Rác thải nông thôn: Nan giải tìm khu quy hoạch, xử lý

- Rác thải - tưởng như là câu chuyện nhỏ, nhưng lại là vấn đề lớn khi cản trở tiến trình về đích nông thôn mới của nhiều địa phương. Đã có nhiều phương án để giải quyết vấn đề này, nhưng trên thực tế, đây vẫn là bài toán khó tìm lời giải.

Xã Tân Long nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới năm 2021 của huyện Yên Sơn. Các tiêu chí về thu nhập, nhà ở dân cư, điện, chợ nông thôn… không phải là nỗi lo của xã. Nhưng tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm đang khiến lãnh đạo xã này phải “đau đầu”.

Đoàn viên thanh niên xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) thu dọn rác thải ven đường.

Ông Nguyễn Kỹ Thuật, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, trong số các tiêu chí phải hoàn thành, thì tiêu chí môi trường với Tân Long là tiêu chí khó nhất. Lãnh đạo xã cũng đã đi nhiều xã đã về đích nông thôn mới để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, nhưng quá trình triển khai cũng đang gặp nhiều rào cản.

Ông Thuật minh chứng, ngay như vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, lượng vỏ bao bì đã quá tải và được người dân thu gom từ các bể chứa về để đưa đi xử lý từ cách đây 3 năm. Nhưng đến giờ, toàn bộ phần rác thải này vẫn “án binh bất động”, xã phải đưa ra tập kết tại một góc khu nghĩa trang của xã, tránh việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ngấm ra đất.

Địa điểm quy hoạch bãi rác tập trung của xã, hiện cũng đang loay hoay không biết nên chọn ở đâu để vừa đảm bảo tiêu chí an toàn, vệ sinh, vừa không ảnh hưởng đến nguồn nước, sinh hoạt của người dân. Trước đây, từ nguồn vốn Di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang đã đề xuất cho Tân Long xây dựng một bãi rác khoảng 600 triệu đồng, nhưng cũng vì “vướng” phải bài toán địa điểm mà xã “từ chối không nhận”.

Một trong những lý do khiến việc lựa chọn địa điểm để quy hoạch các bãi rác tập trung ở các xã là do không nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân địa phương. Nguyên nhân, theo Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Kỹ Thuật, là do bà con lo sợ những ảnh hưởng, tác động ra môi trường từ các khu này. Nếu việc quy hoạch các bãi rác thải tập trung đồng thời với việc thu hút được các nhà máy xử lý rác thải thì sẽ đơn giản là chỉ dừng lại ở việc tập kết, chôn lấp. Rác thải của người dân Tân Long hiện được chính quyền hướng dẫn xử lý theo hình thức tự chôn lấp rác thải hữu cơ, rác thải không phân hủy được như vỏ bao bì, chai nhựa thì gom lại bán để tái chế.

Xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) đã về đích nông thôn mới từ năm 2016, nhưng đến thời điểm này, bãi rác thải tập trung của xã vẫn loay hoay lựa chọn địa điểm. Chọn đặt ở cuối xã Vinh Quang thì lại là đầu xã Kim Bình, chọn đặt ở đầu xã Vinh Quang thì lại ảnh hưởng đến nguồn nước của các hộ dân. Cuối cùng, Vinh Quang lựa chọn giải pháp hợp đồng với một doanh nghiệp vệ sinh môi trường ở Na Hang thu gom rác thải của người dân và đưa ra khỏi địa phương để xử lý. Chủ tịch UBND xã Vinh Quang Phạm Văn Cầu cho biết: Hiện giờ đây là giải pháp tối ưu nhất, không ảnh hưởng đến người dân trên địa bàn xã và các xã lân cận.

Đây cũng là giải pháp của xã Xuân Vân (Yên Sơn). Mặc dù đã quy hoạch bãi rác tập trung ở thôn Sơn Hạ 4, nhưng vì chưa tính toán được công nghệ xử lý nên Xuân Vân hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường xanh Tuyên Quang để thu gom 2 ngày/lần. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân Triệu Ngọc Lý cho biết, mặc dù theo lộ trình đến năm 2023 Xuân Vân mới về đích nông thôn mới, nhưng câu chuyện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã được chính quyền xã tính toán từ nhiều năm trước. Lượng rác thải của người dân trong 2 ngày chờ doanh nghiệp môi trường đến vận chuyển, xã bố trí kinh phí mua các thùng đựng rác, tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Thu dọn bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa).

Đối với những xã đã có địa điểm xây dựng bãi rác thải, thì việc xử lý cũng đang gặp phải nhiều vấn đề. Xã Bình Xa (Hàm Yên) đã quy hoạch được một khu xử lý rác thải tập trung theo hình thức chôn lấp. Theo bà Phạm Thị Hoài, Trưởng thôn Làng Rịa - thôn gần với địa điểm khu xử lý rác thải tập trung nhất, thì việc quy hoạch được một khu xử lý rác thải giúp cho việc giữ gìn, bảo vệ môi trường ở 7 thôn quanh khu vực được đảm bảo, lượng rác thải vứt ra ngoài môi trường sống xung quanh cũng được hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên do thiếu hiểu biết, thiếu ý thức, một số hộ dân khi mang rác thải ra khu xử lý thường có thói quen đốt luôn. Điều này đã gây ra hậu quả tai hại. Như thời điểm đầu năm 2021, do một số người dân đốt rác đã khiến cả khu xử lý rác tập trung cháy trong nhiều ngày, khói bụi, cộng với mùi của các loại rác thải bị đốt cháy ảnh hưởng đến nhiều hộ dân xung quanh. Không chỉ thế, đám cháy lan ra khu vực trồng mía của gia đình anh Vũ Gia Thành gần đấy khiến cả vườn mía đang chuẩn bị thu hoạch bị thiêu rụi hoàn toàn.

Trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có 47 xã đạt tiêu chí về môi trường. Cả tỉnh cũng chỉ có một số xã đã xây dựng được lò đốt chất thải rắn sinh hoạt bằng khí tự nhiên với công suất từ 150 - 500 kg/giờ như ở xã Tân Trào (Sơn Dương), lò đốt rác tại thôn Khuổi Soỏm, xã Năng Khả (Na Hang), lò đốt tại bãi rác của huyện Chiêm Hóa, lò đốt rác tại thôn Bản Thàng, xã Phúc Yên (Lâm Bình)…  Còn lại, các khu xử lý rác thải (nếu có) vẫn chủ yếu theo hình thức chôn lấp.

Đây là một bài toán khó, khi việc vận động người dân thu gom rác thải đã trở thành phong trào, nhưng việc xử lý lại đang bỏ ngỏ. Về lâu dài, tỉnh đang đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu công nghệ, xây dựng các khu xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng. Đồng thời, có cơ chế phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải. 

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt

Tin cùng chuyên mục