Được triển khai từ năm 2007, với mức cho vay tối đa là 50 triệu đồng/hộ, không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; trên 50 - 100 triệu đồng thì phải có vốn tự có tham gia vào phương án sản xuất tối thiểu bằng 20% và phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Với mức lãi suất 0,75%/tháng, tương đương 9%/năm, thời hạn cho vay được xác định theo các loại cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn…, đã có nhiều hộ dân vùng khó sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Sơn kiểm tra sử dụng
nguồn vốn vay ưu đãi tại xã Quý Quân (Yên Sơn).
Gia đình chị Bàn Thị Nái ở thôn Nà Mụ, xã Hồng Thái (Na Hang) vừa được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Số vốn này chị Nái dùng để mua 2 con trâu sinh sản và xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Đến nay, gia đình chị đang duy trì nuôi 8 con trâu và hơn 10 con lợn, mỗi năm trừ chi phí gia đình chị thu lãi gần 100 triệu đồng.
Anh Nguyễn Năng Thuận, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) trước đây gặp rất nhiều khó khăn, đất đai sản xuất nhiều nhưng lại không có vốn để đầu tư. Đầu năm 2019, thông qua Hội Nông dân, anh được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Cộng với số tiền tích góp của gia đình, anh Thuận cải tạo 1 ha vườn đồi để trồng 200 gốc bưởi Diễn và bưởi Soi Hà, 3 ha keo và mở rộng chuồng trại để chăn nuôi lợn. Đến nay, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình anh đạt trên 100 triệu đồng.
Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, chi nhánh đã phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác rà soát nhu cầu sử dụng vốn để kịp thời giải ngân đến đối tượng thụ hưởng. Thời gian tới, chi nhánh sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương để đáp ứng đầy đủ, bảo đảm cho các hộ có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đoàn thể các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Đến 30-6, tổng dư nợ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh đạt 550,6 tỷ đồng với 13.862 hội viên vay vốn. Trong đó, một số huyện có dư nợ cao như: Sơn Dương 130 tỷ đồng, Yên Sơn 116 tỷ đồng, Chiêm Hóa 109 tỷ đồng…
Gửi phản hồi
In bài viết