Dòng sữa chia đôi

Rẫy mì của Thụy ngày nào giờ đã là vườn cây rợp bóng lớn lên từng ngày theo đà lớn của hai đứa trẻ cùng chung một tuổi: thằng Mỹ tròn lẳng nhưng lầm lì, thằng Bình ốm tong lại hoạt bát.

Trong phòng học của thằng Mỹ, thằng Bình cầm con voi ngắm nghía, châm chọc: “Anh Mỹ nắn con voi đẹp quá nhỉ. Anh phải nắn thêm ông Mỹ con ngồi trên lưng với bảng điểm mười treo lộn ngược trước ngực”. Thằng Mỹ đang làm bài tập toán, không tập trung suy nghĩ được vì giọng nói léo nhéo của thằng Bình, nó gắt: “Mày có im cho tao làm bài không?!”. Thằng Bình nheo một bên mắt nhìn thằng Mỹ: “Làm gì mà cáu vậy? Anh làm bài bằng óc và bằng tay còn em nói bằng miệng thì có ảnh hưởng gì đâu”.

Nhìn nét mặt giễu cợt và nghe giọng láu cá của thằng em hay đùa dai, thằng Mỹ cáu tiết xô ghế đứng dậy, quát lên: “Đi ra ngo..à..i! Tao bảo mày đi ra ngoài!”. Thằng Bình bị bất ngờ trước sự thịnh nộ của anh, nó vội lùi lại và chới với vì đụng chân giường phía sau, con voi đất tuột tay rơi xuống đất gãy vòi rụng tai. “Á... m..à.y làm hư con voi của tao rồi”. Thằng Mỹ la lên thì mẹ nó hiện ra nơi cửa phòng: “Việc gì mà làm ầm lên thế?”. Miệng hỏi nhưng khi nhìn thấy hiện trạng chị thoáng hiểu. Lượm con voi đất đặt lên bàn, chị nói với thằng Mỹ: “Em nó dại. Thôi con nặn lại”. Chị nắm tay thằng Bình, phát một cái vào mông: “Sao phá đồ học của anh. Đi ra ngoài cho anh học”.

Chị dắt tay con đi ra thì chạm mặt Thụy, chồng chị, đang đứng ở cửa tự bao giờ. Anh đặt một ngón tay lên môi rồi né người cho chị dắt con đi ra. Thụy vào phòng cầm con voi đất lên xem, nói với thằng Mỹ: “Con chịu khó nặn lại. Thu xếp sách vở rồi đi dọn cơm với mẹ. Đừng đứng cau có như thế”. Thằng Mỹ vẫn đứng yên nhìn con voi đất trên bàn. Sự tức tối mỗi lúc một tăng. Và nó hét toáng lên: “Con không dọn! Con không nặn! Con không ở nhà nữa!”.

Thằng Mỹ vùng chạy vụt ra ngoài trước sự sửng sốt của Thụy. Anh đứng bất động hồi lâu mới ý thức rõ ràng sự việc vừa xảy ra. Cơn giận bốc lên ngùn ngụt. Anh dáo dát nhìn quanh rồi chụp cây thước bảng trên bàn, sải chân bước ra...

“Cha thằng Mỹ!”. Hồng, vợ Thụy, dằn cây thước trong tay chồng, hấp tấp hỏi tiếp: “Việc gì vậy?”. “Thằng con mất dạy! Mẹ nó để tôi trị nó một trận”. Thụy dằn lại cây thước trong tay vợ nhưng không được. Hồng nắm tay chồng kéo ngồi xuống ngạch cửa, nhỏ nhẹ nói: “Từ từ đã mình. Đánh con lúc này không tốt đâu. Mình nên nghe em”. Thụy nhìn vợ, lắc đầu chán nản. Anh không ngờ cơ sự đến nỗi này. Bao lâu nay anh vẫn lo cho cái tính lầm lì gắt gỏng của thằng Mỹ. Ôi cái thằng con khốn khổ, nó nghĩ gì? Anh nắm tay vợ, cảm động nói: “Em tốt quá! Thật phúc cho cha con anh có em. Em có thấy nó chạy đi đâu không?”. Hồng chỉ về phía trước: “Nó chạy về phía bờ sông”. “Bờ sông!”. Thụy bật thốt. Anh biết thằng Mỹ sẽ đến đâu...

Thằng Mỹ chạy mãi chạy mãi. Vừa chạy vừa khóc. Đôi chân trần của nó đã vượt qua những vườn cây trĩu quả, những ruộng dưa xanh ngát dẫn xuống bờ sông. Gió từ sông thổi lên mát rượi làm nó bình tĩnh lại. Nó từ từ đi đến nơi nó phải đến...

Thằng Mỹ ngồi dưới bóng râm của lùm tre trên bờ sông. Đây là nơi mẹ nó nhìn sông trôi theo lời cha nó nói. Nó thường ra đây ngồi lặng hằng giờ để tưởng tượng về mẹ và nghĩ về thân phận. Mặc cảm bị bỏ rơi mất mát khiến nó sống co mình lại và làm khổ sở nó. Nó muốn bức phá khỏi gia đình nhưng không thể. Tuổi nhỏ đã bị những suy nghĩ quẩn quanh về thân phận làm cho u uất. Nhưng khi đã hét lên để thỏa mãn sự bực tức nó lại ân hận, lo lắng. Làm sao nó dám trở về gặp lại cha mẹ và em nó nữa? Thằng em ốm yếu hay chọc phá nó nhưng có vật gì ngon cũng sẻ nhường cho anh, đã từng bênh anh để bị lũ bạn hàng xóm đánh chảy máu mũi. Ôi chao! Sao bây giờ nó thấy nhớ và thương cha mẹ và em nó quá!

 ***
Sắp bữa cơm chiều ra mâm rồi chờ cha con Thụy trở về, Hồng nghĩ đến sự việc vừa xảy ra. Chưa bao giờ trong gia đình có sự to tiếng giữa vợ chồng con cái. Có chăng chỉ là sự cãi vã mang tính trẻ con giữa hai đứa trẻ. Chị luôn lèo lái cho gia đình êm ấm. Dù vậy chị vẫn cảm nhận có một lá chắn mỏng manh trong suốt ngăn cách chị với thằng Mỹ. Chị có thể dùng roi vọt hay thả cho cơn giận bay theo lời nói với thằng Bình nhưng với thằng Mỹ thì không thể. Cặp mắt thế gian luôn soi mói. Thương con như nhau nhưng không thể hành xử với chúng như nhau mới thật khốn nạn cho chị. Cái quá khứ không hề mong muốn luôn ám ảnh chị để luôn nhắc nhở chị phải sống sao cho tròn với tiếng gọi mẹ của đứa trẻ.

Ngày ấy, khi thằng Bình mới gần hai tháng tuổi, Hồng suýt chết khi biết chồng có con với người bạn thân của chị. Một người lạ tìm đến nhà trao tận tay Thụy một lá thư. Đọc những dòng chữ lạ lẫm xiên xẹo, Thụy sửng sốt khi biết mình có thêm một đứa con trai và người mẹ đứa bé vừa được ba tháng tuổi đang trong cơn nguy kịch.

Đang trên tầng cao hạnh phúc, Hồng rơi vùn vụt xuống vực thẳm đau khổ. Từ thảng thốt bất ngờ đến ý thức được sự thật hiển nhiên qua lời xác nhận của Thụy chỉ một chốc lát đã khiến người sản phụ mới ra thời gian ở cữ chưa lâu nổi máu sản hậu dâng nghẹn tức thở. Kinh nghiệm dân gian qua tay những người hàng xóm đã cứu sống Hồng. Khi cơn bão lòng lắng xuống, vợ chồng Hồng đi đến nơi đã được chỉ dẫn.

Lan nằm thiêm thiếp trên giường, hai mắt nhắm nghiền, người gầy đét trong bộ đồng phục bệnh nhân. Như được linh tính mách bảo, Lan mở mắt nhìn đứa bé đang được một bé gái ôm trên tay rồi nhìn vợ chồng Hồng, miệng mấp máy như muốn nói một điều gì. Nhưng tất cả đã ngưng đọng trên đôi môi vừa hé. Đôi mắt buồn rười rượi vừa chắt ra hai giọt nước mắt chưa kịp lăn xuống mang tai thì ánh mắt vụt sáng lên rồi đờ đẫn. Hai mí mắt từ từ khép lại, đầu Lan ngã sang bên. Ôi ánh mắt trước phút lâm chung lóe lên dù chỉ một phần giây thôi mà chất chứa bao nỗi niềm làm người nhìn vào phải chùng lòng trào dâng niềm thương cảm. Hồng ôm đứa bé và bỗng thấy lòng mình xốn xang một sự cảm thông. Từ đây đôi bầu vú của chị sẽ sẻ chia hai dòng sữa đều nhau cho hai đứa trẻ.

***

Thằng Mỹ giật mình khi có vật gì chạm trên vai nó và tiếng nói bên tai: “Mỹ con!”. Nó quay lại chạm mặt cha nó đang ngồi mé bên sau lưng. Nó bật thốt lên: “Cha!” rồi ngả đầu vào lòng cha nó khóc tức tưởi.

Thụy ôm con trong vòng tay và cứ để mặc cho nó khóc. Chính lòng anh cũng đang dào dạt sóng xô. Anh như sống lại một lần lầm lỡ, thấy lại từng giọt nước mắt của người xưa. Người con gái đã cùng anh đi vào miền hạnh phúc ngắn ngủi... Rồi em đi xa thật xa bỏ cha con anh ở lại với bến sông này...

Dòng sông hiền hòa êm trôi trước mắt Thụy bỗng trở nên dữ dội cuồn cuộn sóng lừng của ngày xa xưa... Còn hơn tháng nữa cưới vợ thì Thụy bị kẹt lại trên rẫy mì. Ngồi trong chòi giữ rẫy nhìn màn nước trắng xóa, anh có cảm giác như cả rẫy mì đang ở dưới một thác nước. Khi mưa đã nhẹ hạt Thụy vội vã ra về nhưng khúc sông cắt ngang đường về nhà nước cuồn cuộn chảy xiết không thể lội qua. Thôi thì bám lại chờ nước rút. Cùng hoàn cảnh như Thụy, cô bạn ở rẫy bên cạnh cũng bị kẹt lại, nhưng chòi giữ rẫy đã bị sập nên phải qua ở nhờ bên chòi của Thụy.

Rồi mưa lại đến. Lại tạnh. Cứ thế dằng dai lúc mạnh, lúc yếu đến bảy ngày. Giữa cảnh rẫy rừng mưa gió vắng tiếng người, Thụy và người con gái cùng cảnh ngộ là người phàm tục chứ không phải thánh tiên. Hoàn cảnh ngẫu nhiên cứ như là số phận sắp đặt sẵn. Một thoáng ân hận của cả hai cũng chỉ là đám bọt nước dưới những cơn sóng tình của dòng sông tuổi trẻ để Thụy và Lan cùng hiểu rõ những rung động nhỏ nhất của nhau...

Và trước ngày cưới, trên bến sông ấy...

Lan khóc mùi mẫn. Thụy ôm Lan trong vòng tay. Vòng ôm thật chặt nhưng lòng Thụy rối bời: “Lan ơi! Anh thật khốn nạn đã làm khổ em. Anh biết làm sao bây giờ?”. Lan đẩy Thụy ra, giọng đầy nước mắt: “Anh hãy đi về làm tròn bổn phận của mình. Hồng cũng là phụ nữ. Anh đừng làm khổ cả ba người”. Lan vùng dậy chạy đi trước sự yếu đuối của Thụy giơ lên cánh tay chới với như kẻ sắp chết chìm, lắp bắp gọi: “Lan... Lan...”...

- Cha ơi! Cha tha lỗi cho con. Con hứa sẽ không bao giờ dám nữa.

Thụy choàng tỉnh khỏi giấc mê mụ mị. Anh nâng thằng Mỹ đứng dậy, phủi bụi đất bám vào quần nó, hỏi lại: “Con nói gì?... Mình về nhà thôi con”. “Dạ”. Thằng Mỹ đáp và sung sướng cảm nhận cử chỉ yêu thương và lời nói êm dịu của cha. Bỗng dưng trong lòng nó phát sinh một tình cảm mới lạ làm nó phấn chấn. Nó thấy cần phải nói ngay với cha nó chứ không thể để trong lòng. Nó nói: “Cha ơi! Con sẽ dịu dàng với mẹ và hòa thuận với em để cha vui lòng”. Thụy ngây ra nhìn con hồi lâu mới hiểu. Và khi đã hiểu, anh ôm đầu đứa con ghì vào ngực mình sung sướng.

Thụy nắm tay dắt thằng Mỹ đi ngược lại phía dòng sông để về nhà. Phía trước có người phụ nữ phúc hậu đã chia đôi dòng sữa của mình nuôi lớn một hình hài và đứa con nhỏ đang đợi cha con anh về dùng cơm bữa tối, bữa cơm gia đình.
 

Truyện ngắn: Trần Xuân Thụy

Tin cùng chuyên mục