Nghệ nhân Hoàng Liên Sơn dạy các thành viên của CLB hát Then, đàn Tính thôn Bản Nhùng,
xã Năng Khả (Na Hang) cách làm đàn Tính.
Chị Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, hiện nay, 100% các cơ sở đoàn đều có đội văn nghệ. Cùng với đó, các xã cũng thành lập được 95 CLB thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với trên 3.200 thành viên là đoàn viên thanh niên tham gia. Các đội văn nghệ, CLB đã có nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, sáng tạo trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua các hoạt động này đã góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức về gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ trong tỉnh. Hằng năm, trong các chương trình văn nghệ, thể thao quần chúng do địa phương tổ chức luôn khuyến khích đoàn viên thanh niên đưa các loại hình trò chơi dân gian, điệu múa, âm nhạc dân tộc… để biểu diễn, giao lưu.
Với vai trò thanh niên xung kích đi đầu trong các hoạt động, Huyện đoàn Sơn Dương đã đề cao nhiệm vụ giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho đoàn viên thanh niên. Chị Trần Thị Hoàn, Bí thư Huyện đoàn cho biết, Huyện đoàn đã tuyên truyền đến đông đảo đoàn viên, thanh niên về việc giữ gìn bản sắc văn hóa bằng hình thức thành lập các đội văn nghệ của xã, thôn. Ngoài ra, Huyện đoàn chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cùng các nghệ nhân ở địa phương như: Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Dừn, xã Đại Phú; Nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy, xã Ninh Lai... triển khai các hoạt động dạy chữ viết, hát dân ca và các điệu múa của dân tộc, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, chi đoàn, các CLB, đội, nhóm… Vì vậy, từ năm 2013 đến nay, Huyện đoàn đã thành lập được 15 CLB thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn các xã, thị trấn và 9 CLB thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở các trường THCS và trường THPT trên địa bàn huyện với tổng số trên 1.000 thành viên.
Anh Sầm Văn Đạo, Chủ nhiệm CLB Thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan xã Đại Phú (Sơn Dương) cho biết, CLB hiện có 50 thành viên với độ tuổi từ 14 đến 35 tuổi. Mỗi tháng CLB sinh hoạt 1 buổi tại nhà ông Sầm Văn Dừn, CLB sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân trong thôn am hiểu về văn hóa của dân tộc Cao Lan. Họ truyền dạy về cách mặc trang phục dân tộc, tiếng nói, hướng dẫn một số điệu nhảy, hát tiếng dân tộc…
Một buổi sinh hoạt đội múa khèn Mông thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương).
Huyện đoàn Chiêm Hóa thời gian qua cũng đã có nhiều mô hình, hoạt động định hướng, tổ chức cho thanh niên tham gia vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Có mặt tại một buổi sinh hoạt Đoàn xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) với chủ đề thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc sẽ cảm nhận được sự sôi nổi, hào hứng của các bạn đoàn viên. Được biết Đoàn xã thành lập được 3 nhóm gìn giữ bản sắc văn hóa gồm: nhóm thanh niên sử dụng ngôn ngữ dân tộc Nùng và dân tộc Tày; nhóm thanh niên ca hát các làn điệu dân tộc với hơn 50 thành viên, mỗi quý sinh hoạt một buổi tại nhà văn hóa các thôn trên địa bàn xã.
Anh Trương Đức Ngọc, thôn Soi Trinh bày tỏ, là người con của đồng bào dân tộc Nùng, anh luôn ý thức phải giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đồng thời hiểu được trách nhiệm của bản thân trong việc vận động đoàn viên thanh niên cùng tham gia chương trình văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc, học những làn điệu dân ca, bài hát bằng tiếng Nùng, tham gia các trò chơi dân gian.
Các trường học trên địa bàn tỉnh cũng thành lập các CLB gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như: CLB tiếng hát Soọng cô Trường THPT Sơn Nam (Sơn Dương); CLB hát Then, đàn Tính Trường THCS Thái Sơn (Hàm Yên); CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh... Em Ma Quang Thắng, lớp 10A1, Trường THPT Na Hang (Na Hang) chia sẻ, em rất vui khi được tham gia vào CLB hát Then, đàn Tính của trường, mỗi buổi sinh hoạt em được hòa mình vào những lời hát, điệu nhạc. Qua đó giúp em hiểu và cố gắng học tập để giữ gìn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Bằng những hành động cụ thể, tuổi trẻ tỉnh Tuyên Quang đã và đang nỗ lực với việc lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua các CLB, đội, nhóm trên địa bàn tỉnh đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, tạo dấu ấn đậm nét của màu áo xanh tuổi trẻ.
Gửi phản hồi
In bài viết