Huyện Sơn Dương có hơn 65.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV phục vụ canh tác là khá lớn. Theo số liệu tổng hợp tại các địa phương, trung bình mỗi năm số vỏ thuốc BVTV mà người dân thải ra môi trường là hơn 7 tấn. Trước đây, do thói quen cùng với việc không có bể chứa, sau khi sử dụng thuốc BVTV, người dân thường vứt bao bì ra kênh mương, ruộng đồng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Để hạn chế tình trạng này, UBND huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp thu gom bao bì thuốc sau sử dụng vào đúng nơi quy định; tổ chức tập huấn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng liều lượng và đúng thời điểm). Đồng thời, huy động nguồn vốn từ các chương trình, dự án, xã hội hóa để xây dựng bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Đến nay, toàn huyện có 8 nhà kho, 2.129 bể chứa bao bì thuốc BVTV. Lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đã thu gom từ năm 2018 đến 2020 là hơn 19 tấn, trong đó hơn 16 tấn đã được tiêu hủy theo quy định.
Người dân thôn Đồng Diễn, xã Hợp Thành (Sơn Dương) thu gom bao bì thuốc BVTV bỏ vào bể chứa.
Có mặt tại cánh đồng lúa xã Hợp Thành (Sơn Dương), điều dễ nhận thấy là những bể chứa bao bì thuốc BVTV được đặt ở những vị trí thuận tiện cho người dân. Bà Hoàng Thị Yến, thôn Đồng Diễn cho biết, trước đây, phun thuốc trừ sâu xong, phần lớn người dân cứ tiện đâu bỏ đấy, rác thải vứt tràn lan trên bờ ruộng, kênh mương khiến nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều cua, cá dưới bờ mương bị chết. Từ khi có các bể chứa, sau khi sử dụng thuốc xong, bà để đúng nơi quy định.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành chia sẻ, trung bình mỗi năm, số vỏ thuốc BVTV mà người dân thải ra môi trường khoảng 50 kg. Từ năm 2020 đến nay, xã đã tổ chức hơn 10 buổi tuyên truyền sử dụng và thu gom vỏ thuốc sau sử dụng cho gần 2.000 lượt người, xây dựng 15 bể chứa bao bì thuốc BVTV, nâng tổng số bể chứa của toàn xã lên 86 bể. Đến nay, hầu hết người dân đã có ý thức chung tay bảo vệ môi trường, không vứt rác thải, vỏ thuốc bừa bãi.
Xã Vân Sơn (Sơn Dương) hiện có 31 bể chứa vỏ thuốc BVTV được lắp đặt tại các thôn. Bà Hoàng Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, cùng với việc tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hàng tháng, địa phương duy trì 1 ngày ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm và kết hợp khơi thông cống rãnh, mương nước, thu dọn rác thải thuốc BVTV tại đồng ruộng.
Mô hình thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại huyện Sơn Dương đã và đang đạt hiệu quả tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân. Tuy nhiên, hiện nay số lượng bể chứa vỏ thuốc BVTV sau sử dụng tại các xã còn ít so với yêu cầu thực tế; vẫn còn tình trạng người dân để chung rác thải thông thường như bát vỡ, gia súc chết vào bể chứa gây khó khăn cho việc xử lý; nguồn kinh phí lắp đặt bể chứa, tiêu hủy bao bì sau sử dụng chưa đáp ứng nhu cầu.
Để việc thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV hiệu quả, UBND huyện đề xuất UBND tỉnh tiếp tục dành kinh phí hỗ trợ xây dựng bể chứa ở các địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức vệ sinh môi trường của người dân. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết