Nhóm phát triển sinh kế (PTSK) thôn Bản Lục, xã Đà Vị hoạt động lồng ghép với Nhóm tiết kiệm tín dụng (TKTD) được thành lập năm 2016 với 20 thành viên. Chị Phùng Thị Chài, Trưởng nhóm TKTD cho biết, năm 2016, nhóm sinh kế có 10 hộ dân được hỗ trợ 40 con gà/hộ, thuốc thú y và 5 kg thức ăn chăn nuôi, được tập huấn kiến thức chăn nuôi gà từ Chương trình Vùng. Sau 5 tháng, các hộ bán gà, trả lại 40 con giống cho 10 hộ thành viên sau. Mỗi năm, nhóm PTSK xây dựng quỹ tiết kiệm chăn nuôi 600 nghìn đồng/năm để làm nguồn vốn vay cho thành viên. Với hình thức hỗ trợ giống quay vòng này, các thành viên cùng giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả giám sát giữa các hộ thành viên. Tính đến thời điểm này, nhóm đã thu hút được 34 thành viên, 100% là dân tộc Dao, Tày. Quỹ tiết kiệm chăn nuôi đạt 30 triệu đồng, lãi suất vay 1%/tháng. Nguồn vốn đã giúp cho hàng chục hộ vay phát triển kinh tế hay lúc khó khăn, đột xuất. Đặc biệt, nhiều thành viên đã biết nhân rộng mô hình nuôi gà và thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như hộ chị Phùng Thị Xuyến, Phùng Thị Choáng, Chúc Thị Khé.
Mô hình chăn nuôi gà thịt của chị Lại Thị Cúc, hội viên phụ nữ thôn Nà Kham, xã Năng Khả phát triển từ khi tham gia nhóm phát triển sinh kế.
Tại 5 xã dự án hiện đang duy trì 45 Nhóm PTSK tại các thôn bản với 1.231 thành viên tham gia. Trong đó, 80% là các hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Hình thức hoạt động của các nhóm PTSK cũng tương tự như thôn Bản Lục, xã Đà Vị. Ông Bùi Văn Trường, cán bộ hỗ trợ phát triển cộng đồng, Chương trình Vùng Na Hang cho biết, Chương trình Vùng thực hiện dự án sinh kế với phương thức cho “cần câu cá, không cho cá”. Nghĩa là, chương trình nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ huyện, xã về vai trò, hiệu quả của gắn kết cộng đồng trong phát triển kinh tế thông qua duy trì hiệu quả hoạt động của nhóm PTSK, nhóm TKTD tại thôn, bản. Việc hỗ trợ con giống, cây giống theo hình thức quay vòng gắn với hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng quỹ tiết kiệm chăn nuôi là hình thức “cầm tay, chỉ việc” để hộ thành viên được học đi đôi với hành, thực hành chi tiêu tiết kiệm.
Giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình Vùng đã hỗ trợ 161.000 gà con giống cho 4.590 lượt hộ; 4.590 suất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, 1.015 suất giống rau trị giá trên 6 tỷ đồng. Hàng năm, có khoảng hơn 900 lượt hộ gia đình được hỗ trợ đầu vào cho sản xuất; trung bình 1,5 triệu đồng/hộ góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình cho các hộ nghèo/cận nghèo tại địa phương.
Chương trình Vùng phối hợp cùng Hội LHPN 5 xã thành lập và duy trì 35 nhóm TKTD do cộng đồng tự quản với 988 thành viên tham gia; lồng ghép với hoạt động của Hội LHPN và duy trì thói quen tiết kiệm cho các hộ gia đình. Đến nay, các nhóm đã tiết kiệm được trên 500 triệu đồng cho 370 lượt thành viên vay. Qua đó, góp phần vào việc tạo ra nguồn quỹ xoay vòng tại chỗ cho các hộ gia đình đặc biệt là các hộ nghèo/cận nghèo, các hộ còn hạn chế với việc tiếp cận các nguồn vốn xã hội.
Ông Bùi Văn Trường, cán bộ hỗ trợ phát triển cộng đồng, Chương trình Vùng Na Hang bày tỏ, theo dự kiến, hết năm 2022, Chương trình Vùng Na Hang kết thúc tại địa phương. Song thành quả cốt lõi là các hộ thành viên có kiến thức, có thêm nguồn vốn để tự tin, tự lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết