định của tri thức chính trị. Tri thức chính trị xét về mặt chỉnh thể được tạo bởi nhiều yếu tố; vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải làm rõ các yếu tố cấu thành của tri thức chính trị - nhân tố quan trọng của văn hóa chính trị, góp phần nâng cao văn hóa chính trị của mỗi người đảng viên ở Việt Nam hiện nay.

Văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng, là trình độ phát triển về mặt vật chất và tinh thần của nhân loại trong mỗi giai đoạn nhất định. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(3).

Văn hóa chính trị là văn hóa của nhà cầm quyền trong xã hội có giai cấp, văn hóa của những người thuộc về tổ chức có quyền lực chính trị trong một thể chế chính trị nhất định. Theo đó, văn hóa chính trị của người cán bộ, đảng viên là những giá trị chân, thiện, mỹ, phản ánh bản chất giai cấp công nhân, bản sắc văn hóa dân tộc, được biểu hiện thông qua nhận thức, tri thức, tình cảm, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử, năng lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên được xác lập trên cơ sở lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cách thức ứng xử chính trị của người cán bộ, đảng viên đối với quyền lực được giao, khả năng thu phục, tập hợp, tổ chức trong hoạt động thực tiễn.

Văn hóa chính trị gắn liền với hoạt động chính trị của đảng chính trị, người cầm quyền trong hệ thống chính quyền nhà nước; là biểu hiện về một khía cạnh của bản lĩnh chính trị của cá nhân, tổ chức có và đang thi hành quyền lực chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”(4). Tư tưởng đó của Người thể hiện rõ vai trò của văn hóa chính trị trong xây dựng một chế độ chính trị cụ thể - xã hội xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(5).

Các thành tố của văn hóa chính trị và ý nghĩa của văn hóa chính trị đối với hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên

Văn hóa chính trị là một chỉnh thể, được tạo thành bởi các yếu tố cơ bản, như tri thức chính trị, ý thức chính trị, năng lực hành động chính trị và kinh nghiệm chính trị(6).

Tri thức chính trị được coi là hạt nhân của văn hóa chính trị, là sự hiểu biết chính trị của người nắm quyền lực chính trị. Tri thức chính trị là một bộ phận của tri thức nói chung; nó giống với các hình thức tri thức khác ở chỗ đều là sự hiểu biết của con người, được tích lũy và phát triển trong tiến trình lịch sử - xã hội, đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội của con người. Khác với các loại hình tri thức khác, tri thức chính trị là tri thức có tính đặc thù chính trị; thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp lợi ích kinh tế và các lợi ích khác của người nắm quyền lực chính trị. Người nắm quyền lực chính trị có thể là cá nhân, tổ chức hoặc đảng phái, hệ thống chính trị.

Tri thức chính trị của người nắm quyền lực chính trị là sự hiểu biết một cách có hệ thống và sâu sắc các quy luật của xã hội, đủ khả năng cắt nghĩa và tìm được những câu trả lời đúng trước những biến động phức tạp của đời sống xã hội, để nắm vững và vận dụng đúng những nguyên lý, quy luật phát triển của lịch sử - xã hội. Để có tri thức chính trị, trước hết cá nhân đó cần phải có vốn hiểu biết về lịch sử - xã hội, về văn hóa, triết học, tâm lý, địa lý, lịch sử, tôn giáo, phong tục, tập quán, lối sống... của con người, cộng đồng người trong quan hệ chính trị.

Trong hình thái kinh tế - xã hội chiếm hữu nô lệ và phong kiến ở phương Đông cũng như phương Tây, người ta rất chú trọng việc dạy học các môn lịch sử, văn chương, võ nghệ, thuật trị quốc... cho con, cháu dòng dõi vua, quan ngay từ nhỏ. Ở Trung Quốc, từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc trở đi, để có thể ra làm quan, học sinh phải học “lục nghệ” (lễ, nhạc, bắn cung, toán học, cưỡi ngựa và thư pháp). Ở Hy Lạp cổ đại, nhà tư tưởng Platon cho rằng, thông thái là tiêu chuẩn không thể thiếu của nhà cầm quyền. Thông thường, vua, hoàng đế trong xã hội cổ đại thường sử dụng “quân sư” để tham vấn cách giải quyết các vấn đề nảy sinh trong việc trị nước, cũng chính là sử dụng tri thức chính trị trong hoạt động cầm quyền.

Ở Việt Nam, trong xã hội phong kiến, các hoàng tử thường được dạy về đạo làm người, đường lối trị nước, học thuật, hiểu biết về thời thế, nghệ thuật sử dụng người hiền tài... Các đề tài trong các khóa thi tiến sĩ đều gắn liền với văn hóa, đạo đức, chính trị, kinh tế của quốc gia - dân tộc. Những người đỗ đạt cao, hiểu biết rộng, thường được bổ nhiệm vào các chức quan trong bộ máy chính quyền.

Xét về cấu trúc, tri thức chính trị được tạo thành bởi hai yếu tố là tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận.

Tri thức kinh nghiệm chính trị là một yếu tố cấu thành của tri thức chính trị. Tri thức kinh nghiệm chính trị là sự phản ánh trực tiếp đời sống chính trị, được hình thành trong thực tiễn chính trị. Những bài học về “thắng, thua” trong hoạt động chính trị tạo thành tri thức kinh nghiệm chính trị, được truyền dạy qua các thế hệ. Tri thức kinh nghiệm chính trị được hình thành trong hoạt động thực tiễn chính trị. Những người hoạt động chính trị thường có nhiều kinh nghiệm chính trị và do đó, có năng lực hoạt động chính trị. Để có tri thức kinh nghiệm chính trị, cá nhân đó phải “tắm mình” trong các hoạt động chính trị, các phong trào chính trị, đảm trách các chức vụ từ nhỏ đến lớn trong hệ thống chính trị, các tổ chức đảng chính trị. Trong thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay, tri thức kinh nghiệm chính trị thường có ở những đảng viên có tuổi đảng cao, những người có bề dày hoạt động chính trị phong phú. Đảng viên trẻ thường có nhiệt huyết, quyết tâm, mạnh dạn trong thực hiện nhiệm vụ và đây chính là điểm mạnh của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, do còn ít trải nghiệm thực tiễn nên họ cũng có ít kinh nghiệm chính trị. Chính vì thế, khối tri thức kinh nghiệm chính trị phong phú mà lớp đảng viên lão thành tích lũy được trong cả cuộc đời hoạt động lâu dài, phong phú của mình chính là một tài sản vô giá, cần được trao truyền để lớp đảng viên trẻ có thể kế thừa, học hỏi, trau dồi và phát triển tri thức chính trị.

Đảng viên trẻ là học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) xúc động đọc lời tuyên thệ nêu cao tinh thần trách nhiệm với Đảng và nhân dân, quyết tâm nâng cao trình độ kiến thức, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống lành mạnh. Nguồn: baovephapluat.vn

Về tri thức lý luận chính trị, hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và “kim chỉ nam” cho mọi hành động cách mạng của mình. Do vậy, trong các tiêu chuẩn để bổ nhiệm cán bộ trong hệ thống chính trị thì lý luận chính trị là một tiêu chuẩn “cứng”. Đội ngũ cán bộ nguồn khi được đào tạo trong hệ thống các trường chính trị của Đảng sẽ được học các môn lý luận chính trị, như Triết học Mác - Lê-nin, Kinh tế chính trị Mác - Lê-nin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thực tế cho thấy, hệ tư tưởng giữ vai trò thống trị xã hội bao giờ cũng là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị xã hội. Song, quyền lực chính trị, về bản chất, là sự phản ánh và chịu sự quy định của quyền lực kinh tế. Giai cấp nào nắm quyền thống trị về kinh tế thì đồng thời, cũng là giai cấp thống trị về chính trị. V.I. Lê-nin cho rằng, chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế. Kinh tế ở đây thực chất là quyền lực kinh tế, lợi ích kinh tế của chủ thể, có thể biểu hiện là một cá nhân, hoặc một cộng đồng (tập thể, giai cấp, dân tộc, nhân loại,...). Mọi vấn đề chính trị của một giai cấp, của một thời đại, xét đến cùng, đều phản ánh lợi ích kinh tế và chịu sự quy định của tất yếu kinh tế. Một nền chính trị ổn định, vững mạnh là điều kiện bảo đảm cho nền kinh tế phát triển. Kinh tế phát triển lại là nền tảng của một nền chính trị ổn định, vững mạnh. Thực tế chứng minh rằng, lợi ích kinh tế được biểu hiện bằng quan điểm chính trị thông qua lăng kính giai cấp, không có văn hóa chính trị nào lại không mang tính giai cấp. Lẽ tất nhiên, văn hóa chính trị phản ánh quan điểm, tư tưởng chính trị của những người hoạt động chính trị.

Ở Việt Nam hiện nay, đường lối chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc, của đất nước. Đảng đặc biệt quan tâm tới khoa học chính trị Mác - Lê-nin; bởi nhờ đó, Đảng mới có nhận thức đầy đủ về những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, định ra đường lối, chủ trương đúng đắn để đưa đất nước, dân tộc hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu chính trị của Đảng là xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực hiện đường lối chính trị của Đảng vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi công dân Việt Nam; trong đó, giữ vai trò nòng cốt là đội ngũ đảng viên - bộ phận ưu tú nhất của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức cách mạng. Người đảng viên, hơn lúc nào hết, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, phải ra sức học tập lý luận chính trị, bồi dưỡng và phát triển văn hóa chính trị.

Trên thực tế, người cán bộ, đảng viên không chỉ cần có tri thức chính trị, mà còn phải có ý thức chính trị. Ý thức chính trị được tạo thành bởi tình cảm chính trị và quan điểm, tư tưởng chính trị.

Tình cảm chính trị trước hết là cảm xúc, niềm tin chính trị. Cảm xúc chính trị là yếu tố tâm lý đặc biệt trước những sự kiện chính trị diễn ra trong đời sống xã hội. Cảm xúc chính trị của người cán bộ, đảng viên hiện nay được biểu hiện rõ nhất thông qua thái độ yêu mến, lòng tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, của Đảng, ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bằng thái độ kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch. Tình cảm chính trị còn được thể hiện bằng những hành động cụ thể, như việc ham học hỏi các môn khoa học chính trị để không ngừng nâng cao trình độ, năng lực lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay.

Tình cảm chính trị là cơ sở hình thành và phát triển niềm tin chính trị. Niềm tin chính trị được biểu hiện ở sự tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quyết tâm và kiên định con đường cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn. Phẩm chất chính trị của người cán bộ, đảng viên được thể hiện tập trung nhất ở lòng yêu nước, lòng trung thành, niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang tìm “trăm phương, nghìn kế”, không ngừng phát tán, tuyên truyền những quan điểm xuyên tạc, sai trái hòng làm lung lay niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng. Trước những luận điểm sai trái, thù địch ấy, người cán bộ, đảng viên không chỉ cần có trình độ lý luận chính trị vững vàng, nhãn quan chính trị sáng suốt, mà còn phải có kinh nghiệm chính trị dày dạn, để bảo đảm giữ vững sự tin tưởng và kiên định lập trường chính trị. Tuy nhiên, hiện nay có những người đã rời bỏ lập trường chính trị đúng đắn do mình đã chọn trước đây, quay lưng lại với lịch sử, với cách mạng, ra sức bôi nhọ, bóp méo sự thật lịch sử cách mạng, tự đứng vào hàng ngũ những kẻ chống đối chế độ, đi ngược lại với lợi ích dân tộc. Đối với những đối tượng này, đội ngũ đảng viên cần kiên quyết phê phán, đấu tranh, để góp phần bảo vệ, giữ vững niềm tin chính trị, đồng thời thực hiện trách nhiệm nêu gương, định hướng và lan tỏa những quan điểm, lập trường chính trị đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta tới đông đảo quần chúng nhân dân.

Quan điểm, tư tưởng chính trị là một yếu tố của tri thức chính trị, là tri thức chính trị ở cấp độ lý luận. Quan điểm chính trị là sự thể hiện rõ thái độ chính trị của người cán bộ, đảng viên trước sự vận động của đời sống chính trị, là kết quả của quá trình nhận thức chính trị thông qua các luận điểm, nhận định, đánh giá trên lập trường chính trị rõ ràng, quan điểm chính trị cụ thể. Theo V.I. Lê-nin, “... không có một lập trường chính trị đúng thì một giai cấp nhất định nào đó, không thể nào giữ vững được sự thống trị của mình”(7).

Tư tưởng chính trị là hệ thống các quan điểm chính trị được trình bày có hệ thống, lô-gíc, là sự thể hiện trình độ lý luận chính trị trong thực hiện các hoạt động chính trị của cá nhân, tổ chức. Tư tưởng chính trị đúng là ánh sáng soi đường cho hành động chính trị đúng. Trong bối cảnh hiện nay, “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”(8) được xem là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, thì việc xác định rõ và kiên định tư tưởng, lập trường chính trị là yêu cầu, nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp thiết.

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-5-2023, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải phối hợp với nhân dân trồng 1.000 cây mắm tại khu vực ven biển thuộc ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng để bảo vệ môi trường. Ảnh: TTXVN

Để có văn hóa chính trị, người cán bộ, đảng viên cần phải có năng lực hành động chính trị. Năng lực hành động chính trị là một hình thức năng lực đặc biệt, là khả năng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Năng lực hành động chính trị được hình thành và phát triển trong thực tiễn hoạt động chính trị. Để có năng lực hành động chính trị, trước hết và đương nhiên người cán bộ, đảng viên cần có năng lực lý luận chính trị, mà cụ thể là khả năng nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng. Đây là “kim chỉ nam”, đồng thời là phương tiện để người cán bộ, đảng viên có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Về vấn đề này, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương”(9).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, yếu tố trực tiếp cho sự hình thành và phát triển năng lực hành động chính trị là năng lực tổ chức thực tiễn các hoạt động chính trị. Kết quả hoạt động thực tiễn chính trị là thước đo để đánh giá năng lực hành động chính trị của con người chính trị. Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; trong đó, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Vì “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, cho nên việc đánh giá năng lực hành động chính trị của người cán bộ, đảng viên không chỉ căn cứ vào lời nói, bằng cấp, chứng chỉ..., mà còn phải căn cứ vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hiệu quả công tác tổ chức vận động quần chúng, sự gương mẫu nêu gương của người cán bộ, đảng viên trong đời sống hằng ngày, sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”(10). Do vậy, để có thể hoàn thành tốt chức trách và nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh phát triển mới, người cán bộ, đảng viên cần phải chú ý nâng cao cả năng lực lý luận chính trị và năng lực hành động chính trị. Người cán bộ, đảng viên phải thực hiện “nói đi đôi với làm”, “nói được, làm được” thì mới nhận được niềm tin yêu, sự tin tưởng, kính phục của nhân dân.

Văn hóa chính trị của người cán bộ, đảng viên không phải thứ có sẵn, mà là kết quả của quá trình nhận thức, rèn luyện bền bỉ của người cán bộ, đảng viên trong quá trình hoạt động thực tiễn chính trị, là sự đấu tranh không mệt mỏi với những điều đi ngược lại với giá trị tiến bộ của quốc gia, dân tộc, nhân loại. Để nâng cao văn hóa chính trị trong mỗi người cán bộ, đảng viên hiện nay, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả: Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức về văn hóa chính trị, luôn chủ động phát huy tính tự giác, tích cực tự học, tự rèn phong cách công tác và đạo đức, lối sống; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động đào tạo, bồi dưỡng văn hóa chính trị cho cán bộ, đảng viên; kết hợp chặt chẽ xây dựng văn hóa chính trị với chủ động phòng ngừa những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong chính trị...

Chiến lược phát triển xã hội theo các mục tiêu và giá trị của chủ nghĩa xã hội đều quy tụ ở chiến lược phát triển con người. Thực chất vấn đề con người trong chính trị biểu hiện ở một nền chính trị thấm đẫm tính nhân văn, tinh thần dân chủ và chủ nghĩa nhân đạo, ở một nền chính trị phục vụ cho con người và vì con người. Văn hóa không chỉ là mục đích, mà còn là nền tảng của đời sống xã hội, là nguồn lực của sự phát triển. Văn hóa chính trị là cái cốt lõi, tạo môi trường, điều kiện cho một nền chính trị phát triển ổn định.

Các yếu tố cấu thành tri thức chính trị có vị trí và vai trò khác nhau, song đều không thể thiếu trong tiến trình xây dựng, phát triển văn hóa chính trị của mỗi người cán bộ, đảng viên. Cần thấy rõ vị trí, vai trò của từng yếu tố trong tri thức chính trị, trên cơ sở đó mà hình thành và phát triển chiến lược nâng cao văn hóa chính trị cho mỗi cán bộ, đảng viên trong điều kiện hiện nay. Trang bị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ tri thức chính trị, từ đó có nền tảng văn hóa chính trị vững chắc, là điều kiện tiên quyết để giúp họ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ do Đảng giao phó, xứng đáng với tư cách người đảng viên./.

NGUYỄN QUỐC HUY

Đại tá, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương

------------------------------

(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị: Chính trị học, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2019, tr. 89
(2) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị: Chính trị học, Sđd, tr. 16
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 458
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 222
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 128
(6) Xem: Nguyễn Trọng Chuẩn: “Chính trị dựa trên nền tảng văn hóa - cái gốc tạo nên sức mạnh cho đảng cầm quyền”, Tạp chí Cộng sản, số 934, tháng 1-2020, tr. 55 - 60
(7) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 42, tr. 350
(8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 108, 182 - 183
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 320

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Tin cùng dòng sự kiện